Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 8/2019
Đăng ngày 19-08-2019 04:06, Lượt xem: 195

Thêm 3 trường hợp được thanh toán trực tiếp chi phí khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT; Vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao phạt đến 100 triệu đồng; Quy định về tặng, nhận quà tặng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; Quản lý phương tiện phục vụ vui chơi dưới nước; Vi phạm hành chính trong hoạt động KHCN phạt đến 100 triệu đồng; Cách chức lãnh đạo bố trí người thân làm kế toán, quản lý nhân sự…. là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 8/2019.

Thêm 3 trường hợp được thanh toán trực tiếp chi phí khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT

Đây là nội dung đáng chú ý nêu tại Thông tư 09/2019/TT-BYT hướng dẫn một số nội dung trong công tác khám, chữa bệnh BHYT.

Theo đó, từ 1/8/2019, ngoài các trường hợp thanh toán trực tiếp chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định, người có thẻ bảo hiểm y tế được thanh toán trực tiếp chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong 3 trường hợp sau đây:

-  Người bệnh có thời gian tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (trừ trường hợp tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến) nhưng chưa được thanh toán số tiền cùng chi trả lớn hơn 6 tháng lương cơ sở.

- Trường hợp dữ liệu thẻ bảo hiểm y tế không được cung cấp hoặc cung cấp không chính xác về thông tin thẻ bảo hiểm y tế.

- Trường hợp người bệnh không xuất trình được thẻ bảo hiểm y tế trước khi ra viện, chuyển viện trong ngày do tình trạng cấp cứu, mất ý thức hoặc tử vong hoặc bị mất thẻ nhưng chưa được cấp lại.

Vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao phạt đến 100 triệu đồng

Có hiệu lực từ ngày 01/8/2019, Nghị định số 46/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao.

Theo đó, mức phạt tối đa trong lĩnh vực thể thao được quy định tại Nghị định số 46/2019/NĐ-CP là 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức.

Trong đó, phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng đối với hành vi sử dụng chất kích thích thuộc danh mục bị cấm trong tập luyện, thi đấu thể thao; hình thức phạt bổ sung là đình chỉ việc tham dự giải thi đấu thể thao có thời hạn từ 1-3 tháng. Các hành vi bao che, tổ chức cho vận động viên sử dụng chất kích thích thuộc danh mục bị cấm trong tập luyện, thi đấu thể thao sẽ bị phạt tiền từ 15 - 20 triệu đồng; hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ việc tham dự giải thi đấu thể thao có thời hạn từ 3-6 tháng.

Đối với một trong các hành vi cố ý gây chấn thương, chơi thô bạo gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người khác trong tập luyện, thi đấu thể thao sẽ bị phạt tiền từ 20-25 triệu đồng. Nghị định số 46/2019/NĐ-CP cũng quy định cụ thể mức phạt với vi phạm quy định về cấm gian lận trong hoạt động thể thao. Cụ thể, phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi gian lận về tên, tuổi, giới tính, thành tích để được tuyển chọn vào đội tuyển thể thao, trường năng khiếu thể thao hoặc tham gia thi đấu thể thao. Đối với hành vi bao che, dụ dỗ, ép buộc người khác gian lận trong hoạt động thể thao sẽ bị phạt tiền từ 10-15 triệu đồng. Phạt tiền từ 15-20 triệu đồng đối với hành vi làm sai lệch kết quả thi đấu thể thao.

Quy định về tặng, nhận quà tặng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị

Chính phủ ban hành Nghị định số 59/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng; trong đó quy định rõ việc tặng quà và nhận quà tặng của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn.

Về việc nhận quà tặng, Nghị định số 59/2019/NĐ-CP quy định cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình. Trường hợp không từ chối được thì cơ quan, tổ chức, đơn vị phải tổ chức quản lý, xử lý quà tặng theo quy định.

Nghị định số 59/2019/NĐ-CP quy định rõ, cơ quan, tổ chức, đơn vị khi nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải từ chối; trường hợp không từ chối được thì phải giao lại quà tặng cho bộ phận chịu trách nhiệm quản lý quà tặng của cơ quan, đơn vị đó để xử lý theo quy định.

Người có chức vụ, quyền hạn khi nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải từ chối; trường hợp không từ chối được thì phải báo cáo Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị mình hoặc Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp và nộp lại quà tặng để xử lý theo quy định trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quà tặng.

Ngoài ra, Nghị định số 59/2019/NĐ-CP cũng quy định rõ cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng tài chính công, tài sản công tặng quà không đúng quy định thì phải bồi hoàn giá trị quà tặng cho Nhà nước. Cá nhân sử dụng tài chính công, tài sản công tặng quà không đúng thẩm quyền, không đúng quy định thì phải bồi hoàn giá trị quà tặng và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị vi phạm quy định về nhận quà tặng, xử lý quà tặng, người có chức vụ, quyền hạn vi phạm quy định về nhận quà tặng, báo cáo, nộp lại quà tặng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

Cách chức lãnh đạo bố trí người thân làm kế toán, quản lý nhân sự

Đây là nội dung được đề cập tại Nghị định số 59/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng, chống tham nhũng 2018.

Theo đó, sẽ kỷ luật cảnh cáo người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị lần đầu có hành vi bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó.

Trường hợp đã bị cảnh cáo mà còn tiếp tục vi phạm, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu sẽ bị cách chức.

Cũng theo Nghị định số 59/2019/NĐ-CP, hình thức kỷ luật cách chức cũng sẽ được áp dụng đối với trường hợp người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan Nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý Nhà nước hoặc để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề do người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý Nhà nước.

Bên cạnh đó, người có chức vụ, quyền hạn thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã (trừ trường hợp luật có quy định khác) cũng sẽ bị cách chức hoặc buộc thôi việc.

Nghị định số 59/2019/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 01/07/2019, có hiệu lực từ ngày 15/08/2019.

KHÁNH VÂN

 

 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác