Tiếp tục tạm dừng, không tổ chức lễ hội, hoạt động, sự kiện tập trung đông người không cần thiết
Đăng ngày 19-02-2021 09:41, Lượt xem: 1506

Ngày 19-2, UBND thành phố ban hành Công văn số 932/UBND-SYT yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương và đề nghị các hội, đoàn thể, các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn thành phố tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 sau dịp Tết Nguyên đán 2021.

Theo đó, tiếp tục tạm dừng, không tổ chức lễ hội, hoạt động, sự kiện tập trung đông người không cần thiết, hạn chế việc đi chúc Tết, du xuân, gặp mặt, liên hoan… Các sự kiện tập trung đông người phải bố trí các tổ kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các biện pháp, các điều kiện về phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định: đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi tiếp xúc, khai báo y tế… Toàn thể công chức, viên chức, người lao động và toàn thể người dân thực hiện nghiêm yêu cầu 5K, đặc biệt là bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng, không tụ tập đông người, thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 tại công sở, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ... Khuyến khích thúc đẩy làm việc trên môi trường mạng và các hoạt động trực tuyến.

Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ việc bảo đảm an toàn tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp… phải có phương án phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp khi tiến hành hoạt động sản xuất. Các cơ quan chức năng tăng cường việc kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời tạo điều kiện, không gây ảnh hưởng xấu đến các hoạt động sản xuất kinh doanh. Khi phát hiện trường hợp mắc bệnh trong cộng đồng, Sở Y tế, Công an thành phố, UBND các quận, huyện và các cơ quan, đơn vị liên quan phải phối hợp, khẩn trương, thần tốc truy vết các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân (F1), các trường hợp tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân (F2) và các trường hợp liên quan khác, tổ chức ngay việc khoanh vùng, cách ly, xét nghiệm, điều trị và các biện pháp cần thiết, không để dịch lây lan ra cộng đồng.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương có trách nhiệm yêu cầu toàn dân thực hiện khai báo y tế; đặc biệt là công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên, khách du lịch… trở lại, đến thành phố Đà Nẵng sinh sống, làm việc, học tập, du lịch phải thực hiện khai báo y tế điện tử hoặc khai báo y tế trực tiếp tại bến xe, ga tàu, sân bay, các chốt kiểm dịch, cơ sở sản xuất, kinh doanh, nơi làm việc… Vận động người dân khai báo y tế trung thực để được để được hỗ trợ, chăm sóc y tế khi cần thiết. Người dân chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu không tự giác hoặc khai báo y tế không trung thực. Khi phát hiện các trường hợp từng đi đến, trở về từ vùng dịch (theo cập nhật tại địa chỉ bit.ly/vungdich) cần thông báo cho Sở Y tế, cơ quan y tế địa phương, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan triển khai ngay các biện pháp phòng, chống dịch COVD-19 theo quy định.

Tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch, lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 đối với các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm. Đối với người tiếp xúc gần bệnh nhân COVID-19 (F1): cách ly tập trung đủ 14 ngày từ ngày tiếp xúc cuối cùng với bệnh nhân.; xét nghiệm 02 lần, lần 1 ngay khi bắt đầu cách ly, lần 2 vào ngày thứ 14 kể từ ngày tiếp xúc cuối cùng với bệnh nhân.

Người trong vòng 14 ngày từng đến, về từ địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương, khu vực đang phong tỏa trên cả nước: cách ly tập trung đủ 14 ngày từ thời điểm rời khỏi địa phương; xét nghiệm 2 lần, lần 1 ngay khi bắt đầu cách ly, lần 2 vào ngày thứ 14 kể từ ngày rời khỏi địa phương.

Người trong vòng 14 ngày từng đến, về từ các quận, huyện của thành phố Hà Nội và các xã, phường trên cả nước có ghi nhận trường hợp mắc do lây lan tại cộng đồng trong vòng 14 ngày, các khu vực có ổ dịch đang hoạt động hoặc đi qua các địa điểm trong khoảng thời gian Bộ Y tế thông báo khẩn (không phải là trường hợp F1 và không nằm trong vùng phong tỏa, giãn cách): cách ly tại nhà đủ 14 ngày từ khi rời khỏi địa phương; xét nghiệm 2 lần, lần 1 ngay khi bắt đầu cách ly, lần 2 vào ngày thứ 14 kể từ ngày rời khỏi địa phương.

Người từng đến, về từ các địa phương, ổ dịch đang hoạt động, địa điểm Bộ Y tế thông báo nhưng khai báo đã rời khỏi địa điểm hơn 14 ngày, các địa phương chưa ghi nhận trường hợp mắc do lây lan tại cộng đồng: tự theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày kể từ ngày rời khỏi địa phương. Khi có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh cần thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để được tư vấn, xử lý, lấy mẫu xét nghiệm, can thiệp y tế phù hợp.

Đối với người hoàn thành cách ly tại các địa phương khác đến thành phố Đà Nẵng, nếu khi hoàn thành cách ly, thực hiện di chuyển ngay đến Đà Nẵng đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định tại Công văn số 425/CV-BCĐ ngày 19-1-2021 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 thì tự theo dõi sức khoẻ tại nhà theo quy định. Nếu khi hoàn thành cách ly, không di chuyển ngay về Đà Nẵng và đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định tại Công văn số 425/CV-BCĐ thì áp dụng như các trường hợp nêu trên.

UBND thành phố giao Sở Y tế chủ trì, phối  hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện giám sát, lấy mẫu ngẫu nhiên (10-20%) để xét nghiệm COVID-19 đối với các trường hợp đến thành phố Đà Nẵng từ các địa phương có ca mắc tại cộng đồng (ngoài trường hợp thuộc diện cách ly y tế nêu trên), các địa phương có nguy cơ (ví dụ một số địa phương khu vực phía Bắc, thành phố Hồ Chí Minh…); các trường hợp có yếu tố nguy cơ tại Đà Nẵng như tiếp xúc nhiều, di chuyển nhiều… để đánh giá nguy cơ tại thành phố; kịp thời có biện pháp ứng phó phù hợp.

Mặt khác, chủ động xây dựng kế hoạch, mua sắm vật tư, sinh phẩm, máy móc, trang thiết bị y tế …kịp thời phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn. Tiếp tục cập nhật các ổ dịch, vùng dịch tại các địa phương trên cả nước; hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp đối với các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm. Tùy theo diễn biến dịch bệnh trên cả nước, chủ động tham mưu UBND thành phố chỉ đạo các vấn đề liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.

Sở Y tế có nhiệm vụ tiếp tục rà soát chặt chẽ, triệt để, thực hiện truy vết thần tốc, xét nghiệm trên diện rộng đối với các đối tượng có nguy cơ, các trường hợp tiếp xúc gần với người bệnh, người nhập cảnh trái phép; giám sát cách ly y tế, xét nghiệm các trường hợp nhập cảnh theo quy định. Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, cơ quan y tế duy trì thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch tại đơn vị; tăng cường chỉ định xét nghiệm COVID-19 đối với nhân viên y tế và các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương tiện, trang phục, hóa chất, vật tư… sẵn sàng đáp ứng với các tình huống của dịch bệnh.

UBND thành phố giao cũng giao Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh Truyền hình Đà Nẵng, Cổng Thông tin điện tử thành phố, các cơ quan thông tin, báo chí trên địa bàn phối hợp với UBND các quận, huyện và các đơn vị liên quan tiếp tục tăng cường truyền thông rộng rãi các nội dung nêu trên để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và toàn thể người dân phối hợp thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường truyền thông trên các phương tiện thông tin như truyền hình, báo chí, loa phát thanh (tại nơi công cộng, nút giao thông,…), băng rôn, pano, áp phích, tờ rơi, thông báo… để người dân kịp thời phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, trở về từ vùng dịch mà chưa khai báo y tế để thông báo chính quyền địa phương, cơ quan chức năng để áp dụng các biện pháp can thiệp phù hợp.

Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Công Thương có nhiệm vụ yêu cầu các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị, hệ thống cửa hàng tiện lợi… lập danh sách người lao động rời khỏi địa phương và trở về thành phố Đà Nẵng làm việc sau dịp Tết Nguyên đán, bao gồm địa chỉ cụ thể nơi từng lưu trú, làm việc tại địa phương khác, nếu phát hiện các trường hợp về từ vùng dịch mà chưa khai báo y tế với cơ quan chức năng hoặc thuộc diện phải cách ly y tế thì thông báo ngay cho Sở Y tế và các cơ quan, đơn vị liên quan để phối hợp xử lý, can thiệp phù hợp theo quy định. Tiếp tục yêu cầu các đơn vị nêu trên chủ động rà soát, đánh giá các tiêu chí an toàn COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế; có biện pháp kiện toàn, khắc phục ngay các hạn chế, tồn tại, chưa đảm bảo quy định về an toàn phòng, chống dịch COVD-19.

UBND thành phố giao Công an thành phố chủ trì, phối hợp với UBND quận, huyện và các ban, ngành liên quan tăng cường rà soát chặt chẽ người về từ các địa phương khác tại các chốt y tế và trong khu vực dân cư, không bỏ sót các trường hợp người về từ các địa phương có nguy cơ mắc bệnh COVID-19. Khi phát hiện các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm hoặc các trường hợp nhập cảnh trái phép, phối hợp với ngành y tế thực hiện ngay các biện pháp biện pháp phòng, chống dịch theo Công văn số 778/UBND-SYT ngày 5-2-2021 và Công văn số 888/UBND-SYT ngày 9-2-2021 của UBND thành phố Đà Nẵng. Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp với Sở Y tế, UBND các quận, huyện và các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác điều tra, truy vết, khoanh vùng, cách ly; tiếp tục duy trì hiệu quả của các chốt kiểm dịch; tăng cường giám sát việc thực hiện cách ly y tế, xử lý các trường hợp không chấp hành cách ly y tế; tăng cường xử phạt các trường hợp không đeo khẩu trang; vi phạm quy định phòng, chống dịch COVID-19.

UBND các quận, huyện có trách nhiệm duy trì hoạt động của các Tổ COVID-19 cộng đồng giám sát, tư vấn đối với các trường hợp cách ly y tế tại nhà, kịp thời phát hiện các trường hợp nghi ngờ về từ vùng dịch nhưng chưa khai báo y tế để thông báo chính quyền, cơ quan chức năng có biện pháp xử lý phù hợp. Tiếp tục tăng cường vai trò của tổ trưởng, tổ phó, trưởng thôn, các hội, đoàn thể địa phương trong việc phát hiện trường hợp có nguy cơ lây nhiễm, các trường hợp nghi ngờ về từ vùng dịch nhưng chưa khai báo y tế và việc nhắc nhở người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch. Đồng thời, chủ động phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Y tế và các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường các biện pháp truyền thông bằng nhiều hình thức trên địa bàn; tăng cường xử phạt các trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng và các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch COVID-19.

UBND thành phố yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn nữa các chỉ đạo của Trung ương, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và hướng dẫn của Bộ Y tế, đặc biệt là Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28-1-2021 của Thủ tướng Chính phủ; Công văn số 290-CV/TU ngày 28-1-2021 của Thành ủy Đà Nẵng về việc tập trung thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; các chỉ đạo của UBND thành phố tại Công văn số 562/UBND-SYT ngày 31-1-2021, Công văn số 778/UBND-SYT ngày 5-2-2021, Công văn số 888/UBND-SYT ngày 9-2-2021 về việc tiếp tục quyết liệt tăng cường phòng, chống dịch COVID-19.

THÁI BÌNH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác