Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona được phát hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12-2019. Đến nay, 173 quốc gia/ vùng lãnh thổ trên toàn cầu ghi nhận trường hợp mắc. Tính đến thời điểm hiện tại (19-3), Việt Nam ghi nhận 76 ca dương tính với Covid-19, trong đó, 16 người mắc Covid-19 (tính từ ngày 23-1 đến ngày 13-2) đã được chữa khỏi bệnh hoàn toàn. Để người dân có thêm thông tin hữu ích về dịch bệnh Covid-19 , Cổng TTĐT TP xin giới thiệu một số thông tin về: dấu hiệu cơ bản để nhận biết bạn đang mắc Covid-19, hướng xử lý khi có dấu hiệu nghi nhiễm, cách phân loại người nhiễm và nghi nhiễm Covid-19, các đường nóng tiếp nhận thông tin về dịch bệnh Covid-19.
1. Những dấu hiệu cơ bản để nhận biết bạn đang mắc Covid-19:
Các triệu chứng của bệnh nhân mắc Covid-19 từ nhẹ đến nặng bao gồm: sốt, ho và khó thở. Các triệu chứng này có thể xuất hiện từ 02 đến 14 ngày sau khi tiếp xúc nguồn bệnh. Tới khi khởi phát, Covid-19 gây sốt và có thể tổn thương đường hô hấp. Trường hợp nặng, gây viêm phổi và có thể nhiều cơ quan khác trong cơ thể khiến bệnh nhân tử vong, nhất là các trường hợp có bệnh nền.
Dấu hiệu 1: Cảm thấy khó thở
Nếu cảm thấy bị ngạt mũi và cảm giác nghẹn ở họng và lồng ngực, đây có thể là dấu hiệu cơ thể báo động một người đang bị viêm phổi do virus mới gây ra. Lý do khó thở là do hội chứng suy hô cấp cấp tính hoặc thậm chí suy hô hấp trong một thời gian gắn, cũng là nguyên nhân chính gây ra các trường hợp tử vong do virus Corona chủng mới. Vì thế, đây là triệu chứng rõ nét nhất và cũng nguy hiểm nhất gây ra bởi Covid-19.
Dấu hiệu 2: Ho khan, đau họng
Ho khan, thậm chí có đờm đặc và bọt, khả năng cao là dấu hiệu của viêm phổi. Ngoài ra, đây cũng chính là một trong những triệu chứng điển hình, nghiêm trọng và phổ biến của Covid-19. Ho do Covid-19 gây ra sẽ không khỏi khi uống thuốc trị ho thông thường. Do đó, nếu cảm thấy ho nhiều, kéo dài, uống thuốc hoặc điều trị tại nhà không đỡ, kết hợp với triệu chứng khó thở, người bệnh cần đi khám sức ngay tại các cơ sở được Nhà nước, Bộ Y tế công khai chỉ định. Tại đây, bác sĩ sẽ dựa vào khám lâm sàng và xét nghiệm để chuẩn đoán chính xác bệnh.
Dấu hiệu 3: Sốt cao
Được biết, không phải tất cả những trường hợp nhiễm Covid-19 đều bị sốt. Tuy nhiên, sốt cũng được coi là dấu hiệu, căn cứ để sàng lọc các trường hợp nghi nhiễm. Mức độ sốt ở mỗi trường hợp nhiễm bệnh có thể khác nhau. Có những người thân nhiệt tăng rất cao song cũng có một số người chỉ bị sốt nhẹ.
2. Chủ động thông báo cho cơ sở y tế gần nhất nếu bạn có dấu hiệu bị nhiễm Covid-19:
Bộ Y tế khuyến cáo: Người dân nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở phải đeo khẩu trang, đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời. Gọi điện cho cơ sở y tế trước khi đến để thông tin về các triệu chứng và lịch trình đã di chuyển trong thời gian gần đây để có biện pháp hỗ trợ đúng.
Ngoài ra, khi nghi ngờ bản thân đang mắc Covid-19, người đó có thể tuân thủ các bước sau để thực hiện tự cách ly tại nhà một cách đúng đắn và tuân thủ tiêu chuẩn an toàn:
- Thông báo ngay cho cán bộ y tế xã, phường, thị trấn được phân công phụ trách theo dõi người được cách ly khi có một trong các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh: ho, sốt, khó thở.
- Hỗ trợ phương tiện vệ sinh, xà phòng, dung dịch sát khuẩn, khẩu trang cho người được cách ly, nếu có nhu cầu.
- Không tổ chức hoạt động đông người tại gia đình, nơi cư trú.
- Giúp đỡ, động viên, chia sẻ với người được cách ly trong suốt thời gian cách ly.
- Hằng ngày lau nền nhà, bề mặt dụng cụ, tay nắm cửa ở gia đình, nơi cư trú bằng xà phòng hoặc các chất khử trùng hoặc chất tẩy rửa thông thường.
- Hàng ngày hạn chế tiếp xúc với người được cách ly, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi cần tiếp xúc.
3. Phân loại người nhiễm và nghi nhiễm Covid-19:
- F0: Người được xác định nhiễm Covid-19
+ Cách ly tại bệnh viện.
+ Điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
+ Báo cho F1 về tình trạng sức khỏe của mình.
- F1: Người tiếp xúc gần với F0 hoặc trường hợp nghi nhiễm
+ Cách ly tại cơ sở y tế.
+ Xét nghiệm khẳng định nhiễm Sars-CoV-2.
+ Theo dõi tình trạng sức khỏe của F0 và báo cho F2 về tình trạng sức khỏe của mình.
- F2: Người tiếp xúc với F1
+ Đeo ngay khẩu trang.
+ Thông báo cho chính quyền địa phương.
+ Cách ly tại nhà, nơi lưu trú, cư strus (theo quyết định của cấp có thẩm quyền).
+ Chuẩn bị cách ly tại cơ sở y tế khi có biểu hiện sốt, hoặc ho, hoặc khó thở.
+ Theo dõi tình trạng sức khỏe của F1 và báo chó F3 về tình trạng sức khỏe của mình.
- F3: Người tiếp xúc với F2
+ Tự theo dõi sức khỏe.
+ Tự khai báo khi có biểu hiện sốt.
+ Theo dõi tình trạng sức khỏe của F2 và báo cho F4 về tình trạng sức khỏe của mình.
4. Các đường dây nóng sẵn sàng tiếp nhận thông tin dịch bệnh Covid-19:
Vừa qua, Bộ Y tế đã công bố 21 đường dây nóng của các bệnh viện đã sẵn sàng tiếp nhận thông tin dịch bệnh Covid-19. Ngoài ra, 2 đường dây nóng miễn phí nhằm tư vấn cho người dân các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 là 1900 9095 và 1900 3228 cũng sẽ hoạt động đáp ứng nhu cầu người dân.
21 đường dây nóng của các Bệnh viện có cơ sở theo dõi và điều trị cách ly các bệnh nhân nghi nhiễm và nhiễm Covid-19
Để chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn, Sở Y tế thành phố Đà Nẵng cũng thông báo số điện thoại đường dây nóng tại Trung tâm Y tế các quận, huyện để tiếp nhận thông tin liên quan đến COVID-19 tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Các đường dây nóng liên tục tiếp nhận các thông tin, ý kiến về tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố, đồng thời hướng dẫn cách phòng, chống dịch bệnh cho người dân.
Số điện thoại đường dây nóng tại Trung tâm Y tế các quận, huyện để tiếp nhận thông tin liên quan đến COVID-19 tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng
CỔNG TTĐT TP TỔNG HỢP