Tuyên truyền phải phù hợp để người dân hiểu và chấp hành
Đăng ngày 16-08-2020 20:28, Lượt xem: 1253

Tại cuộc họp trực tuyến của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 thành phố với Ban chỉ đạo các quận huyện chiều ngày 16-8, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng đã nhấn mạnh yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền những nội dung thật phù hợp để người dân dễ hiểu, dễ nhớ, từ đó chấp hành các quy định về phòng chống dịch.

Theo phản ảnh của người dân, việc tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh thời gian qua đã được tăng cường trên nhiều phương tiện, nhiều khu vực dân cư, góp phần tích cực để người dân nắm bắt các thông tin, chấp hành các quy định về cách ly xã hội cũng như các chủ trương, chế độ chính sách của nhà nước đối với người dân tại khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Tuy nhiên, nội dung được tuyên truyền trên các loa phóng thanh, truyền thanh còn dài lê thê, viện dẫn các văn bản ban hành của nhà nước, nêu nhiều thông tin chưa phù hợp, không thiết thực khiến người dân cảm thấy nhàm chán, ít muốn nghe.

Từ thực tế này, tại cuộc Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 thành phố chiều ngày 16-8, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng đã yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền, đổi mới cách làm, đưa đến cho người dân những thông tin thiết thực, phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn cụ thể, như tình hình dịch bệnh, các hành vi vi phạm quy định cách ly sẽ bị xử phạt, hướng dẫn thực hiện các biện pháp vệ sinh an toàn, tuyên truyền về các chế độ chính sách đối với người dân tại khu cách ly … Ngoài các thông tin về dịch tễ, về các biện pháp cách ly y tế, công tác xét nghiệm, thì cũng cần tăng cường tuyên truyền về công tác điều trị để nhân dân hiểu thêm về hoạt động, những kết quả vượt bậc, tinh thần cống hiến của các y bác sĩ ở tuyến đầu, từ đó thêm yên tâm và tin tưởng.

Trong cuộc chiến chống dịch, mặt trận truyền thông hết sức quan trọng, vừa là định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận tin tưởng trong xã hội, vừa làm nhiệm vụ phản bác các thông tin xấu độc về công tác chống dịch của Đảng và Nhà nước ta. Công tác này từ nay sẽ phải được đẩy mạnh hơn nữa với nhiều tuyến bài viết sâu, rộng, phản ảnh sắc nét về cuộc chiến chống dịch của thành phố.

Ban chỉ đạo cũng đã thảo luận và cho ý kiến về hướng dẫn thực hiện các quy định về tổ chức đám tang trong điều kiện cả thành phố đang thực hiện cách ly phòng chống dịch. Về vấn đề này Bộ Y tế đã có quy định nhưng vẫn chưa thật cụ thể dẫn đến những vướng mắc, lúng túng trong xử lý gây nên nhiều hệ lụy như trường hợp tại quận Thanh Khê vừa qua. Ban Chỉ đạo giao cho Sở Y tế có văn bản cho các địa phương, hướng dẫn thật chi tiết các trường hợp có người qua đời trong thời gian cách ly tại địa phương.

Ban chỉ đạo cũng thống nhất theo đề xuất của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố và Sở Lao động Thương binh và Xã hội về mức hỗ trợ cho các hộ gia đình khó khăn trong thời gian dịch bệnh. Theo đó, các hộ gia đình cả trong và ngoài khu vực cách ly y tế đều được cấp hỗ trợ 10 kg gạo/nhân khẩu/tháng; Người trong khu vực cách ly được hỗ trợ 40.000 đồng/người/ngày để bảo đảm đời sống trong thời gian thực hiện cách ly y tế. Tiêu chí xét chọn các hộ khó khăn sẽ do Sở Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn cụ thể đến các địa phương. Tuy vậy, căn cứ tình hình thực tế, các quận huyện sẽ thực hiện hỗ trợ cho phù hợp, chăm lo đời sống cho người dân, đảm bảo công bằng hợp lý nhưng không quá máy móc để người dân phản ứng bất bình.

Công tác rà soát, lập danh sách, lấy mẫu, xét nghiệm các trường hợp có liên quan đến Bệnh viện Đà Nẵng vẫn được yêu cầu các quận huyện tiếp tục thực hiện trong thời gian tới. Cho dù đến nay, qua xét nghiệm chưa phát hiện trường hợp nhiễm bệnh nào tại các chợ, tuy nhiên cũng cần hết sức cảnh giác, không thể lơ là, chủ quan bởi đây là nơi có lượng người và hàng hóa đông, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ lây nhiễm.

LÊ HOA

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác