Tín ngưỡng Quán Thế Âm ở Ngũ Hành Sơn và sự ra đời của lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn
Đăng ngày 12-03-2021 09:45, Lượt xem: 203

Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng được hình thành qua nhiều nhân tố, hội đủ các nhân duyên, có cả nhân duyên vô thể và hữu thể, vừa thực vừa ảo trên vùng đất được mệnh danh là “Thánh địa của Phật giáo Ngũ Hành Sơn”. Đây là một trong những lễ hội dân gian mang đậm yếu tố tín ngưỡng - tôn giáo Phật giáo, kết hợp hài hòa với văn hóa truyền thống và đại diện cho bản sắc văn hóa của thành phố Đà Nẵng.

Phật giáo du nhập vào Đà Nẵng khoảng từ thế kỷ XVII, trong đó, Ngũ Hành Sơn được xem là cái nôi đầu tiên của Phật giáo thành phố Đà Nẵng.  Ngũ Hành Sơn là mãnh đất có lịch sử lâu đời, nơi đây trước kia vốn là một trung tâm cư trú, trung tâm giao thương, trung tâm tín ngưỡng của người Chăm - cư dân bản địa trong lịch sử. Sau khi thuộc về Đại Việt, Ngũ Hành Sơn trở thành một Trung tâm Phật giáo của Việt Nam từ thời kỳ chúa Nguyễn.

Thời các chúa Nguyễn, Phật giáo rất thịnh hành ở xứ Đàng Trong. Các chúa Nguyễn đều là những người sùng mộ Phật giáo, lấy Phật giáo làm chỗ dựa tinh thần để an dân trị quốc. Vì vậy, những nơi mà các chúa Nguyễn đến đều cho xây dựng tự viện, chùa chiền, tạo tượng, đúc chuông, trọng đãi các thiền sư... Tại Ngũ Hành Sơn hệ thống tự viện, chùa chiền... cũng có từ đó. Trong đó, có ngôi cổ tự được phong là Quốc tự và là di tích Phật giáo lâu đời ở Ngũ Hành Sơn đó là chùa Tam Thai (xây dựng năm 1630).

Bia Phổ Đà Sơn linh trung Phật tại động Hoa Nghiêm (1640) và bia Ngũ Uẩn Sơn cổ tích Phật tịch diệt lạc tại động Vân Thông (1641) là các bia đá do Thiền sư Huệ Đạo Minh dựng lập, để tán thán công đức của tín đồ Phật tử người Việt, người Nhật và người Hoa đã cúng dường xây dựng chùa. Chùa Bình An xây dựng trước đó cũng được trùng tu vào năm 1640. Thời Minh Vương Nguyễn Phúc Chu (1691 - 1725), Hòa thượng Thạch Liêm (Thích Đại Sán) từ Trung Hoa sang Thuận - Quảng hộ trì Phật giáo, Thích Đại Sán đã từng đến Ngũ Hành Sơn. Với lòng mộ đạo, có lúc cả ngàn tín đồ Phật tử đến chùa Thái Bình ở Ngũ Hành Sơn nghe Nam Đại Hòa thượng giảng kinh. Hòa thượng Hưng Liên trụ trì chùa Tam Thai, truyền bá Thiền phái Tào Động, được chúa Nguyễn Phúc Chu tôn phong Quốc sư.

Đến thời nhà Nguyễn, Ngũ Hành Sơn rất được các vua triều Nguyễn quan tâm và ngưỡng mộ. Tương truyền, chúa Nguyễn có lần thất trận trước quân Tây Sơn ở Quảng Nam, đã vào ẩn trốn ở Ngũ Hành Sơn và nhờ một vị tiên xuất hiện chỉ đường nên thoát nạn, quân sĩ khỏi bị đói. Vì thế sau khi lên ngôi hoàng đế, vua Gia Long mới bày tỏ sự tri ân. Công chúa Ngọc Lan con vua Gia Long cũng đã vào hang động ở Ngũ Hành Sơn ẩn tu tại Phổ Đà Sơn.

Vua Minh Mạng nhiều lần đến thưởng ngoạn vẻ đẹp thiên nhiên và lưu lại dài ngày nơi cảnh Phật, nhiệt tâm ủng hộ và góp công lớn để tôn tạo Ngũ Hành Sơn có quy mô bề thế, để lại nhiều công trình kiến trúc giá trị. Năm 1825, vua Minh Mạng đến thăm Ngũ Hành Sơn, quyết định đặt lại các danh xưng, cho khắc tên trên thềm và sườn núi. Đồng thời, tiến hành tu sửa chùa Tam Thai và xây dựng chùa Ứng Chân, gọi là Ứng Chân Tự (đến đời vua Thành Thái đổi tên thành Linh Ứng Tự). Chùa Linh Ứng thờ tam thế Phật, chính giữa Phật Thích Ca, bên phải Di Lặc, bên trái Di Đà; có tượng lớn Đức Quán Thế Âm Bồ Tát (năm 1970 các tăng ni, Phật tử Quảng Nam - Đà Nẵng xây lại chùa mới). Năm 1826, nhà vua cho đúc 9 pho tượng và 3 quả chuông lớn ở chùa Tam Thai, hiện chùa còn lưu giữ “quả tim lửa” và chiếc chuông khắc tên vua Minh Mạng. Các chùa Tam Thai, Linh Ứng cũng đã được sắc ban là Quốc tự.[1]

Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, ở Ngũ Hành Sơn có đến 14 ngôi chùa Phật giáo được xây dựng. Các chùa tại Ngũ Hành Sơn thường kết hợp giữa thờ Phật và tưởng vọng các triều đại có công lao đối với dân tộc, như ở chùa Từ Tâm thờ Địa Tạng, lại có bàn thờ tưởng nhớ các triều đại Đinh, Lý, Trần, Lê ... Đặc biệt, nhiều ngôi chùa ở Ngũ Hành Sơn đều thờ Đức Phật Bồ Tát Quán Thế Âm. Hằng năm, các chùa tổ chức Lễ Vía của Đức Phật Quán Thế Âm Bồ Tát vào các ngày 19 tháng 2, 19 tháng 6 và 19 tháng 9 âm lịch. Nhân ngày lễ vía này, các tín đồ Phật giáo và nhân dân địa phương tham dự, lễ bái và cúng dường rất đông.

Sở dĩ, ngày Lễ Vía của Đức Phật Quán Thế Âm Bồ Tát được các tín đồ Phật giáo và nhân dân địa phương biết tới, tham dự lễ bái rất đông, là do: hình ảnh và sức ảnh hưởng Đức Phật Bồ Tát Quán Thế Âm từ lâu đã trở nên quá quen thuộc và gần gũi không chỉ với các tín đồ Phật giáo mà có thể nói là quảng đại quần chúng nhân dân. Riêng đối với người dân xứ Quảng nói chung, Đà Nẵng nói riêng, Quán Thế Âm Bồ Tát còn in sâu trong tâm thức tín ngưỡng dân gian của cộng đồng cư dân nơi đây. Họ luôn kính ngưỡng và tin rằng, Ngài là vị Bồ Tát có nghìn tay, nghìn mắt “thiên thủ thiên nhãn”, có khả năng biến hóa thành những hóa thân khác nhau để nghe tiếng kêu cứu, những nỗi đau khổ, hiểm nguy và thấu hiểu những lời cầu mong thiết tha của chúng sinh để kịp thời đến cứu giúp.

Đặc biệt, cộng đồng cư dân vùng Ngũ Hành Sơn và các địa phương khác trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có truyền thống về thực hành nghề biển bao đời nay, với khát vọng tâm linh “cầu mưa thuận gió hòa”, “sóng yên biển lặng, thuận buồm xuôi gió” để vượt qua những tai ách ở biển cả đang rình rập, “cầu được mùa, tôm cá đầy thuyền” để cuộc sống đỡ vất vả, no ấm hơn…

Và để những khát vọng tâm linh đó trở thành hiện thực, họ luôn có niềm tin về vị thần bảo trợ trên biển cho họ tai qua nạn khỏi, đó là cá Ông (cá Voi trắng). Gắn với hình ảnh và tín ngưỡng thờ cá Ông là huyền tích về Phật Bà Quan Âm. Theo truyền thuyết của người Việt vùng biển Nam Trung Bộ cho rằng: Cá Voi là thế thân của Quan Thế Âm Bồ Tát.

“Xưa kia, Đức Phật Quan Âm trong hai lần tuần du đại hải đã nhìn thấy cảnh nhiều người trần bị tử nạn ngoài biển khơi. Ngậm ngùi đau xót cho số phận của họ, Ngài đã xé chiếc áo cà sa làm muôn ngàn mảnh đem thả trên mặt biển rồi làm phép biến mảnh áo thành đàn cá, và ban cho chúng phép thâu đường để lội thật mau nhằm làm tròn trách nhiệm cứu vớt người lâm nạn. Kể từ đó, cá voi được coi như là ân ngư của những người làm nghề thuyền chài ngoài biển. Lúc đầu, vóc dáng loài cá thần này tương đối nhỏ, không đủ sức chống chọi với sóng to, gió lớn của biển Đông. Trước tình trạng ấy, Đức Phật Quan Âm liền cấp tốc mượn bộ xương của ông Tượng (voi) trên rừng cho đàn cá. Nhờ có bộ xương to, đàn cá có vóc dáng lớn và đủ sức chống chọi bão táp đại dương. Từ đó, loài cá này mang tên là cá Voi, nhân dân thường gọi là cá Ông”.

Vì vậy, cho nên trong tâm thức của những người dân đi biển nơi đây luôn tâm niệm rằng cá Voi chính là thế thân của Quan Thế Âm Bồ Tát. Từ đó, họ có niềm tin tín ngưỡng và thờ tự, lễ bái Mẹ hiền Quan Âm để mong được che chở, bảo vệ. Dần dần, tín ngưỡng Quán Thế Âm Bồ Tát đáp ứng được mong cầu của đại quần chúng nhân dân và đã đi vào trong dân gian một cách nhanh chóng, có sức lan tỏa lớn, được cộng đồng đón nhận.

Như vậy, từ dấu ấn “tương thích văn hóa” trong huyền tích Quán Thế Âm gắn với đời sống tâm linh tín ngưỡng của ngư dân nghề biển, vì thế hằng năm ngoài việc tổ chức Lễ hội Cầu Ngư, cộng đồng cư dân nghề biển nơi đây thường đến các chùa ở Ngũ Hành Sơn để lễ bái, cầu nguyện Đức Phật Quán Thế Âm Bồ Tát vào các ngày lễ vía của Ngài, vừa bày tỏ sự kính ngưỡng và tâm nguyện của mình mong Phật Quan Âm phù hộ, vừa xem đó là chỗ dựa tinh thần cho những chuyến ra khơi bình yên. Nhiều ngư dân còn thỉnh tôn Đức Phật Bồ Tát Quán Thế Âm về thờ tự tại nhà cùng với ông bà của mình. Ngoài ra, có những người dân không thực hành nghề biển nhưng họ cũng đến chùa lễ bái vào những ngày lễ vía Quan Âm, họ có niềm tin Mẹ hiền Quan Âm sẽ luôn lắng nghe những nỗi niềm của chúng sinh để hóa giải, cứu độ, vì thế họ đến với Ngài không chỉ để mong cầu những điều tốt đẹp trong cuộc sống mà còn để bảy tỏ đức tin và cả nhu cầu về tâm linh tín ngưỡng.

Ngoài ra, có một nhân duyên vốn có từ lâu được xem như một nhiệm màu, một huyền thoại, một sự tín ngưỡng về Quán Thế Âm Bồ Tát giữa quần thể núi non Ngũ Hành. Đó là sự hiển linh của tôn tượng Quán Thế Âm Bồ Tát trong động thiêng ở núi Kim Sơn - một trong năm ngon núi thuộc Ngũ Hành Sơn. Đó là vị Hòa Thượng Thích Pháp Nhãn (người khai sơn chùa Quán Thế Âm) đã thần mộng về Đức Phật Quán Thế Âm Bồ Tát ứng hiện nơi động thiêng, pháp đàn của ngài. Theo đó, Hòa thượng đã phát hiện một pho tượng Quán Thế Âm bằng thạch nhũ, tay cầm bình Cam Lồ, hoàn toàn thiên tạo, rất hoàn chỉnh, cao bằng người thật trong một hang động tại núi Kim Sơn. Phía sau và chung quanh tượng Ngài là cả một thế giới phù điêu huyền ảo, hiện rõ hình ảnh của những Thiện Tài Đồng Tử, Thiện Sỹ, Ngọc Nữ, cho đến cảnh quan từng khóm Trúc, dải mây ngũ sắc, chim Khổng Tước, bầy hải sư… Tất cả tạo thành một bức phù điêu tuyệt mỹ.

Từ hình tượng tự nhiên này, Hòa thượng Thích Pháp Nhãn đã đặt tên là động Quan Âm, đồng thời, ngài cho lập một ngôi chùa ngay sát hang động, tựa lưng vào núi Kim Sơn và đặt tên là chùa Quán Thế Âm để xưng tụng quả vị Quán Thế Âm. Kể từ đó, vào các ngày lễ vía của Quán Thế Âm nhân dân địa phương và nhân dân ở các nơi khác quy tụ về đây lễ bái ngày càng đông.  

Nhằm đáp ứng nhu cầu lễ bái, tín ngưỡng của cộng đồng Phật tử theo đạo Phật và cồng đồng địa phương đối với Đức Phật Bồ Tát Quán Thế Âm, các vị Chư Tôn Đức Phật giáo lúc bấy giờ đã thống nhất chọn ngày 19/2 âm lịch hằng năm (Ngày Đản sanh của Ngài, tức là ngày Phật Quan Âm ra đời) các chùa trên địa bàn Ngũ Hành Sơn hội tụ tại chùa Quán Thế Âm cùng tổ chức Ngày lễ vía Đức Phật Quán Thế Âm và xem đây như một chốn tổ thờ tự Ngài.

Ngày 19/2/1956, nhân dịp tổ chức lễ khánh thành chùa Quán Thế Âm, để mở ra một sinh hoạt văn hóa tâm linh đồng thời khắc ghi một dấu mốc cho sự phát triển hoằng dương chánh pháp, Hòa thượng Thích Pháp Nhãn được sự cho phép của Giáo hội Phật Giáo lúc bấy giờ đã thành lập Hội phổ Quan Âm và trực tiếp làm trưởng ban tổ chức Ngày Lễ vía Quan Âm tại chùa, lấy tên gọi là Ngày hội Quan Âm, với sự tham gia của hàng chục ngàn Chư tăng ni tín đồ Phật giáo, nhân dân địa phương trong vùng và các nơi khác về tham dự. Từ đó, vào ngày 19/2 âm lịch hàng năm, ngày hội lễ vía Quán Thế Âm được tổ chức. Đây chính là mốc đầu tiên tiên khởi nên Lễ hội Quán Thế Âm ngày  hôm nay.

Đặc biệt vào năm 1960, nhân dịp khánh thành tượng Bồ Tát Quán Thế Âm ở động Hoa Nghiêm, Chùa Tam Thai - Linh Ứng thuộc ngọn Thủy Sơn tại Khu Di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng, lễ hội Quán Thế Âm được tổ chức lớn.

Những năm tiếp theo sau đó, Ngày hội Quan Âm vẫn duy trì tổ chức. Song có một thời gian dài do ảnh hưởng của chiến tranh và một số lý do khác Ngày hội Quan Âm không tổ chức ở quy mô lớn mà chỉ tổ chức gói gọn tại chùa Quán Thế Âm, cùng với sự tham gia của các chùa Phật giáo ở Ngũ Hành Sơn theo nghi lễ tôn giáo Phật giáo.

Từ sau ngày đất nước hòa bình (1975), nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh tính ngưỡng của cộng đồng tôn giáo Phật giáo và nhân dân địa phương, Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng lúc bấy giờ đã cùng với chùa Quán Thế Âm và các chùa ở Ngũ Hành Sơn khai mở lại lễ hội, lấy tên gọi là “Lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn - Non Nước”, khởi đầu cho mùa lễ hội vào các năm sau đó.

Từ năm 1991, Lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn - Non Nước, tổ chức quy mô, diễn ra trong ba ngày 17,18 và 19 vào tháng 2 (âm lịch) hằng năm. Được các Chư Tôn Giáo phẩm Tỉnh hội, Thành hội và chùa Quán Thế Âm chủ trì tổ chức, cùng với sự tham gia đông đảo của các tầng lớp Phật tử và rộng rãi quần chúng nhân dân. Từ đây, Lễ hội đã dần đi vào nề nếp tổ chức. Có thể nói, Lễ hội giờ đây đã thấm đẫm trong tình yêu đại chúng, không chỉ là vùng Ngũ Hành Sơn - Đà Nẵng, mà là khắp mọi nơi trong và ngoài nước.

Vào năm 2000, Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng được Tổng cục Du lịch (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận và xếp vào Danh mục 15 lễ hội lớn cấp quốc gia. Và trong năm này, lễ hội đã tổ chức Chương trình “Chào đón và điểm đến Thiên niên kỷ mới của quốc gia”.

Từ đó đến nay, hàng năm cứ đến mùa Xuân, Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn được tổ chức quy mô, phong phú cả về nội dung lẫn hình thức. Lễ hội đã thu hút sự tham gia của hàng ngàn người, gồm cộng đồng Phật tử theo đạo Phật, cộng đồng nhân dân địa phương, cùng du khách trong và ngoài nước về đây tham dự, lễ bái, nguyện cầu. Như lời lưu truyền trong dân gian: “Quán Âm mười chín tháng Hai/Ngũ Hành lễ hội ai ai cũng về”.

Như vậy, Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng được hình thành qua nhiều nhân tố, hội đủ các nhân duyên, có cả nhân duyên vô thể và hữu thể, vừa thực vừa ảo trên vùng đất được mệnh danh là “Thánh địa của Phật giáo Ngũ Hành Sơn”. Đây là một trong những lễ hội dân gian mang đậm yếu tố tín ngưỡng - tôn giáo Phật giáo, kết hợp hài hòa với văn hóa truyền thống và đại diện cho bản sắc văn hóa của thành phố Đà Nẵng.


[1]. Theo Nguyễn Quang Trung Tiến, “Gìn giữ khí thiêng Ngũ Hành Sơn”, Báo Đà Nẵng cuối tuần, ngày 26/4/2009.

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT