Đình Nại Nam
Đình làng Nại Nam nay ở khối phố Nam Sơn, phường Hòa Cường, quận Hải Châu. Đình được xây dựng năm ất Tỵ (1905) từ công sức đóng góp của dân địa phương, thờ Thành hoàng bảo an chính trực, bổn xứ thổ thần và các vị tiền nhân của làng.

Đình ghi đậm dấu ấn văn hóa thời Nguyễn, mái lợp ngói âm dương, tường gạch, trên mái đình là lưỡng long chầu nguyệt, loan phụng hòa vinh, dơi ngậm đào, thể hiện qua nghệ thuật đắp ghép sành sứ, công phu, đẹp mắt. Bên trong chia làm 3 gian, 2 chái, phần chính diện dài 11,7m, rộng 7,9m, hậu tẩm rộng 3,9m, dài 4,1m. Có 4 hàng cột bằng gỗ mít, gồm 20 cột, có chiều cao từ 2,5m - 4,5m. Kết cấu kèo theo “chồng rường - giả thủ”. Phần đầu hồi chạm trổ khéo léo và tinh xảo qua bàn tay tài hoa của thợ chạm Kim Bồng (Hội An), thể hiện các đề tài: cá chép hóa long, bát bảo đạo nho, cùng các họa tiết hoa văn cây cỏ, hoa lá.

Ngày xưa, hằng năm có lễ cầu an tại đình vào rằm tháng 2 âm lịch và ngày lễ cuối năm (30 Tết).
 
Trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ, đình làm cơ sở, địa điểm để hoạt động cách mạng, có nhiều sự kiện lịch sử diễn ra ở đây như lễ kết nạp đảng viên, triển khai lực lượng chính trị và quân sự đánh vào thành phố ở các thời điểm 1950, 1951, 1960, 1965, 1968, 1975, nhiều người con ưu tú của địa phương đã sống, chiến đấu và hy sinh anh dũng tại đình.
 
Di tích đình Nại Nam, ngoài giá trị của một di tích kiến trúc - nghệ thuật còn là một trong những đình làng cổ tiêu biểu còn lại khá nguyên vẹn trong nội thành Đà Nẵng.
 
Đình làng Nại Nam được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích quốc gia vào ngày 04/01/1999.

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT