Chuyện cổng chào và khẩu hiệu
Lâu nay chúng ta hay quen với hình ảnh của những cổng chào, những câu khẩu hiệu trên nhiều tuyến phố, các đường hẻm khu dân cư. Vào những ngày Tết, ngày lễ, ngày kỷ niệm trọng đại, sắc xanh đỏ của cờ hoa, khẩu hiệu, đèn điện sắc màu xanh đỏ lung linh cũng tạo nên không khí phấn chấn, vui tươi cho thành phố.

Không ai phủ nhận về ý nghĩa và giá trị của những cổng chào, các câu khẩu hiệu như những công cụ tuyên truyền trực quan hiệu quả nhất.. Nhiều câu khẩu hiệu đã tạo nên hiệu ứng tích cực, có tác động động viên, cổ vũ các hành động đẹp, phê phán, ngăn chặn những hành vi tiêu cực. Có khẩu hiệu mang ý nghĩa nhắc nhở, ghi nhớ khơi dậy truyền thống tốt đẹp của dân tộc; có khẩu hiệu nêu ý chí quyết tâm phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch của địa phương; có khẩu hiệu lưu ý cư dân phòng ngừa những tai nạn đáng tiếc trong đời sống sinh hoạt …Các cổng chào, ngoài ý nghĩa tuyên truyền giáo dục cũng có thể nói là đã góp phần đem lại những tình cảm thân thiết của cộng đồng dân cư. Có bảng hiệu chỉ đơn giản là lời “xin lỗi đã làm phiền” tại một công trình xây dựng đã nhận được những lời nhận xét tốt đẹp vì qua đó đã thể hiện được sự tôn trọng và tầm văn hóa của người lập bảng hiệu này.
 
 Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì cũng có thể nhận thấy nhiều điều chưa thật hài lòng, cần phải được chấn chỉnh. Thời gian qua tại các kiệt, kẻm ở nhiều tổ dân phố, khu dân cư trên địa bàn Đà Nẵng đã xuất hiện tình trạng xây dựng cổng chào tự phát. Trong đó có không ít cổng chào không đảm bảo mỹ quan, không an toàn và không phù hợp với hiện trạng khu vực. Có nơi đường kiệt vốn đã hẹp, hai trụ cổng chào lại lấn thêm hai bên đường vào nên càng gây vướng víu, khó chịu. Cũng thật lấy làm phản cảm khi phía trên là cồng chào cờ hoa rực rỡ mà bên dưới lại nhếch nhác buôn gánh bán bưng, nhậu nhẹt, rác thải bừa bãi …

Nhiều cổng chào được xây dựng tự phát tại các khu dân cư (ảnh Ngọc Thủy).

 Không ít những câu chuyện bi hài xung quanh nội dung các câu khẩu hiệu diễn ra khắp nơi. Nơi thì sắp chữ không cẩn thận nên một câu nói có nghĩa tích cực thoắt biến thành trò cười vì sự ngớ ngẩn của nó. Nơi thì nội dung khẩu hiệu vô tình đã khiến cư dân bực mình vi phạm giao thông cũng bị quy là “người vô học”. Nhiều nơi, những câu khẩu hiệu trở nên sáo mòn, nội dung cũ kỹ thậm chí lạc hậu vẫn được sử dụng. Khẩu hiệu tuyên truyền mang ý nghĩa chính trị có khi bị khuất lấp trong vô số các khẩu hiệu của đủ các loại chương trình, sự kiện khác, đôi khi là cả các bảng quảng cáo của doanh nghiệp. Phong trào “nơi nơi làm khẩu hiệu” cũng đã được các xã phường triển khai xuống từng thôn, tổ dân phố. Ngoài những khẩu hiệu có nội dung “kinh điển” như “ tổ A quyết tâm thực hiện xây dựng đời sống mới ở khu dân cư”, “tổ B quyết tâm phòng chống tội phạm” … thì hàng năm lại có yêu cầu làm thêm các câu khẩu hiệu mới, phù hợp với chủ đề, chủ điểm từng năm. Rồi để cho gọn nhẹ, tiết kiệm nên các tổ cùng chung nhau chuyện thiết kế, in ấn cùng nhau. Vì vậy các câu khẩu hiệu mọc lên như nấm, nội dung thì na ná, đơn điệu, chỉ thay tên địa chỉ khu dân cư là xong. Có nơi, khẩu hiệu treo bất cẩn, khuất lấp tầm nhìn, vừa mất mỹ quan, mất an toàn nên từ chuyện tích cực dễ trở thành chuyện phản cảm, không hay …Chuyện những chiếc cổng chào hay khẩu hiệu cũng là chuyện nên làm nhưng làm như thế nào cho hợp ý dân, chứ nhiều nơi huy động dân đóng góp cũng khiến cho nhiều người dân không đồng tình.
 
 Mới đây, nhiều công dân đã gửi thư điện tử (email) cho lãnh đạo TP và Sở Xây dựng phản ảnh về tình trạng xây dựng tự phát các cổng chào trong kệt hẻm, không đảm bảo mỹ quan, an toàn cũng như không phù hợp với hiện trạng khu vực. Và Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ vừa ký văn bản giao cho UBND các quận, huyện phối hợp với các đơn vị hữu quan xem xét, cấp phép xây dựng đối với từng trường hợp xây dựng cổng chào, đồng thời giao UBND các quận, huyện có biện pháp tuyên truyền nhân dân không xây dựng cổng chào tự phát.
 
 Năm 2015, với chủ đề “Văn hóa văn minh đô thị” thiết nghĩ cũng nên chú trọng đến việc lập lại trật tự trong việc cho phép xây dựng các cổng chào, trang trí khẩu hiệu cho phù hợp. Ngoài việc quy hoạch lại các khu vực, tuyến đường tuyến phố được cấp giấy phép làm cổng chào, treo khẩu hiêu thì cũng cần hướng dẫn thêm về hình thức và nội dung tuyên truyền trên đó. Về hình thức phải phù hợp với điều kiện, cảnh quan, mỹ quan đô thị, không lấn chiếm lối đi chung, không khuất lấp tầm nhìn, trang nhã, lịch sự. Về nội dung cũng nên nghiên cứu để đưa ra những khẩu hiệu với nội dung ngắn gọn, dễ đọc dễ nhớ. Ví như ở những nơi có nhiều khách du lịch, nên vận động nhân dân làm khẩu hiệu “Thân thiện, tận tình hướng dẫn khách du lịch như người thân” hoặc “Thân thiện- tử tế làm nên thương hiệu Đà Nẵng chúng ta”; ở nơi bãi biển cũng có khẩu hiệu: “Bạn hãy cùng Đà Nẵng giữ gìn biển sạch đẹp”, “Bãi biển sạch đẹp là nhờ chúng ta luôn ý thức giữ gìn” hoặc những câu khẩu hiệu dí dỏm mà mang những thông điệp nghiêm túc: “Người Đà Nẵng thân thiện, dễ mến. Hãy nhớ bạn là một công dân của thành phố”, “Không xả rác bừa bãi: Bạn chính là một công dân tốt của thành phố chúng ta”... những khẩu hiệu như vậy sẽ thu hút được nhiều sự chú ý hơn, động viên khuyến khích, phát huy những điều tốt đẹp; có khi sẽ đem lại hiệu quả hơn là những khẩu hiệu với những câu văn có tính hô hào chung chung hoặc dài dằng dặc những trích dẫn chủ trương khó đọc, khó nhớ.
 
 Sức lan tỏa về lòng hào hiệp, về sự tử tế và thân thiện, lớn hơn là những giá trị nhân văn của người Đà Nẵng được bè bạn khắp nơi khen ngợi có khi chỉ từ những điều họ đã đọc được trên những cổng chào, những khẩu hiệu như vậy.

 LÊ HOA

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác