Khái quát vài nét về Quán Thế Âm Bồ Tát
Đăng ngày 12-03-2021 09:40, Lượt xem: 285

Nói đến Phật giáo, người ta nghĩ ngay đến đạo từ bi cứu khổ. Mà hình ảnh cứu khổ tiêu biểu tuyệt vời nhất không ai khác đó là Đức Phật Bồ Tát Quán Thế Âm.

Quán Thế Âm là vị Đại Bồ Tát đã phát nguyện cứu độ cho chúng sinh trên cõi thế gian này. Theo Kinh điển Phật giáo, Ngài tu hành chứng đạo qủa và là vị thánh ở Tây Phương cực lạc. Ngài tu theo Pháp Nhĩ Căn Viên Thông, tức là dùng tai để nghe và quán chiếu vào tự tánh thanh tịnh của chính bản thể tự thân và đã thành chín quả. Cũng từ thành tựu quả vị này, ngài đã nghe thấy và thấu hiểu mọi tiếng kêu khổ nạn của chúng sanh và hiện ngay nơi đó để cứu độ. Vì thế, Quán Thế Âm là vị Bồ Tát phổ biến và gần gũi, không riêng gì tín đồ Phật giáo mà còn với tất cả mọi giới trên cõi thế gian này.

Quán Thế Âm Bồ Tát, xuất phát từ nguyên ngữ tiếng Phạn (tiếng Ấn cổ) là “Avalokitesvara”. Từ đây người Trung Hoa dịch sang âm Hán mà ta đọc là: Quán Thế Âm hay Quán Tự Tại. Theo các Kinh điển, Ngài có các danh diệu phổ biến như sau: Quán Thế Âm Bồ Tát, Quan Âm Bồ Tát, Quán Tự Tại Bồ Tát, Quan Âm Đại Sĩ.

Vậy, Bồ Tát Quán Thế Âm hay Quán Tự Tại hoặc Quan Thế Âm, Quan Âm... cũng chỉ là một người. Do đại nguyện lớn lao của Ngài, mọi người quen gọi tên Ngài là Quán Thế Âm Bồ Tát.

Trong Kinh Phật, đức Phật gọi Quan Âm là “thiện nam tử”. Nhưng chúng ta thường thấy hình ảnh Ngài là một vị nữ nhân mặc áo trắng. Không ít người vẫn đang thắc mắc: Quán Thế Âm Bồ Tát là nam hay nữ? Đức Phật nói rằng: Quán Thế Âm cứu khổ chúng sinh bằng cách hóa thân thành 32 tướng khác nhau để tùy ứng với hoàn cảnh. Ngài có thể là: thân Phật, Bích Chi, Thinh Văn, Phạm Vương, Đế Thích, Đại Tự Tại Thiên, Đại Tự Tại, Thiên Đại Tướng Quân, Tỳ Sa Môn, Tiểu Vương, Trưởng Giả, Cư Sĩ, Tể Quan, Bà La Môn, Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, Phụ Nữ, Đồng Nam, Đồng Nữ, Thiên Long, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, Ca Lâu La, A Tu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Nhân, Phi Nhân Thần Chấp Kim Cang.

Dù hóa thân thành những hình tướng nào thì Quán Thế Âm Bồ Tát vẫn là hiện thân cho lòng đại từ đại bi, biểu tượng cho tình thương bao la vô bờ bến, là bậc thánh nhân được tôn xưng là Mẹ hiền. Ngài luôn được người đời kính ngưỡng bởi hạnh nguyện từ bi, ban vui và cứu khổ không mệt mỏi và không giới hạn này.

Trong một năm có ba ngày vía Quan Âm (theo âm lịch), mỗi ngày vía có một ý nghĩa riêng: ngày 19/02 là ngày vía Quán Thế Âm đản sanh; ngày 19/06 là ngày vía Quán Thế Âm thành đạo; ngày 19/09 là ngày vía Quán Thế Âm xuất gia.

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT