Khảo về súng Thần công bằng đồng thời Nguyễn ở Đà Nẵng vừa được phát hiện
Đăng ngày 29-07-2019 20:17, Lượt xem: 6603

Trong số các loại súng thần công thời Nguyễn còn sót lại ở di tích thành Điện Hải nói riêng, Đà Nẵng nói chung, cây súng vừa được phát hiện tại bờ biển phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu hôm 23/5/2019 là khẩu thần công bằng đồng đầu tiên được tìm thấy ở thành phố này, sau hơn 160 năm binh lửa với Phương Tây kể từ ngày 1/9/1858. Đây là một sự kiện gây chú ý và tạo phấn khích cho các nhà quản lý, giới nghiên cứu và nhân dân thành phố Đà Nẵng, cùng những người quan tâm trên cả nước.

Khẩu súng đồng này do ai sản xuất, ra đời vào thời điểm nào, giá trị lịch sử cụ thể của nó ra sao,... đó vẫn đang là những câu hỏi chưa dễ giải đáp ngay được, trong khi nhu cầu xã hội cần có những hiểu biết cơ bản cấp thời để thỏa mãn những thắc mắc đang tồn tại.

Do trên súng không có một dòng chữ hay ký hiệu nào, ngoại trừ những chữ Hán được khắc thêm bằng tay ở mặt ngoài của hai trục quay, nhưng không liên quan đến thông tin về nơi sản xuất và năm đúc, nên để xác định xuất xứ và niên đại khẩu thần công bằng đồng này, ngoài việc dựa vào những tư liệu lịch sử cần tra cứu, còn phải căn cứ kiểu dáng, đặc điểm cấu tạo, kỹ thuật đúc và các mô-tip hoa văn trang trí trên súng mới có thể kết luận.

Về tổng thể, súng có chiều dài toàn bộ 174,1 cm, gồm hai phần là thân súng dài 160,3 cm và chuôi súng [gọi chung là khối hậu] dài 13,8 cm. Tổng trọng lượng súng khoảng 200 kg. Chúng tôi đã tra cứu và lấy một mẫu đối sánh là khẩu thần công bằng đồng do Anh sản xuất hiện nằm ở Công viên Lịch sử Quốc gia Canada, được đúc bởi Peter Verbruggen năm 1782, có kiểu dáng tương tự súng đồng ở Đà Nẵng, với cỡ đạn 1 livre,  thân súng dài 5 pieds 5 pouces [162,59 cm], không kể khối hậu, để thấy rằng các loại súng đồng Phương Tây lúc ấy nếu có cùng kích cỡ nòng và chiều dài thân súng như thế, thì trọng lượng cũng tương đương 200 kg. 

Thân súng thần công bằng đồng tìm thấy ở Đà Nẵng có hình trụ tròn không đều, đường kính đáy súng giáp khối hậu là 208 mm, nhỏ dần đến cổ miệng súng, rồi nở ra ở loa miệng súng với đường kính 146 mm. Toàn thân súng có 3 bộ phận: khoang buồng nạp thuốc súng, bầu súng và nòng súng. Bên trong thân súng là khoảng âm của lòng súng hình trụ tròn đều, được bố trí theo trục chính tâm, dài từ miệng súng đến đáy bầu súng, có đường kính 60 mm.

Khoang buồng nạp thuốc súng nối khối hậu và đáy bầu súng, là nơi được đúc dày dặn và vững chắc nhất, có thêm đai chuôi súng và đai đáy bầu súng bảo vệ. Bên trong có đúc khoảng âm hình trụ tròn thông với lòng súng, nhưng đường kính nhỏ hơn, khoảng chừng 30 mm, là nơi để nhồi thuốc súng khi bắn. Mặt trên, ở chính giữa là lỗ ngòi để nhét dây dẫn lửa hoặc đổ thuốc mồi, rộng từ 7 đến 8 mm, có gờ viền quanh hình vuông để giữ thuốc mồi. Bên phải lỗ ngòi có thêm một lỗ thoát khí rộng 3 mm.

Bầu súng có hai đoạn. Đoạn gia cố đáy bầu là nơi chứa quả đạn khi bắn, tiếp giáp và thông với buồng nạp thuốc súng. Mặt trên của đoạn này là một khối hoa văn hình ô-van được đúc nổi, có tâm là hình chim phượng hoàng xòe cánh đạp chân trên ngọn sóng, được viền quanh bởi hai nửa vòng tròn sóng nước cách điệu ôm dải hoa văn hình các hoa thị 4 cánh xếp nối tiếp nhau, ngoài cùng là hoa văn vòng nguyệt quế cách điệu.

Tiếp theo là đoạn gia cố bầu súng, bắt đầu từ đai đoạn gia cố đáy bầu đến giáp nòng súng. Điểm nhấn của đoạn này là mặt trên có hai quai súng đối xứng nhau đúc liền vào thân, hơi ngã ra hai bên, quai có dạng vảy rồng nhưng thật ra đó là hình con cá heo cách điệu, với đuôi và miệng gắn vào thân súng, tương tự như quai khẩu súng thần công Hà Lan đúc vào thế kỷ XVII, cũng thuộc sở hữu của triều Nguyễn đang trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Bên dưới hai quai súng là hai trục quay  hình trụ tròn đặc, đối xứng nhau theo hướng đồng trục, có chức năng để gác súng lên hai thành giá súng, và dùng để điều chỉnh tầm bắn lên xuống tùy theo cự ly mục tiêu cần bắn.

Mỗi trục quay dài 54 mm và có đường kính 56 mm. Mặt ngoài trục quay bên trái theo hướng súng có khắc thêm bằng tay hai chữ Hán “đắc thập” [?#+], nghĩa là “được 10”, có lẽ được khắc vào năm Minh Mạng thứ 11 (1830), vì thời điểm này triều đình bắt đầu quy định chính thức loại súng đồng có đường kính 1 tấc 4 phân [tương đương 60 mm] được nạp 10 lạng thuốc súng khi bắn [thời ấy 1 cân = 16 lạng]. Mặt ngoài trục quay bên phải được khắc nhiều chữ, nhiều lần, có 6 chữ chia thành hai hàng dọc nổi lên không rõ hết nét, có lẽ là “hậu đơn bộ nữu nhị trục” [lế-p-D^S—ÍẺ], nghĩa là “sau mỗi lượt bắn phải điều chỉnh hai trục quay” [vì súng giật khi bắn làm chệch vị trí].

Nòng súng là sự tiếp nối bầu súng từ đai đoạn gia cố bầu súng đến mép ngoài miệng súng. Đoạn này có điểm nhấn là vành thắt nòng súng [nằm giữa đai đoạn gia cố bầu súng và đai nòng súng] có trang trí hoa văn bao quanh. Chính giữa mặt trên của hoa văn là hai con phượng hoàng châu đầu vào nhau, tâm điểm là vòng tròn hoa thị 4 cánh, hai bên là hai dải hồi văn hoa lá liên hoàn với cách điệu của hoa hồng 6 cánh, hoa tulip và quả lựu. Hoa văn mặt dưới vành thắt nòng súng cũng lặp lại đối xứng với hoa văn mặt trên.

Đầu nòng súng có đai miệng súng với hai vòng hoa văn hoa lá cách điệu ở hai bên, tiếp đến là cổ miệng súng và loa miệng súng.

Ở khối hậu, từ đai chuôi súng tiếp giáp khoang buồng nạp thuốc súng trở lui là 3 gờ súng để gia tăng độ dày đáy súng, có dạng hình tròn đồng tâm với đường kính nhỏ dần đến đốc súng, cuối cùng là cổ chuôi súng và núm súng. Khối hậu được đúc liền với thân súng, không có khóa nòng như ở thế kỷ XIX về sau, nên súng này bắn theo kỹ thuật cổ điển là dùng que nhồi thuốc súng và nạp đạn từ miệng súng vào khoang buồng nạp thuốc súng và đáy bầu súng. Cự ly đường đạn của loại súng cổ ở kích cỡ này khoảng trên dưới 1.000 mét.

Căn cứ kiểu dáng, cấu tạo các bộ phận của súng, kỹ thuật đúc hoa văn nổi cùng các biểu tượng trong hoa văn trang trí trên thân súng, quai súng, cách bố trí lỗ thoát khí rất đậm nét loại súng đồng cổ của Hà Lan, cộng thêm phần chữ Hán chỉ khắc tay đơn sơ ở hai trục quay của triều Nguyễn để hướng dẫn pháo thủ sau mỗi lượt bắn; có thể khẳng định khẩu thần công bằng đồng này có xuất xứ từ Hà Lan, nhưng được triều Nguyễn sở hữu, và nó rất đồng dạng ở nhiều điểm với 3 khẩu thần công Hà Lan đúc những năm 1640, 1661, 1677-1678 đang được trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế hiện nay.

Tuy chúa Nguyễn không có quan hệ mua bán súng thần công với Hà Lan, nhưng một số súng của Hà Lan vẫn nằm trong tay chúa Nguyễn, do lấy được từ chiếc tàu Kemphaan mắc cạn gần khu vực Hoàng Sa năm 1633, từ tàu Der Gooes bị đắm ở bờ biển Đàng Trong năm 1661; và những giao dịch mua bán, biếu tặng súng thần công Hà Lan của chúa Trịnh ở Đàng Ngoài những năm 1649, 1651, 1652-1654, 1655, 1657, 1662, 1674(1) đã khiến số súng này lọt vào tay triều Nguyễn sau ngày thắng lợi cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX. Điều đó cho thấy súng thần công Hà Lan bằng đồng trong tay triều Nguyễn ở thế kỷ XIX, bao gồm khẩu súng mới phát hiện ở Đà Nẵng, đều có niên đại ở thế kỷ XVII, dao động trong khoảng từ năm 1633 đến năm 1678, xấp xỉ trên dưới 350 năm tuổi. Đến thế kỷ XIX, các triều vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức của nhà Nguyễn chỉ tự đúc chứ không còn mua súng đồng của nước ngoài, và cũng chỉ vài lần mua thêm một số đại bác bằng gang của Phương Tây.

Theo thống kê của Ty Hỏa pháo nhà Nguyễn, vào đầu triều Gia Long, nhà Nguyễn sở hữu đến 193 khẩu thần công bằng đồng [bao gồm 169 cỗ súng bằng đồng cũ và 24 cỗ súng đồng Cựu hổ], “trên mình khắc chữ hoa Tây Dương” hoặc “khắc đóa hoa Tây Dương và chữ Tây Dương”, trong đó có nhiều súng Hà Lan, và được biên chế tiếp tục cho các đơn vị quân đội từ Trung ương đến các địa phương trong cả nước.

Theo dõi số lượng súng thần công bằng đồng được trang bị tại các tấn, đài, thành ở Đà Nẵng vào thời Nguyễn, chúng ta thấy rằng năm 1813, vua Gia Long cho đặt ở đài Điện Hải cũ 37 cỗ súng bằng đồng và gang, trong đó loại súng đồng Quá sơn có 30 cỗ.

Sang thời Minh Mạng, năm 1823, vua cho chia đặt ở đài Điện Hải mới 107 cỗ súng các loại; tiếp đó lại đặt thêm 4 cỗ súng đồng Quá sơn ở đài Điện Hải và rút 10 khẩu súng thu được của quân Tây Sơn trước đó đem về kinh tiêu hủy; chuẩn bị chia đặt mấy cỗ súng ở đài An Hải và cho chọn 23 cỗ súng các hạng bằng đồng và gang để đặt ở pháo đài Định Hải; sau lại bổ sung thêm 20 cỗ súng đồng Quá sơn chia đặt thêm ở đài Điện Hải và pháo đài Định Hải. Năm 1825, đài An Hải được đặt 5 cỗ súng bằng gang.(3) Đến năm 1836, tỉnh thành Quảng Nam được chia đặt 74 cỗ súng các hạng, gồm 2 cỗ súng đồng Đại luân xa Thảo nghịch tướng quân, 10 cỗ súng đồng Đại luân xa, 34 cỗ súng đồng Quá sơn, 2 cỗ súng đồng Tướng quân, 26 cỗ súng gang Hồng y; thành An Hải được đặt 31 cỗ súng các hạng, gồm 6 cỗ súng đồng Đại luân xa Thảo nghịch tướng quân, 11 cỗ súng đồng Quá sơn, 14 cỗ súng gang Hồng y; pháo đài Định Hải được chia đặt 23 cỗ súng các loại, gồm 16 cỗ súng đồng Quá sơn, 7 cỗ súng gang Hồng y. Năm 1840, vua cho đặt ở tầng trên của pháo đài Phòng Hải 8 cỗ súng đồng Quá sơn, ở tầng dưới 19 cỗ súng gang Hồng y, sau bổ sung thêm 2 cỗ súng đồng Xung tiêu.

Thời Thiệu Trị, năm 1847, vua cho đặt thêm ở thành Điện Hải 2 cỗ súng, tổng cộng ở đó có 30 cỗ, gồm 4 cỗ súng đồng Đại luân xa Thảo nghịch tướng quân, 1 cỗ súng đồng Tướng quân, 3 cỗ súng gang và 22 cỗ súng gang Hồng y; thành An Hải đặt thêm 1 cỗ, tổng cộng ở đó có 22 cỗ, gồm 4 cỗ súng đồng Đại luân xa Thảo nghịch tướng quân, 1 cỗ súng đồng Tướng quân, 2 cỗ súng gang và 15 cỗ súng gang Hồng y; pháo đài Định Hải được đặt 7 cỗ, gồm 2 cỗ súng đồng Đại luân xa Thảo nghịch tướng quân, 4 cỗ súng gang Tướng quân, 1 cỗ súng gang Hồng y; pháo đài Phòng Hải được đặt 19 cỗ, gồm 1 cỗ súng đồng Chấn uy Đại tướng quân, 4 cỗ súng đồng Đại luân xa Thảo nghịch tướng quân, 1 cỗ súng đồng Tướng quân, 3 cỗ súng gang và 10 cỗ súng gang Hồng y. Ở các đồn Trấn Dương thất bảo, đồn thứ nhất đặt 7 cỗ, gồm 4 cỗ súng đồng Đại luân xa Thảo nghịch tướng quân, 3 cỗ súng gang Hồng y; đồn thứ hai đặt 2 cỗ, gồm 1 cỗ súng đồng Đại luân xa Thảo nghịch tướng quân, 1 cỗ súng gang Hồng y; đồn thứ ba đặt 2 cỗ, gồm 1 cỗ súng đồng Đại luân xa Thảo nghịch tướng quân, 1 cỗ súng gang Hồng y; đồn thứ tư đặt 2 cỗ, gồm 1 cỗ súng đồng Đại luân xa Thảo nghịch tướng quân, 2 cỗ súng gang Hồng y; đồn thứ năm đặt 2 cỗ, gồm 1 cỗ súng đồng Đại luân xa Thảo nghịch tướng quân, 1 cỗ súng gang Hồng y; đồn thứ sáu đặt 2 cỗ, gồm 1 cỗ súng đồng Đại luân xa Thảo nghịch tướng quân, 1 cỗ súng gang Hồng y; đồn thứ bảy đặt 3 cỗ, gồm 1 cỗ súng đồng Đại luân xa Thảo nghịch tướng quân, 2 cỗ súng gang Hồng y.

Cũng trong năm 1847, vua Thiệu Trị còn cho đặt thêm ở hai thành Điện Hải và An Hải 2 cỗ súng đồng Vũ công phá địch Đại tướng quân; đặt thêm ở pháo đài Phòng Hải 1 cỗ súng đồng Phá địch Đại tướng quân và 1 cỗ súng đồng Vũ công phá địch Đại tướng quân; đặt thêm ở đồn/bảo Trấn Dương thứ hai 10 cỗ súng gang Hồng y.

Thời Tự Đức, từ năm 1850, 3 đồn/bảo Trấn Dương thứ năm, thứ sáu, thứ bảy bị bãi bỏ, nên súng ở 3 đồn ấy cũng chia đi đặt ở các đài, thành khác. Nhưng đến năm 1857 thì vua cho xây thêm đồn lớn Trấn Dương trên núi Sơn Trà, bên trên pháo đài Phòng Hải, trang bị 20 cỗ súng các loại.

Tuy số lượng súng đồng được trang bị tại Đà Nẵng vào thời Nguyễn khá phong phú, nhưng ở các vị trí bị đánh chiếm giai đoạn 1858-1860, liên quân Pháp - Tây Ban Nha đã tịch thu tất cả súng bằng đồng đem xuống tàu đưa về Pháp, còn súng gang và sắt thì chỉ “đóng đinh” vào nòng và phá gãy trục quay để chống tái sử dụng. Đó là lý do chính yếu, khiến về sau chúng ta khó có thể tìm thấy súng thần công bằng đồng ở Đà Nẵng.

Xét về tình thế và diễn biến cuộc chiến tranh xâm lược của liên quân Pháp- Tây Ban Nha ngày 1 và 2/9/1858, những vị trí của quân đội triều Nguyễn bên phía hữu ngạn Sông Hàn và bán đảo Sơn Trà gồm pháo đài Phòng Hải, đồn lớn Trấn Dương, các đồn/bảo thứ nhất, thứ hai, thứ ba và thứ tư đều trở tay không kịp và bị chiếm giữ ngay sáng ngày 1/9/1858; thành An Hải thì bị nổ tung vào trưa ngày 1/9 và bị chiếm giữ vào rạng sáng ngày 2/9/1858. Tất cả các vị trí này đều cách sông, nên khả năng đem pháo qua sông khi thất trận nhanh như vậy là khó xảy ra. Do vậy, khẩu thần công bằng đồng xuất xứ từ Hà Lan vừa được phát hiện tại Đà Nẵng lần này nhiều khả năng được quân đội triều Nguyễn đem theo từ thành Điện Hải, trong cuộc rút lui khuya ngày 1 và sáng ngày 2/9/1858 trước khi thất thủ, rồi gặp sự cố giữa đường. Hoặc giả, khẩu đội mang theo súng đồng này đã trụ lại ở khu vực đó để tiếp tục chiến đấu, nhưng bị pháo hạm đối phương tiêu diệt và vùi lấp bên bãi biển Xuân Thiều, lâu ngày mất dấu vết, nên khẩu súng đồng này mới không bị rơi vào tay giặc, cũng không nằm trong tay triều Nguyễn nữa. Nhân dân địa phương về sau cũng không ai hay biết vị trí súng bị chôn vùi, mãi đến nay mới ngẫu nhiên được phát lộ từ việc thi công làm kè biển tại khu vực này.

Nhiều khả năng đây là cỗ súng đồng Tướng quân ở thành Điện Hải, bởi 4 cỗ súng đồng Đại luân xa Thảo nghịch tướng quân và 1 cỗ súng đồng Vũ công phá địch Đại tướng quân cùng được biên chế tại thành Điện Hải có cỡ nòng lớn hơn.

Do được du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ XVII, nên khẩu súng đồng này đã trải qua nhiều đời, qua tay nhiều chủ sở hữu, kinh qua nhiều chiến trận và trên mình mang đầy thương tích. Quan sát kĩ bằng mắt thường, chúng ta vẫn có thể nhận ra nhiều vết vỡ toác, với nhiều kích cỡ khác nhau được hàn vá lại còn in hằn trên khắp thân súng.

Nhìn từ miệng súng trở vào, các vết vỡ được hàn vá lại nằm ở phía trái của loa miệng súng, ở mặt trên cổ miệng súng, ở mặt trên đoạn giữa nòng súng, ở bên phải giáp vành thắt nòng súng, ở bên phải bầu súng cạnh trục quay phía phải, ở bên trái bầu súng giáp mép trục quay phía trái, ở bên phải cạnh đai đoạn gia cố đáy bầu súng, ở mặt trên và hai bên đáy bầu súng, ở mặt trên của khoang buồng nạp thuốc súng cạnh mép trái lỗ ngòi. Vết vỡ được hàn vá lại lớn nhất nằm ở mặt trên đoạn giữa nòng súng.

Do bị hàn vá khá nhiều, nên tại các vị trí hàn nối ở đoạn đáy bầu súng, người xưa đã xử lý kỹ thuật chống tức vỡ bằng cách khoan thêm các khe thoát khí hình chữ nhật hẹp, gồm 1 khe dài x rộng = 16 x 3 mm, 2 khe dài x rộng = 10 x 3 mm, để đảm bảo độ bền cho đoạn đáy bầu súng khi sử dụng. Dĩ nhiên, với cách xử lý kỹ thuật này, lực đẩy quả đạn khi bắn đi sẽ bị ảnh hưởng, bởi một phần nhỏ lực đẩy trong lòng súng đã bị tiêu hao qua các khe thoát khí bất đắc dĩ, trước khi quả đạn rời khỏi miệng súng.

Tóm lại, súng thần công bằng đồng vừa được phát hiện tại Đà Nẵng có xuất xứ từ Hà Lan, tuy không ghi tên xưởng đúc và năm đúc [giống như một số súng đồng Hà Lan còn lưu giữ ở Việt Nam và một số nơi trên thế giới], nhưng đồng dạng trên các khía cạnh kiểu dáng, cấu tạo kỹ thuật và hoa văn trang trí với những khẩu thần công bằng đồng của Hà Lan xuất xưởng và du nhập vào Việt Nam.

Súng thần công bằng đồng của Hà Lan có mặt ở Việt Nam một phần theo con đường trục vớt của chúa Nguyễn từ những tàu Hà Lan bị đắm hay mắc cạn ở Đàng Trong, và phần lớn theo con đường biếu tặng hay mua bán của chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, tất cả các con đường du nhập ở hai miền đều diễn ra vào những thập niên giữa thế kỷ XVII. Từ cuối thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX, thư tịch và hồ sơ các bên liên quan không còn ghi nhận sự có mặt của súng thần công Hà Lan tại Việt Nam nữa. Vì thế, giống như những khẩu thần công bằng đồng xuất xứ từ Hà Lan còn lưu giữ ở Việt Nam hiện nay, khẩu thần công bằng đồng tìm thấy ở Đà Nẵng đã có tuổi đời trên dưới 350 năm.

Dù đã mang trên mình lắm vết thương, nhưng khẩu súng thần công bằng đồng này vẫn được chủ sở hữu là triều Nguyễn huy động vào cuộc chiến đấu bảo vệ nền độc lập, và may mắn không bị lọt vào tay giặc như số phận của nhiều súng đồng khác. Sự “sống sót thần kỳ” của khẩu súng có thể được xem là hiện thân của tinh thần vượt khó, kiên cường, bất khuất của người Việt Nam trước quân xâm lược; và bản thân khẩu súng là một phần di sản vô giá, độc đáo trong kho tàng di vật chống Tây xâm lược của dân tộc ở mặt trận Đà Nẵng giữa thế kỷ XIX còn tồn tại đến hôm nay.

Nguyễn Quang Trung Tiến

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT