Đà Nẵng cấp hơn 10 ngàn chữ ký số công cộng để người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến
Đăng ngày 15-07-2024 16:17, Lượt xem: 95

Sáng 15-7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì phiên họp thứ 8 của Ban Chỉ đạo. Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường tham dự tại điểm cầu Đà Nẵng. 

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước đã xác định cải cách hành chính (CCHC) là một trong 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược; xây dựng nền hành chính theo hướng dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân.

Quan điểm là CCHC phải luôn lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, làm trung tâm; phải được triển khai đồng bộ với cải cách lập pháp, cải cách tư pháp và đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, góp phần xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Thủ tướng chủ trì Phiên họp thứ 8 Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính - Ảnh: VGP

Theo Thủ tướng, thời gian qua, công tác CCHC đã được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, liên tục, tổ chức thực hiện quyết liệt và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, tăng cường thu hút đầu tư và thúc đẩy hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.

"Những tồn tại, hạn chế đó cần sớm khắc phục để mau chóng khơi thông và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phục hồi, phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay", Thủ tướng chỉ rõ.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đại biểu dự Phiên họp tập trung đánh giá, làm rõ những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế trong cải cách hành chính, nhất là những nhiệm vụ đã đề ra trong Phiên họp lần thứ 7; xác định nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và thảo luận, thống nhất những nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới để khắc phục, khơi thông những điểm nghẽn, ách tắc và nâng cao hiệu quả của công tác này, với phương châm "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ hiệu quả".

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường phát biểu tham luận

Phát biểu tham luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường cho biết, Đà Nẵng xác định rõ mục tiêu “Cải cách hành chính theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm”. 

Do đó trong những năm qua, công tác CCHC luôn được Thành ủy, HĐND và UBND thành phố quan tâm chỉ đạo. Mục tiêu thực hiện gắn công tác CCHC trong việc phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới, đề xuất các sáng kiến trong từng nhiệm vụ chuyên môn, gắn công tác CCHC trong thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn thành phố.

Đồng thời, triển khai Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

6 tháng đầu năm 2024, thành phố triển khai được 1.844/1.886 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) (1.817 toàn trình và 27 một phần), đạt tỷ lệ 98% và đảm bảo 100% dịch vụ công đủ điều kiện đã được triển khai toàn trình. 

Tích hợp 1.499 DVCTT lên Cổng dịch vụ công quốc gia, đạt tỷ lệ 79,5%. Tỷ lệ DVCTT phát sinh hồ sơ trực tuyến là 453/463 đạt tỷ lệ 98% (mục tiêu năm 2024 là 98%). Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 90%(66.607/74.006 hồ sơ, không tính 69.184 hồ sơ lĩnh vực chứng thực; mục tiêu năm 2024 là 95%). 

Tỷ lệ số hóa, cấp kết quả TTHC số đạt 64% tính đến thời điểm hiện tại, trong đó 100% kết quả mới (năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024) đã được số hóa đưa vào Kho kết quả TTHC (mục tiêu năm 2024, đạt 100% kết quả mới và 90% kết quả các năm 2020-2022). 

Về kết quả giải quyết TTHC (số) được sử dụng lại: Qua thống kê sơ bộ các sở, ngành thành phố, trung bình có khoảng 21% TTHC đã công bố, sử dụng lại kết quả TTHC số để người dân không phải nộp thành phần hồ sơ này. 

Thành phố thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Đề án 06/CP và 43 mô hình về Đề án 06/CP của các sở, ngành, địa phương; tổ chức làm việc trực tiếp với các sở, ngành, địa phương để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Đề án 06/CP.

Đồng thời, hoàn thành chỉ tiêu thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân và tài khoản định danh điện tử đối với 100% nhân khẩu đủ điều kiện; cấp hơn 10.000 chữ ký số công cộng để người dân sử dụng ký thành phần hồ sơ khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến…

Cùng với đó, thành phố đã đưa vào vận hành Trung tâm giám sát, điều hành thông minh thành phố Đà Nẵng (IOC), hiện Trung tâm IOC cung cấp 15 dịch vụ đô thị thông minh, 53 bài toán cảnh báo và 153 bài toán dịch vụ đô thị thông minh.

Ngoài ra, Đà Nẵng đã thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ Giúp việc Ban Chỉ đạo triển khai công tác chuyển đổi số và Đề án 06/CP thành phố, đồng thời, thường xuyên rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo, Tổ Giúp việc Ban Chỉ đạo; chỉ đạo hợp nhất Tổ công nghệ số cộng đồng và Tổ công tác Đề án 06/CP tại tổ dân phố/thôn trên địa bàn thành phố. Công tác đảm bảo an ninh, an toàn các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, bảo vệ dữ liệu cá nhân được quan tâm, chú trọng

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường, để đạt được kết quả như trên, Đà Nẵng đã sớm triển khai và liên tục rà soát, cập nhật các giải pháp để người dân, doanh nghiệp thuận lợi sử dụng các tiện ích thông qua công tác chuyển đổi số và Đề án 06/CP. 

Thành phố triển khai các chính sách hỗ trợ phí/lệ phí và thời gian xử lý từ năm 2019 theo hướng giảm thời gian xử lý đến 50% đối với dịch vụ công trực tuyến. Thành phố sử dụng cơ sở dữ liệu và kết quả thủ tục hành chính số để huỷ/bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết; kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và từ tháng 3-2023 đã đưa vào khai thác, sử dụng từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Phó Chủ tịch UBND thành phố nhìn nhận, bên cạnh các kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, “điểm nghẽn” làm chậm, muộn tiến độ triển khai. 

Vì vậy, nhằm khắc phục khó khăn, vướng mắc, tiếp tục phát huy kết quả đạt được, đảm bảo triển khai đồng bộ, xuyên suốt và hiệu quả các nhiệm vụ thời gian tới, thành phố Đà Nẵng đề nghị Văn phòng Chính phủ hoàn thiện các chức năng trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đang còn xảy ra khá nhiều lỗi, nhất là về thanh toán trực tuyến..., đồng bộ dữ liệu từ địa phương lên.

Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cần có chính sách hỗ trợ chi phí cho các Đại lý dịch vụ công trực tuyến đối với hoạt động này nhằm thúc đẩy mô hình hoạt động trên cả nước; Sớm ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật để địa phương có cơ sở xây dựng giá dịch vụ chuyển giao doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích đảm một số công việc trong quá trình hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành; Chỉ đạo các doanh nghiệp công nghệ số, phối hợp với địa phương triển khai nhiều dịch vụ ký số để góp phần phổ cập chữ ký số cho người dân, từ đó cung cấp DVCTT thuận lợi hơn. 

Đối với các bộ ngành, đẩy mạnh tái cấu trúc quy trình để đơn giản TTHC (giảm khâu thực hiện, kế thừa lại dữ liệu, kết quả TTHC số) khi triển khai xuống địa phương nhằm tạo thuận lợi cho người dân dễ sử dụng hơn. 

KHÁNH NHI

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT