Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào thành phố Đà Nẵng đến năm 2030
Đăng ngày 29-10-2021 00:56, Lượt xem: 2238

Ngày 26-10, UBND thành phố phê duyệt Quyết định số 3395/QĐ-UBND ban hành "Đề án đẩy mạnh thu hút đầu tư vào thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030". Đề án tập trung đánh giá tình hình thu hút đầu tư trong giai đoạn 2016-2020; phân tích thế mạnh và cơ hội cũng như tồn tại và thách thức của thành phố. Đồng thời nghiên cứu quan điểm, mục tiêu, định hướng của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đối với thành phố Đà Nẵng và của Thành ủy làm cơ sở đề ra quan điểm, mục tiêu, định hướng, kế hoạch, giải pháp thu hút đầu tư trong giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Kết quả thu hút đầu tư vào thành phố giai đoạn 2016-2020

Giai đoạn 2016 - 2020, thành phố Đà Nẵng thu hút được 163 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư là 76.130 tỷ đồng (trong đó, 53 dự án đầu tư nằm ngoài Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư 68.790 tỷ đồng và 110 dự án đầu tư trong các Khu công nghiệp, Khu công nghệ cao với tổng vốn đầu tư 7.340 tỷ đồng). Dòng vốn đầu tư trong nước chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như bất động sản - du lịch, giáo dục, y tế... Tỷ lệ giải ngân vốn giai đoạn này chiếm tỷ trọng thấp, do nhiều khó khăn vướng mắc khi triển khai thực hiện dự án, chủ yếu liên quan đến các dự án đầu tư nằm ngoài Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp.

Lũy kế đến tháng 8-2021 toàn thành phố thu hút được 716 dự án với tổng vốn đầu tư là 149.072 tỷ đồng (trong đó, có trên địa bàn thành phố có 343 dự án đầu tư trong nước ngoài KCN với tổng vốn đầu tư 121.500 tỷ đồng và 373 dự án trong nước đầu tư vào các Khu công nghiệp, Khu công nghệ cao với tổng vốn đầu tư 27.563 tỷ đồng).

Về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, giai đoạn 2016 - 2020, thành phố thu hút được 530 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới là 1.045,4 triệu USD. Trong đó, các Khu công nghiệp và Khu công nghệ cao đã thu hút được 44 dự án với tổng vốn đầu tư 507,63 triệu USD và có 486 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện đầu tư ngoài các Khu công nghiệp, Khu công nghệ cao được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký là 537,77 triệu USD); 60 dự án tăng vốn với tổng vốn tăng thêm là 144,5 triệu USD; có 605 lượt góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong tổ chức kinh tế với tổng giá trị là 211,8 triệu USD.

Có thể thấy, giai đoạn 2016-2020, làn sóng đầu tư vào Việt Nam từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển rất mạnh. Các dự án cấp mới trong giai đoạn này tập trung chủ yếu ở lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao... theo đúng định hướng kêu gọi đầu tư của thành phố. Nhiều dự án sản xuất, kinh doanh có quy mô lớn đã hoàn thành và đi vào hoạt động, nhiều dự án mở rộng quy mô đầu tư, nâng công suất, tăng vốn đầu tư... góp phần cho tăng trưởng kinh tế của thành phố. Tỷ lệ vốn giải ngân ước đạt từ 51% đến 53%/tổng vốn đăng ký.

Lũy kế đến tháng 8-2021, toàn thành phố có 914 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 3.863 triệu USD (trong đó, có 784 dự án đầu tư ngoài các Khu công nghiệp, Khu công nghệ thông tin tập trung và Khu công nghệ cao với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 2.009 triệu USD và 130 dự án đầu tư trong các Khu công nghiệp, Khu công nghệ thông tin tập trung và Khu công nghệ cao với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 1.854 triệu USD), theo đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo có số vốn đăng ký đạt 1.862 triệu USD, chiếm tỷ lệ 48,02% tổng vốn đăng ký; bất động sản; bất động sản – du lịch vốn đăng ký gần 1.292,28 triệu USD, chiếm 33,45% tổng vốn đăng ký; còn lại một số lĩnh vực khác như giáo dục, y tế, công nghệ thông tin và các dịch vụ khác. Nhóm quốc gia có vốn đầu tư lớn nhất vào thành phố hiện nay lần lượt là Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc.

Các dự án đầu tư trong nước  và đầu tư trực tiếp từ nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy, phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.

Mục tiêu thu hút vốn đăng ký đầu tư đạt 3 tỷ USD giai đoạn 2021-2025

UBND thành phố xác định rõ, về quan điểm thu hút đầu tư giai đoạn 2021-205, tầm nhìn đến năm 2030 của thành phố là đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài là động lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; đảm bảo thu hút đầu tư có hiệu quả, bền vững, kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa hiệu quả kinh tế với trách nhiệm xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường. Chuyển hoạt động thu hút đầu tư từ thế bị động sang chủ động, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài. Thu hút dự án đầu tư có chọn lọc, gắn thu hút đầu tư với đảm bảo quốc phòng – an ninh; gia tăng số lượng dự án có khả năng hình thành các chuỗi cung ứng mới và gắn kết với đầu tư trong nước nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển giao công nghệ và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đề ra các giải pháp mang tính chiến lược nhằm đón đầu dòng vốn đầu tư, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài dịch chuyển do tác động từ dịch bệnh COVID-19 và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Mục tiêu giai đoạn 2021-2025, thành phố thu hút vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 3 tỷ USD; giai đoạn 2026-2030 đạt khoảng 4 tỷ USD; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao tăng 50% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030 so với năm 2018. Tỉ lệ nội địa hóa tăng lên mức 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030. Tỉ trọng lao động qua đào tạo trong cơ cấu sử dụng lao động đạt 75% vào năm 2025 và 80% vào năm 2030.

Thành phố định hướng không chấp thuận, tiếp nhận các dự án có sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, sử dụng lãng phí tài nguyên, không thân thiện với môi trường, thâm dụng lao động, đặc biệt các dự án ảnh hưởng đến quốc phòng – an ninh. Bên cạnh đó, thành phố tập trung thu hút đầu tư và lựa chọn các dự án dịch chuyển thuộc các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường, năng lượng tái tạo,…

HIỀN TRANG

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác