Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 10/2019
Đăng ngày 29-09-2019 09:01, Lượt xem: 277

Quy định tốc độ tối đa của ô tô, xe máy khi tham gia giao thông; 56 loại phụ gia phẩm màu được dùng trong thực phẩm; Điều kiện chuyển từ nghĩa vụ công an sang chuyên nghiệp; Ưu đãi 100% vốn vay cho người huyện nghèo đi xuất khẩu lao động… là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 10/2019.

Quy định tốc độ tối đa của ô tô, xe máy khi tham gia giao thông

Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành Thông tư số 31/2019/TT-BGTVTvề tốc độ của xe khi tham gia giao thông.

Theo đó, vận tốc của ô tô, xe máy ở trong khu vực đông dân cư được áp dụng như sau:

+ 60km/giờ nếu chạy trên đường đôi hoặc đường một chiều có từ 2 làn trở lên;

+ 50km/giờ nếu là đường hai chiều không có dải phân cách giữa hoặc đường một chiều có 01 làn xe.

Nếu ở ngoài khu vực dân cư, tốc độ tối đa của ô tô, xe máy là 90km/giờ đối với ô tô con, ô tô đến 30 chỗ ngồi; 70km/giờ đối với xe máy nếu chạy trên đường đôi hoặc đường một chiều có 2 làn trở lên;80km/giờ đối với ô tô con, ô tô đến 30 chỗ ngồi; 60km/giờ đối với xe máy nếu chạy trên đường hai chiều không có dải phân cách giữa hoặc đường một chiều có 1 làn xe.

Riêng với xe gắn máy (xe dưới 50 phân khối), tốc độ tối đa là 40km/giờ, bất kể trên đoạn đường nào và trong khu vực nào.

Thông tư số 31/2019/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 15/10/2019.

56 loại phụ gia phẩm màu được dùng trong thực phẩm

Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại Thông tư số 24/2019/TT-BYT của Bộ Y tế về quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm.

Theo đó, từ ngày 16/10/2019,  Bộ Y tế công nhận 56 loại phụ gia phẩm màu được phép dùng trong thực phẩm, như: Curcumin; các bon thực vật; màu ngô tím; màu bắp cải đỏ và hàng trăm phụ gia khác là chất bảo quản, chất điều vị, chất tạo ngọt…

Cũng theo Thông tư số 24/2019/TT-BYT,  khi sử dụng phụ gia, các tổ chức, cá nhân phải đảm bảo một số nguyên tắc nhất định sau:

- Phụ gia thực phẩm được phép sử dụng và đúng đối tượng thực phẩm;

- Không vượt quá mức sử dụng tối đa;

- Hạn chế đến mức thấp nhất lượng phụ gia cần thiết để đạt được hiệu quả như mong muốn;

- Chỉ sử dụng phụ gia nếu việc này không có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, không lừa dối người tiêu dùng;

- Sản phẩm dinh dưỡng công thức, thực phẩm bổ sung dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ không được có phụ gia từ thành phần và nguyên liệu, trừ một số phụ gia đặc biệt…

Điều kiện chuyển từ nghĩa vụ công an sang chuyên nghiệp      

Từ ngày 10/10/2019, Nghị định số 70/2019/NĐ-CP về nghĩa vụ công an của Chính phủ chính thức có hiệu lực.

Theo đó, có 02 trường hợp có thể được chuyển sang chế độ phục vụ chuyên nghiệp, bao gồm:

Trường hợp 1, để được xét, dự tuyển vào các học viện, trường Công an nhân dân, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ phải đáp ứng các điều kiện sau:

- Có thời gian phục vụ tại ngũ từ 15 – 24 tháng (tính đến thời điểm dự thi);

- Có kết quả phân loại hằng năm đạt hoàn thành nhiệm vụ trở lên.

- Đáp ứng đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn phục vụ trong chế độ chuyên nghiệp của công an nhân dân.

Khi tốt nghiệp ra trường sẽ được phong cấp bậc hàm sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp.

Trường hợp 2, để được xét chuyển sang chế độ phục vụ chuyên nghiệp thì các hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ phải đáp ứng được các điều kiện:

- Không thuộc trường hợp quy định tại trường hợp 1;

- Tự nguyện;

- Đủ tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu sử dụng của công an nhân dân;

- Công an nhân dân có nhu cầu.

Việc xét chuyển phải đảm bảo công khai, dân chủ, minh bạch và công bằng với mọi đối tượng.

Ưu đãi 100% vốn vay cho người huyện nghèo đi xuất khẩu lao động

Đây là nội dung nổi bật được quy định tại Quyết định số 27/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, điều kiện được hưởng ưu đãi vay là người lao động có hộ khẩu thường trú từ 12 tháng trở lên tại các huyện nghèo, có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và người lao động được phía nước ngoài chấp nhận vào làm việc và đã ký hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp theo quy định của pháp luật.

Mức vốn vay tối đa các đối tượng trên được vay bằng 100% chi phí người lao động đóng theo hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã ký với doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp theo quy định pháp luật. Người lao động được vay vốn theo quy định nêu trên mà không phải thực hiện bảo đảm tiền vay.

Về lãi suất cho vay, Quyết định số 27/2019/QĐ-TTg cũng chỉ rõ: Người lao động thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số được vay với lãi suất bằng 50% vay vốn đối với hộ nghèo do Chính phủ quy định; người lao động khác tại huyện nghèo được vay bằng lãi suất vay vốn đối với hộ nghèo do Chính phủ quy định; lãi suất nợ quá hạn bằng 130% so với lãi suất vay vốn quy định nêu trên.

Thời hạn cho vay không quá thời gian làm việc ghi trong hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài ký giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp theo quy định pháp luật.

Lãi tiền vay được thu theo kỳ hạn đã thỏa thuận trong Hợp đồng tín dụng hoặc Sổ vay vốn. Trường hợp, người lao động có nhu cầu trả lãi theo tháng thì Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện thu theo đề nghị của người lao động.

Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện thẩm định và phê duyệt. Trường hợp không phê duyệt, phải có văn bản gửi người lao động nêu rõ lý do.

Quyết định số 27/2019/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành từ ngày 25/10/2019 và được thực hiện giải ngân đến hết ngày 31/12/2020.

 

KHÁNH VÂN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác