Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 01/2023
Đăng ngày 19-01-2023 15:10, Lượt xem: 87

Xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành Ngân hàng; Quy định mới về bồi dưỡng thường xuyên giáo viên; 5 tiêu chuẩn thư viện trường mầm non; Sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác; Tăng lên mức 100% đối với phụ cấp ưu đãi nghề cho cán bộ y tế …. là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 01/2023.

Xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành Ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 14/2022/TT-NHNN quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành Ngân hàng.

Theo đó, Thông tư số 14/2022/TT-NHNN quy định việc bổ nhiệm và xếp lương vào các ngạch công chức chuyên ngành Ngân hàng phải căn cứ vào vị trí việc làm, chức trách, nhiệm vụ và nghiệp vụ chuyên môn đảm nhận của công chức. 

Cụ thể, khi chuyển xếp từ ngạch công chức hiện giữ sang ngạch công chức chuyên ngành Ngân hàng không được kết hợp nâng bậc lương hoặc nâng ngạch công chức.

Về cách xếp lương, Thông tư số 14/2022/TT-NHNN nêu rõ, các ngạch công chức chuyên ngành Ngân hàng quy định tại Thông tư này thực hiện như sau:

- Ngạch Kiểm soát viên cao cấp ngân hàng áp dụng bảng lương công chức loại A3, nhóm 1 (A3.1), từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00; 

- Ngạch Kiểm soát viên chính ngân hàng áp dụng bảng lương công chức loại A2, nhóm 1 (A2.1), từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78;

- Ngạch Kiểm soát viên ngân hàng áp dụng bảng lương công chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98;

- Ngạch Thủ kho, thủ quỹ ngân hàng áp dụng bảng lương công chức loại A0, từ hệ số lương 2,10 đến hệ số lương 4,89;

- Ngạch Nhân viên Tiền tệ - Kho quỹ áp dụng bảng lương công chức loại B, từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06.

Việc chuyển xếp lương đối với công chức từ các ngạch công chức chuyên ngành hiện giữ sang ngạch công chức chuyên ngành Ngân hàng quy định tại Thông tư này được thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 2 Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV ngày 25/5/2007 của Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức.

Thông tư số 14/2022/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 1/1/2023.

Quy định mới về bồi dưỡng thường xuyên giáo viên

Bộ Giáo dục và đào tạo vừa ban hành Thông tư số 17/2022/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và giáo viên trung tâm giáo dục thường xuyên.

Theo đó, Thông tư số 17/2022/TT-BGDĐT đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung như sau:

- Về mục đích của bồi dưỡng thường xuyên: Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu của vị trí việc làm đối với giáo viên, cán bộ quản lý; là căn cứ để quản lý, chỉ đạo, tổ chức bồi dưỡng, tự bồi dưỡng nhằm nâng cao phẩm chất, năng lực chuyên môn nghiệp vụ của giáo viên, cán bộ quản lý; nâng cao mức độ đáp ứng của giáo viên, cán bộ quản lý theo yêu cầu vị trí việc làm….

- Về tài liệu bồi dưỡng thường xuyên: Tài liệu phải bảo đảm kết hợp giữa lý luận và thực tiễn; kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng thực hành; tích hợp, lồng ghép các chương trình bồi dưỡng có nội dung tương đồng; không được trùng lặp. Chương trình, tài liệu phải thường xuyên được bổ sung, cập nhật, nâng cao phù hợp với tình hình thực tế…

- Về báo cáo viên bồi dưỡng thường xuyên: Là nhà giáo thuộc các cơ sở giáo dục thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng thường xuyên; chuyên gia, cán bộ quản lý giáo dục; giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán; giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục thường xuyên đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định; Có kinh nghiệm trong công tác bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý; Có kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong thiết kế, xây dựng và phát triển tài liệu, học liệu để bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý.

- Đánh giá và xếp loại kết quả bồi dưỡng thường xuyên: Đánh giá việc vận dụng kiến thức bồi dưỡng thường xuyên vào thực tiễn dạy học, giáo dục trẻ em, học sinh, học viên; thực tiễn quản lý cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên. Đánh giá cần kết hợp giữa đánh giá thường xuyên với đánh giá định kì bằng nhiều phương pháp, hình thức phù hợp thông qua bài kiểm tra, bài tập nghiên cứu, bài thu hoạch bảo đảm về mục tiêu, yêu cầu cần đạt, nội dung Chương trình bồi dưỡng thường xuyên, phù hợp với thực tiễn và các quy định tại Quy chế này.

- Hoàn thành kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên: Giáo viên, cán bộ quản lý được xếp loại hoàn thành kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên khi thực hiện đầy đủ quy định của các khóa bồi dưỡng trong năm học; hoàn thành đầy đủ các bài kiểm tra, bài tập nghiên cứu, bài thu hoạch với kết quả đạt yêu cầu theo quy định.

Thông tư số 17/2022/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 20/01/2023.

5 tiêu chuẩn thư viện trường mầm non

Có hiệu lực từ ngày 7/1/2023, Thông tư số 16/2022/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định tiêu chuẩn thư viện cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông.

Theo đó, Thông tư số 16/2022/TT-BGDĐT quy định thư viện trường mầm non phải đáp ứng 5 tiêu chuẩn gồm:

- Tiêu chuẩn về tài nguyên thông tin: phải có đủ tài nguyên thông tin, bảo đảm phù hợp với độ tuổi, tâm lý của trẻ em; đáp ứng nhu cầu hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em và yêu cầu giáo dục của giáo viên; phù hợp với mục tiêu, nội dung giáo dục trong chương trình giáo dục mầm non; có tài nguyên thông tin mở rộng về kiến thức chuyên môn; phương pháp giáo dục mầm non trong nước và ngoài nước; bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho giáo viên và người làm công tác thư viện….

- Tiêu chuẩn về cơ sở vật chất: phải đảm bảo thư viện trường mầm non được bố trí tại khu vực thuận lợi cho việc tiếp cận và sử dụng của trẻ em, đặc biệt đối với trẻ em khuyết tật; ưu tiên bố trí tại tầng một (tầng trệt) gần khối phòng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em; diện tích thư viện được xác định đối với 30% đến 50% tổng số trẻ em toàn trường và bảo đảm định mức tối thiểu 0,60 m2/trẻ em. Tổng diện tích thư viện không nhỏ hơn 48 m2 (không tính diện tích không gian mở; Có phòng đọc cho trẻ em tối thiểu 25 chỗ, bảo đảm diện tích một chỗ ngồi trong phòng đọc không nhỏ hơn 1,5 m2/chỗ; phòng đọc cho giáo viên tối thiểu 15 chỗ, bảo đảm diện tích một chỗ ngồi trong phòng đọc không nhỏ hơn 2,4 m2/chỗ..

- Tiêu chuẩn về thiết bị chuyên dùng: Có đủ thiết bị chuyên dùng, bao gồm tủ, kệ, giá sách, bàn, ghế cho trẻ em; bàn, ghế cho giáo viên; bàn, ghế, tủ cho người làm công tác thư viện; tủ hoặc hộp mục lục, sổ mục lục, bảng giới thiệu sách; hướng dẫn sử dụng thư viện và các thiết bị khác; Có máy tính kết nối internet, máy in, phương tiện nghe nhìn …..

- Tiêu chuẩn về hoạt động thư viện: Hệ thống tra cứu tài nguyên thông tin được thực hiện trực tiếp tại thư viện, bảo đảm tra cứu dễ dàng, thuận tiện đồng thời có thể truy xuất được dữ liệu liên quan; các hoạt động khuyến đọc, hình thành và phát triển thói quen đọc, bao gồm: Làm quen với sách tại thư viện; mượn sách về nhà; kể chuyện hoặc chương trình ngoại khóa; tổ chức hoạt động Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam hằng năm; Hoạt động làm quen với sách tại thư viện bảo đảm tối thiểu 01 hoạt động/tháng; bảo đảm tỷ lệ 100% giáo viên và tối thiểu 80% trẻ em toàn trường đọc sách tại thư viện và mượn sách về nhà hằng năm…. 

- Tiêu chuẩn về quản lý thư viện: Có hệ thống hồ sơ, sổ sách, nội quy thư viện bảo đảm quản lý về tài nguyên thông tin, cơ sở vật chất, thiết bị chuyên dùng và hoạt động thư viện; phát triển tài nguyên thông tin được thực hiện với các hình thức đặt mua trên thị trường (bao gồm cả mua quyền truy cập cơ sở dữ liệu, tài nguyên thông tin số); tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước tài trợ và trao tặng; các nguồn truy cập mở và liên thông thư viện….

Sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 130/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 94/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác.

Theo đó, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp, cấp lại Quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng như sau: Tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ đến Cục Trồng trọt. Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Trồng trọt tổ chức thẩm định hồ sơ của cơ sở. Trường hợp hồ sơ đáp ứng đủ điều kiện, Cục Trồng trọt cấp Quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm theo Mẫu số 03.KN Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này và đăng tải Quyết định trên Cổng thông tin điện tử của Cục Trồng trọt; trường hợp hồ sơ không đáp ứng đủ điều kiện, Cục Trồng trọt thông báo bằng văn bản có nêu rõ lý do; Trường hợp tổ chức, cá nhân không hoàn thiện hồ sơ trong thời hạn 3 tháng, kể từ ngày nhận được thông báo của Cục Trồng trọt, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm nộp lại hồ sơ theo quy định.

Nghị định số 130/2022/NĐ-CP cũng bãi bỏ điểm c khoản 1 Điều 11; điểm c khoản 1 Điều 12 và thay thế Mẫu số 01.XK Phụ lục VIII ban hành kèm theo Nghị định số 94/2019/NĐ-CP bằng Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 130/2022/NĐ-CP.

Tăng lên mức 100% đối với phụ cấp ưu đãi nghề cho cán bộ y tế

Từ ngày 1/1/2023, mức phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở được tăng từ mức 40-70% lên mức 100% theo Nghị quyết số 69/2022/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 của Quốc hội và thực hiện theo Điểm 3 Kết luận 25-KL/TW ngày 30/12/2021 về công tác phòng, chống dịch Covid-19 (2022-2023) có nội dung, Bộ Chính trị đồng ý các kiến nghị của Ban cán sự đảng Bộ Y tế, trong đó có nội dung điều chỉnh chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở từ mức 40-70% lên mức 100%.

KHÁNH VÂN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác