Chính sách nổi bật về doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 8/2024
Đăng ngày 28-08-2024 10:13, Lượt xem: 17

Quy định về mạng lưới hoạt động của ngân hàng thương mại; Sửa quy định về giới hạn cho vay của quỹ tín dụng nhân dân; Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu không quá 03 ngày làm việc; Quy định mới về mua, bán trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng… là những chính sách nổi bật về doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 8/2024.

Quy định về mạng lưới hoạt động của ngân hàng thương mại

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 32/2024/TT-NHNN quy định về mạng lưới hoạt động của ngân hàng thương mại.

Theo đó, Thông tư số 32/2024/TT-NHNN quy định rõ thẩm quyền chấp thuận về mạng lưới của ngân hàng thương mại như sau:

- Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét chấp thuận việc ngân hàng thương mại thành lập, chấm dứt hoạt động, giải thể (trừ trường hợp tự nguyện chấm dứt hoạt động) chi nhánh ở trong nước; thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, ngân hàng con ở nước ngoài; chuyển đổi hình thức pháp lý ngân hàng con ở nước ngoài của ngân hàng thương mại.

- Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng xem xét chấp thuận việc ngân hàng thương mại thành lập, chấm dứt hoạt động, giải thể (trừ trường hợp tự nguyện chấm dứt hoạt động) phòng giao dịch, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp ở trong nước.

- Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét chấp thuận: Thay đổi địa điểm đặt trụ sở chi nhánh, phòng giao dịch; tự nguyện chấm dứt hoạt động chi nhánh, phòng giao dịch; thay đổi chi nhánh quản lý phòng giao dịch.

Bên cạnh đó, Thông tư số 32/2024/TT-NHNN cũng quy định rõ điều kiện để ngân hàng thương mại được thành lập chi nhánh ở trong nước như sau: Ngân hàng thương mại có thời gian hoạt động từ 12 tháng trở lên tính từ ngày khai trương hoạt động đến thời điểm đề nghị; Có giá trị thực của vốn điều lệ tại thời điểm 31 tháng 12 của năm trước liền kề năm đề nghị không thấp hơn mức vốn pháp định. Giá trị thực của vốn điều lệ được xác định theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trên cơ sở báo cáo tài chính riêng lẻ được kiểm toán của năm trước liền kề năm đề nghị; Hoạt động kinh doanh có lãi theo báo cáo tài chính hợp nhất và báo cáo tài chính riêng lẻ được kiểm toán của năm trước liền kề năm đề nghị.

Thông tư số 32/2024/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 15/8/2024.

Sửa quy định về giới hạn cho vay của quỹ tín dụng nhân dân

Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại Thông tư số 13/2024/TT-NHNN Ngân hàng Nhà nước về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 32/2015/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân.

Theo đó, từ ngày 12/8/2024, quỹ tín dụng nhân dân căn cứ vốn tự có được xác định tại cuối ngày làm việc gần nhất để xác định những nhiệm vụ sau: Hạn chế cho vay đối với tổ chức, cá nhân theo quy định tại Điều 135 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024; Giới hạn cho vay đối với một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan của khách hàng theo quy định tại Điều 136 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024.

Cũng theo quy định tại Thông tư số 13/2024/TT-NHNN, Hội đồng quản trị quyết định các khoản cho vay đối với người thẩm định, người xét duyệt cho vay tại quỹ tín dụng nhân dân có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên hoặc giá trị khác thấp hơn theo quy định nội bộ của quỹ tín dụng nhân dân. Các trường hợp còn lại thực hiện theo quy định nội bộ của quỹ tín dụng nhân dân.

Đối với các khoản cho vay các đối tượng quy định nêu trên, quỹ tín dụng nhân dân phải: Báo cáo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố theo quy định của Ngân hàng Nhà nước; công khai trước Đại hội thành viên đối với khoản cho vay phát sinh đến thời điểm lấy số liệu để họp Đại hội thành viên. Đồng thời, tổng mức dư nợ cho vay đối với một thành viên là pháp nhân không được vượt quá tổng số vốn góp và số dư tiền gửi của pháp nhân đó tại quỹ tín dụng nhân dân tại mọi thời điểm. Tổng mức dư nợ cho vay đối với khách hàng là pháp nhân, cá nhân không phải là thành viên không được vượt quá số dư của hợp đồng tiền gửi, sổ tiết kiệm.

Khi có nguy cơ mất khả năng chi trả, mất khả năng chi trả, Quỹ tín dụng nhân dân phải kịp thời báo cáo với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố và thông báo cho Ngân hàng Hợp tác xã chi nhánh về thực trạng, nguyên nhân, các biện pháp đã áp dụng, các biện pháp dự kiến áp dụng để khắc phục và các đề xuất, kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố (nếu có).

Thông tư số 13/2024/TT-NHNN có hiệu lực từ 12/8/2024.

Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu không quá 03 ngày làm việc

Từ ngày 1/8/2024, việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu không quá 03 ngày làm việc. Nội dung trên được quy định tại Nghị định số 101/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định về điều tra cơ bản đất đai, đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai.

Cụ thể, thông tin về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, người được giao đất để quản lý, gồm: Tên, giấy tờ nhân thân, pháp nhân, địa chỉ của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, người được giao đất để quản lý. Thông tin về thửa đất, gồm: Số thửa đất, số tờ bản đồ, địa chỉ, diện tích, loại đất, hình thức sử dụng đất, nguồn gốc sử dụng đất và các thông tin khác về thửa đất. Thông tin về tài sản gắn liền với đất, gồm: Loại tài sản, địa chỉ, diện tích xây dựng, diện tích sàn, diện tích sử dụng, hình thức sở hữu, thời hạn sở hữu và các thông tin khác về tài sản gắn liền với đất.

Theo Nghị định số 101/2024/NĐ-CP, thời gian đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất lần đầu là không quá 20 ngày làm việc; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất lần đầu là không quá 3 ngày làm việc.

Đối với đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất thì thời gian thực hiện như sau:

- Trường hợp chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp mà không theo phương án dồn điền, đổi thửa hoặc trường hợp chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là không quá 10 ngày làm việc.

- Trường hợp bán hoặc góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm là không quá 10 ngày làm việc, không tính thời gian xác định giá đất, ký hợp đồng thuê đất.

- Trường hợp cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất trong dự án xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng là không quá 5 ngày làm việc.

- Trường hợp xóa đăng ký cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất trong dự án xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng là không quá 3 ngày làm việc.

Quy định mới về mua, bán trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 11/2024/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2021/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp.

Theo đó, Thông tư số 11/2024/TT-NHNN bổ sung khoản 14 vào Điều 4 về nguyên tắc mua, bán trái phiếu doanh nghiệp: Doanh nghiệp phát hành phải gửi cho tổ chức tín dụng thông tin về người có liên quan theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng trước thời điểm tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp. Người có liên quan của doanh nghiệp phát hành là tổ chức, cá nhân có quan hệ với doanh nghiệp phát hành theo quy định tại khoản 24 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng.

Cụ thể, thông tin về người có liên quan là cá nhân, bao gồm: họ và tên; số định danh cá nhân; quốc tịch, số hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp đối với người nước ngoài; mối quan hệ với doanh nghiệp phát hành. Thông tin về người có liên quan là tổ chức, bao gồm: tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp, số Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ pháp lý tương đương; người đại diện theo pháp luật, mối quan hệ với doanh nghiệp phát hành.

Bên cạnh đó, Thông tư số 11/2024/TT-NHNN bổ sung khoản 15 vào Điều 4: Tổ chức tín dụng phải sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt khi thực hiện thanh toán trong hoạt động mua, bán trái phiếu doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thanh toán không dùng tiền mặt.

Ngoài ra, Thông tư số 11/2024/TT-NHNN cũng sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 8 về giới hạn mua trái phiếu doanh nghiệp. Theo đó, tổng số dư mua trái phiếu doanh nghiệp (bao gồm cả trái phiếu do doanh nghiệp và người có liên quan của doanh nghiệp đó phát hành) được tính vào tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng, đối với một khách hàng và người có liên quan theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng và quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng.

Thông tư số 11/2024/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 12/8/2024.

KHÁNH VÂN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT