Phần lễ của Lễ hội Quán Thế Âm
Đăng ngày 12-03-2021 09:53, Lượt xem: 751

Lễ hội hội Quán Thế Âm được tổ chức trong ba ngày, từ ngày 17, 18 và 19 tháng 2 (âm lịch), trong đó ngày 19 là ngày lễ chính thức. Lễ hội gồm hai phần: Lễ và Hội. Phần lễ là các nghi lễ tín ngưỡng Phật giáo và nghi lễ truyền thống của địa phương. Trong ba ngày diễn ra lễ hội, ngoại trừ các sự kiện đặc biệt của từng năm thì phần lớn các sự kiện thường niên tổ chức đan xen kết hợp giữa phần Lễ và phần Hội. Hai phần này hòa quyện với nhau, trong lễ có hội và ngược lại trong hội có lễ.

Phần lễ bao gồm các nghi lễ tín ngưỡng Phật giáo: Lễ khai kinh, thượng phan - thượng kỳ; Lễ rước ánh sáng; Lễ pháp đàn Quán Thế Âm, thuyết giảng Đạo pháp và tổ chức các khóa tu tập; Chính lễ, gồm: Lễ vía Đức Phật Quán Thế Âm Bồ Tát; Lễ rước tôn tượng Quán Thế Âm Bồ Tát; Lễ hóa trang Quán Thế Âm Bồ Tát và cuối cùng Lễ tạ pháp đàn hoa đăng.

Đan xen với các nghi lễ Phật giáo còn có nghi lễ truyền thống của nhân dân địa phương như: Lễ tế Xuân; lễ dâng hương tưởng niệm Huyền Trân công chúa và lễ tế Thạch nghệ Tổ Sư nghề điêu khắc đá Non Nước Ngũ Hành Sơn.

a) Lễ khai kinh, thượng phan - thượng kỳ

Lễ khai kinh được tổ chức vào lúc 8 giờ ngày 17 tháng 2 (âm lịch). Đây là nghi lễ Phật giáo đầu tiên, được thực hiện tại chùa Quán Thế Âm - địa điểm diễn ra lễ hội Quán Thế Âm. Nghi lễ này có ý nghĩa dâng lên mười phương chư Phật, chư Bồ Tát, chư Thiện Thần đồng thùy từ chứng minh gia hộ, nguyện cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Tràng phan ở đây là “Phan Phụng thỉnh Tam Bảo, Bồ Tát, Thánh Hiền chứng minh”.

 Theo nghi lễ Phật giáo, vị chủ lễ được gọi là chủ Sám. Chủ Sám là một vị Hòa Thượng hoặc vị Thượng tọa có uy tín, phẩm chất đạo đức tốt đứng ra dâng hương đảnh lễ. Thực hiện nghi lễ tại Lễ Khai kinh là Thượng tọa Thích Huệ Vinh (Trưởng Ban tổ chức phần Lễ, Trụ trì chùa Quán Thế Âm) và chư tăng trong bổn tự (Ban Kinh sư) cùng toàn thể quý Phật tử - Đạo Tràng tham dự.

Bàn thờ tại Lễ Khai kinh được bài trí theo nghi thức của Phật giáo. Bàn thờ bài trí theo ba cấp, vị trí cao nhất là “bàn thờ Phật”, thứ đến là “bàn thờ Thần”, thấp nhất “bàn Kinh”. Màu chủ đạo là màu vàng. Trên bàn thờ bày biện trái cây, hoa tươi, xôi, chè, cau, trầu, rượu, nước, bánh, trầm trà, chúc văn, sớ giấy, cháo trắng và một ít đồ chay, hương đăng, đèn đỏ… Cách bài trí bàn thờ này không chỉ trong ngày lễ khai kinh mà suốt cả quá trình tổ chức các nghi lễ diễn ra tại Lễ hội. 

- Cách thức tiến hành nghi lễ như sau:

          + Đảnh lễ thiện thần, cầu xin gia hộ: Vị chủ Sám đảnh lễ cung thỉnh chư vị thiện thần hộ đàn và dâng lễ.

          + Sau khi chủ Sám đảnh lễ cầu nguyện sự hộ trì của chư vị thiện thần, thầy Công Văn sẽ đại diện đọc chúc văn trước bàn Hưng tác để thông báo tổ chức Lễ hội Quán Thế Âm.

          + Sau khi đọc chúc văn, đại tràng phan, đại kỳ sẽ được kéo lên. Nội dung đại tràng phan đại ý có hai điều: “Cung thỉnh Thập phương thường trụ Tam Bảo chứng minh, Phổ cáo chư vị thiện thần. Triệu thỉnh thập nhị loại cô hồn, tam thập lục bộ tham dự trai đàn”. Nội dung trên lá được viết lên từng ô giấy vuông có kích thước 30 - 40cm, bằng chữ Hán. Mỗi một ô vuông là một chữ khác nhau, số lượng chữ cũng được tính toán theo những quy chuẩn nhất định.

          + Cử hành nhạc lễ: sau khi tràng phan được kéo lên cũng là lúc tiến hành cử nhạc lễ. Phần cử nhạc lễ có thể được xem là một trong những tinh hoa của nghi lễ Phật giáo khi đã vận dụng uyển chuyển hình thức âm nhạc cung đình vào trong việc cử hành khoa nghi pháp sự. Tiếp theo, các thầy bắt đầu thực hành nghi lễ và tụng kinh cầu nguyện.

           * Có rất nhiều bài kinh tụng trong Lễ Khai kinh (khi thực hành nghi lễ tùy theo vị xướng lễ cử xướng). Sau đây giới thiệu bài kinh tụng tiêu biểu trong Lễ Khai kinh tại Lễ hội Quán Thế Âm, Ngũ Hành Sơn.

          - Nghi thức:

          + Chuông, trống Bát Nhã tấu lên.

           + Cử nhạc khai đàn (nhạc bát âm nổi lên).

           + Chủ lễ đăng điện (vị chủ Sám cùng các vị trong Ban kinh sư bước lên trước bàn thờ, tất cả gồm 7 vị).

           + Cử nhạc tham lễ (Nhạc lễ cung đình của Phật giáo tấu lên).

           + Chủ lễ niệm hương

           + Dâng hương - tác lễ.

          - Bài Niệm Hương - Tán Phật - Quán tưởng - Lễ Phật: (tùy theo vị cử xướng).

           (Thắp đèn, đốt hương trầm, chủ Sám và 7 vị trong Ban kinh sư thắp hương, quỳ ngay ngắn trước ban thờ, nâng hương lên ngang trán bắt đầu niệm hương)

          + Niệm Hương

          Nguyện đem lòng thành kính,

          Gửi theo đám mây hương,

          Phảng phất khắp mười phương,

          Cúng dường ngôi Tam bảo,

          Thề trọn đời giữ đạo,

          Theo tự tánh làm lành,

          Cùng Pháp giới chúng sanh.

          Cầu Phật từ gia hộ:

          Tâm Bồ đề kiên cố,

          Chí tu học vững bền;

          Xa bể khổ nguồn mê

          Chóng quay về bờ giác.

          Nam Mô Hương Cúng Dường Bồ Tát (3 lần, 1 lạy)

(Đứng dậy cấp hương lên lư rồi chấp tay đứng thẳng và niệm lớn)

          + Tán Phật:

          Đấng Pháp Vương vô thượng,

          Ba cõi chẳng ai bằng,

          Thầy dạy khắp trời người,

          Cha lành chung bốn loại,

          Quy y tròn một niệm,

          Dứt sạch nghiệp ba kỳ,

          Xưng dương cùng tán thán,

          Ức kiếp không cùng tận.

          + Quán tưởng:

          Phật, chúng sinh tánh thường rỗng lặng,

          Đạo cảm thông không thể nghĩ bàn,

          Lưới Đế châu ví Đạo tràng,

          Mười phương Phật bảo hào quang sáng ngời,

          Trước bảo tọa thân chúng con ảnh hiện,

          Cúi đầu xin thệ nguyện quy y.

          + Lễ Phật:

           Chí tâm đảnh lễ: Nam Mô Tận Hư Không, Biến Pháp Giới, Quá Hiện Vị Lai, Thập Phương Chư Phật, Tôn Pháp, Hiền Thánh Tăng, Thường Trú Tam Bảo (1 lạy).

           Chí tâm đảnh lễ: Nam Mô Ta Bà Giáo Chủ, Đại Từ Đại Bi Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Đương Lai Hạ Sinh Di Lặc Tôn Phật, Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát, Hộ Pháp Chư Tôn Bồ Tát, Linh Sơn Hội Thượng Phật, Bồ Tát (1 lạy)

           Chí tâm đảnh lễ: Nam Mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, Đại Từ Đại Bi A Di Đà Phật, Đại Bi Quan Thế Âm Bồ Tát, Đại Lực Đại Thế Chí Bồ Tát, Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát, Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát                  (1 lạy)

(Từ đây bắt đầu khai chuông mõ, đại chúng đồng tụng)

          - Tán Hương: Bài tâm nhiên - lô hương - giới định (Tùy theo vị xướng lễ cử xướng )

          + Giới thiệu điển hình bài tán hương Tâm Nhiên:

          Tâm nhiên ngũ phận
          Phổ biến thập phương
          Hương yên đồng tử ngộ chơn thường
          Tỉ quán diệu nan lương
          Thoại ái tường quang
          Kham hiến pháp trung vương
          Nam mô Hương Vân Cái Bồ Tát.

          + Giới thiệu điển hình bài tán hương Lô Hương

          Lô hương xạ nhiệt, pháp giới mông huân,
          Chư phật hải hội tất giao văn
          Tùy sứ kết tường vân,
          Thành ý phương ân
          Chư phật hiện toàn thân
          Nam Mô Hương Vân Cái Bồ Tát Ma Ha Tát

          + Giới thiệu điển hình bài tán hương Giới Định:

          Giới định chơn hương,
          Phần khởi xung thiên thượng.
          Tín chủ (Đệ tử) kiền thành,
          Nhiệt tại kim lô phóng,
          Khoảnh khắc phân vân.
          Tức biến mãn thập phương,
          Tích nhựt Da Du.
          Miễn nạn tiêu tai chướng
          Nam mô Hương Vân Cái Bồ Tát.

          - Tụng chú Đại Bi: (chuông, mõ gõ lên ba hồi dài, trong quá trình tụng chú đại bi lời tụng chú vang lên cùng tiếng gõ mõ)

          Nam Mô Đại Bi Hội Thượng Phật Bồ Tát (3 lần).

          Thiên thủ thiên nhãn, vô ngại Đại bi tâm đà la ni. Nam mô hắc ra đát na đa ra dạ da. Nam mô a rị da bà lô yết đế, thước bát ra da, bồ đề tát đỏa bà da, ma ha tát đỏa bà da, ma ha ca lô ni ca da. Án tát bàn ra phạt duệ, số đát na đát tỏa.

          Nam mô tất kiết lật đỏa, y mông a rị da, bà lô kiết đế, thất Phật ra lăng đà bà. Nam mô na ra cẩn trì hê rị, ma ha bàn đa sa mế, tát bà a tha đậu du bằng, a thệ dựng, tát bà tát đa, na ma bà già, ma phạt đạt đậu, đát điệt tha. Án, a bà lô hê, lô ca đế, ca ra đế, di hê rị, ma ha bồ đề tát đỏa, tát bà tát bà, ma ra ma ra, ma hê ma hê, rị đà dựng, cu lô cu lô, kiết mông độ lô độ lô, phạt xà da đế, ma ha phạt xà da đế, đà ra đà ra, địa rị ni, thất Phật ra da, dá ra dá ra. Mạ mạ phạt ma ra, mục đế lệ, y hê di hê, thất na thất na, a ra sâm Phật ra xá lợi, phạt sa phạt sâm, Phật ra xá da, hô lô hô lô, ma ra hô lô hô lô hê rị, ta ra ta ra, tất rị tất rị, tô rô tô rô, bồ đề dạ, bồ đề dạ, bồ đà dạ, bồ đà dạ, di đế rị dạ na ra cẩn trì địa rị sắc ni na, ba dạ ma na, ta bà ha. Tất đà dạ, ta bà ha. Ma ha tất đà dạ, ta bà ha. Tất đà du nghệ, thất bàn ra dạ, ta bà ha. Na ra cẩn trì, ta bà ha. Ma ra na ra, ta bà ha. Tất ra tăng a mục khê da, ta bà ha. Ta bà ma ha, a tất đà dạ, ta bà ha. Giả kiết ra a tất đà dạ, ta bà ha. Ba đà ma yết tất đà dạ, ta bà ha. Na ra cẩn trì bàn đà ra dạ, ta bà ha. Ma bà lị thắng yết ra dạ, ta bà ha.

          Nam mô hắc ra đát na, đa ra dạ da. Nam mô a rị da, bà lô yết đế, thước bàng ra dạ, ta bà ha. Án, tất điện đô, mạn đa ra, bạt đà dạ ta bà ha.

          Nam mô Thập phương thường trú Tam bảo (3 lần).

Đến đây, kết thúc tụng tập thể, chủ Sám xướng và lạy bài tán Phật và dâng sớ khai kinh cầu an:

         - Tán: (ca ngợi)

          + Bài tán: Quán Âm linh cảm phú đạo tràng

            (tùy theo vị xướng lễ cử xướng )

          Quan Âm Linh Cảm phú đạo tràng,
          Trừ tam tai, miễn bát nạn,
          Hộ quốc nhơn vương giáng cát tường,
          Hộ quốc nhơn vương giáng cát tường,
          Nam mô Đại Bi Quan Thế Âm Bồ Tát.

          Quan Âm Bồ Tát đại thần thông.
          Thủ chấp dương chi quá hải đông.
          Quan Âm năng cứu thế gian khổ,
          Nguyện độ hương hồn vãng thiên cung.

          Quan Âm Bồ Tát diệu nan thù,
          Thanh tịnh trang nghiêm lụy kiếp tu,
          Thiên xứ hữu cầu thiên xứ ứng,
          Khổ hải thường tác độ nhơn châu.
          Nam mô Đại Bi Quan Thế Âm Bồ Tát.

          Quan Âm Đại Sĩ đức tướng nguy nguy
          Thiên thủ thiên nhãn độ quần mê
          Nguyện hải tiêu nạn an
          Pháp giới phổ quang nguyên.

          - Xướng lạy: (đọc lên và lạy)

          Thích Ca Như Lai - chứng minh công đức.

          A Di Đà Như Lai - chứng minh công đức.

          Quá Khứ Pháp Minh Như Lai - chứng minh công đức.

          Quán Âm Như Lai - Mật thùy gia hộ.

Sau khi vị chủ Sám xướng và lạy tán Phật xong thì thầy Công Văn sẽ đọc bài sớ Cầu an lên, nguyên văn bài sớ cầu an như sau:

         - Quỳ bạch: sớ khai kinh cầu an “Tịnh Bình Pháp Thủy”

          + Phần âm:

          Phục dĩ,  (bắt đầu xướng sớ, do một vị kinh sư xướng sớ)

          Tịnh Bình Pháp Thủy, nhất đích triêm nhi nhật nguyệt trừng thanh; ngọc diệp tánh không, bán điểm sái nhi minh dương lợi lạc; dục đắc tiêm trần bất nhiễm, tu bằng Đại Giác Năng Minh.

          Bài sớ vị: (sau đó thầy Công Văn sẽ đọc bài sớ lên)

          * Ưu kim Việt Nam quốc, Đà Nẵng thành phố, Ngũ Hành Sơn quận, Kim Sơn Quán Thế Âm tự.

          Phụng Phật tu hương hiến cúng khai kinh kỳ an bảo mạng nghinh tường tập phước sự. Kim đệ tử …………………………. đẳng; duy nhật phần nhất triện chi tâm hương, lễ Tam Thân chi bảo tướng; nguyện thư Liên Nhãn, phủ giám quỳ tâm.

          Ngôn niệm: Đệ tử đẳng sanh phùng thạnh thế, hạnh ngộ lương duyên; hà càn khôn phú tải chi ân, cảm Phật thánh chiếu lâm chi đức. Tư giả túc trần tố khổn, phi lịch đơn tâm, khể thủ đầu thành, kiều cần sám hối; phúng tụng ……. gia trì …… chư phẩm thần chú. Đảnh lễ Tam Thân bảo tướng, vạn đức kim dung; tập thử thiện nhân, kỳ tăng phước thọ.Kim tắc cẩn cụ sớ văn, hòa nam bái bạch.

  • Nam Mô Thập Phương Thường Trú Tam Bảo tác đại chứng minh.
  • Nam Mô Đạo Tràng Giáo Chủ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật tác đại chứng minh.
  • Nam Mô Tiêu Tai Tăng Diên Thọ Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật tác đại chứng minh.
  • Nam Mô Đại Từ Bi Cứu Khổ Nạn Linh Cảm Quán Thế Âm Bồ Tát.

Cung phụng: Biến Pháp giới Chư Tôn Bồ Tát Ma Ha Tát, đạo tràng Hội Thượng vô lượng thánh hiền, cọng giáng oai quang, đồng thùy gia hộ.

     Phục nguyện: Thần thông cảm ứng, vi diệu uy linh; sái chi đầu chi Cam Lồ, phổ triêm thế giới chi thanh lương; lưu phước hải chi ân ba, vĩnh kiếp tồn vong lợi lạc. Ngưỡng lạy Phật ân chứng minh. Cẩn sớ.

     Phật lịch …… Tuế thứ ….. niên …. Nguyệt ……. Nhật thời.

     Đệ tử chúng đẳng hòa nam thượng sớ.

          + Phần nghĩa:

          Cúi nghĩ,

          Tịnh Bình nước Pháp, một giọt thấm mà trong sạch trời trăng; cành ngọc tánh không, nửa chấm tưới làm âm dương lợi lạc; muốn sạch bụi trần không nhiễm, nên nương Giác Ngộ đức từ.

          Sớ tâu: 

          * Nay tại Chùa Quán Thế Âm ngọn Kim Sơn, Quận Ngũ Hành Sơn, Thành phố Đà Nẵng, nước Việt Nam.

          Chùa thờ Phật dâng dương hiến cúng khai kinh sám hối, cầu an bảo mạng, nghinh lành tập phước. Đệ tử ……………. hôm nay, đốt lên một nén tâm hương, lạy khắp Ba Thân tướng báu; nguyện ban từ nhãn, chứng tấc lòng thành.

          Nép nghĩ: Đệ tử chúng con, sanh đời vượng thịnh, may gặp duyên lành; nặng mang ơn sâu, càn khôn che chở, cảm Phật thánh chiếu lâm đức lớn. Con nay khẩn thiết bộc bạch, phơi bày chân tâm; muôn lạy cúi đầu, chí thành sám hối; trì tụng ….. gia trì …. Các phẩm thần chú; đảnh lễ Ba Thân tướng báu, muôn đức dung vàng; lấy nhân tốt này, cầu thêm phước thọ. Nay xin dâng trọn sớ văn, kính thành thưa thỉnh:

  • Kính lạy Ba Ngôi Báu Thướng Trú Trong Mười Phương chứng giám cho.
  • Kính lạy Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, giáo chủ đạo tràng chứng giám cho.
  • Kính lạy Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật, tiêu trừ tai họa, tăng tuổi thọ, chứng giám cho.
  • Kính lạy Quán Thế Âm Bồ Tát, có từ bi lớn, cứu khổ nạn, linh cảm ứng, chứng giám cho.

          Cùng xin các vị Bồ Tát Ma Ha Tát khắp pháp giới, vô lượng thánh hiền trong đạo tràng, cùng giáng oai quang, xót thương gia hộ.

          Lại nguyện: Thần thông cảm ứng, vi diệu oai linh; rưới nước cành dương Cam Lồ, thấm khắp thế giới thảy mát trong; lưu biển phước ngập sóng ơn, muôn kiếp mất còn lợi lạc. Ngưỡng mong ơn Phật chứng minh.

          Phật lịch ….. ngày … tháng …. năm ….

          Đệ tử chúng con kính thành dâng sớ.  

        Sau khi thầy Công văn đọc chúc văn là sớ Cầu an xong, đại tràng phan, đại kỳ được kéo lên. Vị chủ Sám tiếp tục hành lễ và tụng kinh cùng Ban kinh sư và các Phật tử. (chuông, mỏ gõ lên ba hồi dài sau đó tụng chung bài Khể Thủ Quan Âm)

          - Tụng Khể Thủ Quan Âm:

                   + Phần âm:

Khể thủ Quan Âm Đại Bi chủ

Nguyện lực hoằng thâm tướng hảo thâm

Thiên trí trang nghiêm phổ hộ trì

Thiên nhãn quang minh biến quán chiếu

Chơn thật ngữ trung tuyên mật ngữ

Vô vi tâm nội khởi bi tâm

Tốc linh mãn túc chư hy cầu

Vĩnh sử diệt trừ chư tội nghiệp

Long thiên thánh chúng đồng từ hộ

Bách thiên tam muội đốn huân tu

Thọ trì thân thị quang minh tràng

Thọ trì tâm thị thần thông tạng

Tẩy địch trần lao nguyện tế hải

Siêu chứng bồ đề phương tiện môn

Ngã kim xưng tụng thệ quy y

Sở nguyện tùng tâm tốc viên mãn

Nam mô Đại Bi Quán Thế Âm

Nguyện ngã tốc trí nhất thiết pháp

Nam mô Đại Bi Quan Thế Âm

Nguyện ngã tảo đăng trí huệ nhãn

Nam mô Đại Bi Quan Thế Âm

Nguyện ngã tốc độ nhất thiết chúng

Nam mô Đại Bi Quan Thế Âm

Nguyện ngã tảo đăng đắc thiện phương tiện

Nam mô Đại Bi Quan Thế Âm

Nguyện ngã tốc thừa Bát nhã thuyền

Nam mô Đại Bi Quan Thế Âm

Nguyện ngã tảo đắc việc khổ hải

Nam mô Đại Bi Quan Thế Âm

Nguyện ngã tốc đắc giới tịnh đạo

Nam mô Đại Bi Quan Thế Âm

Nguyện ngã tảo đăng niết bàn sơn

Nam mô Đại Bi Quan Thế Âm

Nguyện ngã tốc hội vô vi xá

Nam mô Đại Bi Quan Thế Âm

Nguyện ngã tảo đồng pháp tánh thân

Ngã nhược hướng đao sơn

Đao sơn tự hồi chiết

Ngã nhược hướng hỏa than

Hỏa than tự khô kiệt

Ngã nhược hướng địa ngục

Địa ngục tự tiêu diệt

Ngã nhược hướng ngạ quỷ

Ngạ quỷ tự bảo mãn

Ngã nhược hướng Tu la

Ác tâm tự điều phục

Ngã nhược hướng súc sanh

Tự đắc đạo trí tuệ

Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát (10 lần)

Nam Mô Phật Mẫu Chuẩn Đề Vương Bồ Tát (10 lần)

Nam Mô Đạo Tràng Hội Thượng Phật Bồ Tát (10 lần)

          - Tán Quán Âm: (tùy theo xướng lễ cử xướng).

          + Bài tán Quán Âm Bồ Tát Diệu nan thù

          Quan Âm Bồ Tát diệu nan thù
          Thanh tịnh trang nghiêm luỵ kiếp tu
          Thiên xứ hữu cầu thiên xứ ứng
          Khổ hải thường tác độ nhơn châu
          Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát.

         - Phục Nguyện: (nguyện cầu về một điều gì đó)

         (Tùy theo chủ lễ phục nguyện có thể theo lời nguyện như sau:)

          Phật nhật tăng huy pháp luân thường chuyển, phong điều võ thuận, quốc thái dân an, thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc.

         - Hồi Hướng:

         + Tự quy y Phật, xin nguyện chúng sanh, thể theo đạo cả, phát lòng vô thượng.

          + Tự quy y Pháp, xin nguyện chúng sanh, thấu rõ kinh tạng, trí huệ như biển.

          + Tự quy y Tăng, xin nguyện chúng sanh, thống lý đại chúng, hết thảy không ngại

Nguyện đem công đức này,

Hướng về khắp tất cả,

Đệ tử và chúng sanh,

Đều trọn thành Phật Đạo.

          Đến đây Lễ Khai kinh, thượng Phan, thượng Kỳ kết thúc. Sau khi nghi lễ kết thúc các bài sớ được hóa đi.

b) Lễ rước ánh sáng

 Lễ rước ánh sáng gọi là Lễ rước đuốc. Nghi lễ này được tổ chức vào tối ngày 18/2 âm lịch. Tùy theo quy mô tổ chức hằng năm mà nghi thức lễ rước có thể lồng vào trong lễ rước kiệu hóa trang Quan Âm và đi qua các cung đường dẫn đến bờ sông Cổ Cò để thả hoa đăng.

Đoàn rước lên đến hàng trăm người, đi thành hàng đôi, ở giữa là kiệu, dàn rước hoa, dàn nhạc, đội lân - sư tử - rồng và các hóa trang khác. Người tham gia là Chư Tăng, Phật tử, Đạo Tràng và Thập phương Thiện tín và có cả xe hoa. Từng đoàn, từng đơn vị rước kiệu, trống chiêng, múa lân, ánh đuốc bập bùng diễn hành qua các con đường, hàng hàng lớp lớp người hòa nhập cùng đoàn rước kiệu, ánh đuốc lung linh, tiếng trống rền vang như làm chuyển động cảnh vật núi non ngũ hành.

Theo đạo Phật, ánh sáng tượng trưng cho trí tuệ thông minh và sáng suốt. Trí tuệ sáng thì tấm lòng lương thiện, đạo đức trong sáng, luôn hướng về điều thiện. Còn thông minh và sáng suốt thì nhanh chống tiếp thu và cải tạo được những điều mới mẻ, tốt đẹp, “ích nước lợi nhà”. Từ bi tức là tình thương. Từ bi mà không được trí tuệ soi sáng thì từ bi sẽ lầm lạc, mê mờ.

Vì thế, mục đích và ý nghĩa của Lễ rước ánh sáng là để cầu mong ánh sáng soi đường cho chúng sinh, trí tuệ sáng thì tấm lòng, đạo đức trong sáng, sẽ làm nhiều việc thiện.

 c) Lễ thuyết giảng đạo pháp Quán Thế Âm và dân tộc

Nghi lễ này được tổ chức xuyên suốt trong thời gian 3 ngày của Lễ hội, nhưng tổ chức quy mô nhất là vào tối ngày 18 và chiều ngày 19/2 âm lịch.

Đối tượng tham dự pháp đàn, ngoại trừ các đạo tràng tại lễ hội, còn có sự tham dự của Phật tử và Thập phương Thiện tín, từ già đến trẻ và không phân biệt giới tính, con số lên đến hàng chục nghìn người, tất cả đều có thể tham dự, lắng nghe.

Tùy theo sự kiện của mỗi năm, Ban tổ chức Lễ hội Quán Thế Âm mời các vị Chư tôn - Giáo phẩm trong Hội đồng Trung ương Giáo hội Phật Giáo Việt Nam hoặc là các vị Chư Tôn Đức trụ trì có phẩm hạnh và uy lực ở các chùa trên toàn quốc về tham dự Lễ hội và thuyết giảng đạo pháp. Tất cả các buổi thuyết giảng đều xuất phát từ đạo hạnh tu học của các vị Chư Tôn Đức diễn thuyết qua các đề tài thuyết pháp, hoàn toàn không có một giáo trình nào soạn thảo trước. Tại Lễ hội Quán Thế Âm 19/2, Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng qua nhiều năm tổ chức đã có nhiều Phật giáo các nước đến tham dự lễ và trực tiếp tham gia thuyết giảng thông qua phiên dịch.

Nội dung bài thuyết giảng: về giáo lý Phật giáo; hoặc ngợi ca lòng từ bi bác ái, hạnh nguyện, sự linh ứng của Đức Phật Bồ Tát Quán Thế Âm; hoặc là chia sẽ những lời Phật dạy về những tổn thất về tinh thần và vật chất mà chúng ta thường gặp trong đời sống hằng ngày... Sau buổi thuyết giảng là chương trình Pháp đàn trì niệm kinh chú cho những người hiện diện trong đêm lễ hội. Tại buổi thuyết giảng, Phật tử được biết đến những oai nghi như: cách chắp tay, lễ lạy, phương pháp niệm Phật cho những Phật tử lần đầu tham dự khóa tu.

Thông qua chương trình thuyết giảng đạo pháp, Phật tử, du khách trong và ngoài thành phố Đà Nẵng có những thông điệp sâu sắc về tình thương yêu, ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng. Khuyên con người hãy sống với trái tim của Bồ Tát để thấy được nổi khổ của chúng sinh, nổi khổ của cuộc đời, đừng sống hời hợt chỉ biết có một mình. Và ai có thể lắng nghe được nổi khổ của chúng sinh, tức đang tu theo hạnh nguyện của Bồ Tát Quán Thế Âm, là sống với tâm hồn vô ngã vị tha, là thể hiện tiếng nói hòa bình, tiếng nói yêu thương nhân loại.

* Chương trình Pháp đàn và thuyết giảng đạo pháp theo trình tự:

          - Trước khi vào chương trình thuyết giảng, để ổn định đạo tràng là chương trình văn nghệ ca múa nhạc nghệ thuật sự phối hợp của chúng Hải Triều Âm chùa Quán Thế Âm và phối hợp của các đoàn văn nghệ sĩ Phật giáo thành phố biểu diễn (chương trình này diễn ra trong thời gian một tiếng đồng hồ trước giờ thuyết pháp)

         - Nghi thức

          + Cử chuông trống Bát Nhã.

          + Cung thỉnh Chư Tôn Đức giảng sư thăng tòa thuyết pháp.

          + Niệm Phật cầu gia hộ.

          + Giới thiệu Chư Tôn Đức giảng sư cùng tăng đoàn tham dự.

          + Giới thiệu các vị Chư Tôn Đức có mặt tham dự.

          + Đại diện Ban tổ chức lên dâng hoa.

          (Chương trình này diễn ra trong thời gian 15 phút).

          - Chương trình Thuyết giảng chính thức, theo từng chủ đề Phật giáo của từng năm, thời gian khoảng 2 tiếng đồng hồ, nhưng tùy thuộc vào diễn giả có thể tăng hoặc giảm.

          - Chương trình khai mạc Pháp đàn:

          + Tuyên bố lý do và khai mạc Pháp đàn.

          + Cử nhạc xưng tán A Di Đà.

          + Xướng niệm danh hiệu Phật - Bồ Tát.

          + Trì niệm Hồng danh Quán Thế Âm và trì tụng thần chú Lục Tự Đại Minh.

          + Cử nhạc Quan Âm Linh Cảm.

          + Niệm danh hiệu Quan Âm - niệm thần chú Lục Tự Đại Minh.

          + Hồi hướng - cảm tạ và chỉnh Chư Tôn Đức hồi nghệ.

d) Chính lễ - Lễ Vía Đức Phật Quán Thế Âm

Đây là nghi lễ chính thức, được tổ chức vào ngày 19/2 âm lịch, nhằm ngày khánh đản (ngày sinh) của Đức Phật Quán Thế Âm. Nghi lễ này được xem là linh hồn của Lễ hội Quán Thế Âm.

Ngày lễ chính thức này được tổ chức long trọng, thu hút hàng chục vạn đồng bào các giới, trong đó Phật tử và Đạo Tràng cùng thập phương thiện tín quy tụ về pháp đàn của Ngài để chiêm bái và cầu nguyện. Ban tổ chức mời tất cả các Chư Tôn Giáo Phẩm từ Trung ương Giáo Hội Phật giáo Việt Nam và các địa phương trong cả nước, cùng các quan chức lãnh đạo chính quyền, các sở ban ngành về tham dự.

Từ sáng tinh mơ, từng đoàn người từ khắp các ngả đường đổ về Khu Di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn dự hội.

Trước lễ đài, cờ hoa rực rỡ, tràn ngập người tham dự lễ hội, nghiêm trang tề chỉnh, thành kính hướng về lễ đài, nơi tôn trí tôn tượng Đức Phật Quán Thế Âm. Các Chư vị giáo phẩm Phật giáo, trong lễ phục màu vàng, cùng quý vị đại biểu và quan khách, theo sau đội lễ nhạc, đội rước kiệu tiến lên lễ đài để trang trọng cử hành trọng thể nghi lễ chính thức Lễ hội.

Nghi lễ được tổ chức bắt đầu từ 7 giờ sáng ngày 19/2 âm lịch, các Chư vị giáo phẩm Phật giáo và Phật tử chùa Quán Thế Âm thực hiện nghi lễ theo nghi thức tôn giáo Phật giáo. Nghi thức được tiến hành như sau:

Đúng giờ quy định, âm nhạc Phật giáo bắt đầu vang lên chuẩn bị khai đàn (âm nhạc gồm chuông trống Bát Nhã và nhạc lễ cung đình của Phật giáo).

Chủ lễ thực hiện nghi lễ này là vị Hòa thượng có chức danh lớn nhất trong Giáo Hội Phật giáo Việt Nam được mời về để chủ trì nghi lễ. Đầu tiên, vị chủ lễ đăng điện đảnh lễ cung thỉnh các chư vị thiện thần hộ đàn và dâng lễ. Chủ lễ bắt đầu niệm hương và dâng hương - tác lễ lên Đức Phật Quán Thế Âm. Lời kinh cầu nguyện bắt đầu vang lên tưởng niệm ân đức của Đức Phật Quán Thế Âm, nhằm nguyện cầu quốc thái dân an, chúng sanh an lạc. Tiếng kinh cầu trầm bổng hòa vào khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ của sông núi, một nguồn cảm xúc vô biên, một giai điệu cộng hưởng của hàng vạn tâm hồn cùng nhau chan hòa vào không gian ngày hội và như thấm vào các ngọn núi thiêng liêng.

Sau đây, giới thiệu nghi thức tụng kinh niệm Phật tại lễ Vía Đức Phật Quán Thế Âm:

1 tiếng chuông vang lên,

Chủ lễ cùng các vị Hòa thượng tay cầm hương bước lên trước bàn thờ thánh tượng Đức Phật Quán Thế Âm, thành kính đảnh lễ, rồi nghe theo lời vị chủ xướng lễ đọc bài Niệm hương:

+ Niệm hương bạch Phật.

           Giới hương, định hương, dữ huệ hương,

           Giải thoát, giải thoát tri kiến hương,

           Quang minh vân đài biến pháp giới,

           Cúng dường Thập-phương Tam-Bảo tiền.

           Nam-mô Hương-Cúng-Dường Bồ-Tát (cúi đầu lạy 1 lạy).

           Nam-mô Hương-Cúng-Dường Bồ-Tát (cúi đầu lạy 1 lạy).

           Nam-mô Hương-Cúng-Dường Bồ-Tát Ma-ha-tát (cúi đầu lạy 1 lạy).

        (Đánh một tiếng chuông, cắm hương lên trước bàn thờ thánh tượng Bồ Tát Quán Thế Âm).

         Tiếp đến, vị xướng lễ tiếp tục xướng bài tán Phật, vị chủ lễ và các vị Hòa thượng, Thượng tọa vẫn thực hiện nghi thức chấp tay cúi lạy:

           + Tán Phật:

           Cung văn Viên Thông giáo chủ.

           Mãn nguyệt kim dung.

           Thị Di Đà ư Cực Lạc Quốc trung.

           Trợ Thích Ca ư Ta Bà giới nội.

           Xử thiên diệp hồng liên chi tòa.

           Cư chúng bửu lưu ly chi xứ.

           Quá khứ chánh Pháp Minh.

           Hiện tiền Quán Tự Tại.

           Tam thập nhị ứng, quảng độ quần sanh.

           Thất nạn nhị cầu, đa phương tiếp vật.

            Thù thắng diệu lực nam cùng.

(Một tiếng chuông, chấp tay, cúi đầu lạy 1 lạy)

          + Lễ Phật:

          - Chí tâm đảnh lễ:  Đại từ đại bi. Tầm thanh cứu khổ cứu nạn linh cảm ứng Quán Thế Âm Bồ Tát.(sau tiếng chuông, cúi đầu lạy 1 lạy)

          - Chí tâm đảnh lễ:  Đại từ đại bi. Tầm thanh cứu khổ cứu nạn linh cảm ứng Quán Thế Âm Bồ Tát.(sau tiếng chuông, cúi đầu lạy 1 lạy)

          - Chí tâm đảnh lễ: Chí tâm đảnh lễ:  Đại từ đại bi. Tầm thanh cứu khổ cứu nạn linh cảm ứng Quán Thế Âm Bồ Tát.(sau tiếng chuông, cúi đầu lạy 1 lạy)

Đến đây chuyển qua phần tụng kinh “Tụng Khể Thủ Quan Âm”

         Sau ba tiếng mõ, 3 tiếng chuông, đồng thanh tụng:

+ Tụng Khể Thủ Quan Âm

         Kính lễ Đức Quán Thế Âm

         Lòng thương tướng tốt thậm thâm tuyệt vời

         Ngàn tay dìu dắt mọi nơi

         Ngàn mắt soi sáng đất trời bao la

         Tuyên lời bí mật Đà - La

         Khởi lòng bi nguyện thiết tha dường nào

         Bao nhiêu cầu nguyện ước ao

         Khiến đều linh ứng xiết bao thỏa lòng

         Nguyện cho tội nghiệp sạch trong

         Thánh thần cùng với Thiên long độ trì

         Huân tu ngàn khắp La - Ni

         Thân tâm dõng mãnh thọ trì tinh chuyên

         Thần tông ánh sáng vô biên

         Trần ai rủ sạch tây thiên đi về

         Lạc bang chốn ấy là quê

         Chóng thành quả thánh bồ đề tối cao

         Phương tiện là cửa đi vào

         Quy y con nguyện nêu cao đạo mầu

         Bao lời nguyện cầu bấy lâu

         Thảy đều thành tựu cúi đầu đội ơn

         Nam mô cứu khổ Quán Âm

         Cho con nguyện được những điều sau đây

          Thảy các pháp cho con biết rõ

         Trí tuệ quang rạng tỏ bừng khơi

         Trăm nghìn phương tiện truyền khai

         Tùy cơ ứng biến khắp nơi mọi loài

         Thuyền bát nhã ung dung rẽ sóng

         Vượt sông mê khổ thống trầm luân

         Con dùng giới định nghiêm thân

         Diệt trừ si ám bằng luồng tuệ quang

         Niết bàn cảnh giới con mong đến

         Hết khổ đau mãi mãi yên vui

         Nếu con vào chốn núi đao

         Núi đao đổ nát biến thành bảo lâm

         Nếu con vào chốn lửa hồng

         Lửa hồng tắt hết nhuộm nhuần thanh lương

         Nếu con đến ngục A Tỳ

         Bao nhiêu sầu khổ tức thì tự tiêu

         Nếu loài ngạ quỷ con vào

         Xan tham bỏ hết ấm no đời đời

         Nếu con vào chốn Tu La

         Lòng sân tan biến thiện tâm phát liền

         Nếu con đến cõi súc sanh

         Ngu si liền diệt, trí quang hiển bày

         Những điều tâm nguyện trên đây

        Cầu xin từ mẫn mật thùy chứng tri.

        Nam mô đại bi Quán Thế Âm Bồ tát

        Nam mô phật Mẫu Đại Đế Vương Bồ tát

        Nam mô phật Đạo Tràng Hội Thượng Phật Bồ tát.

         Nguyện ngày an lành, đem an lành,

         Đêm ngày sáu thời thường an lành,

         Tất cả các thời đều an lành,

         Xin nguyện từ bi thường gia hộ.

         Nam Mô Tiêu Tai Giáng Cát Tường Bồ Tát Ma Ha Tát (3 lần).

+ Phục nguyện: (vị chủ xướng xướng)

         Thượng chúc Phật nhật Tăng huy,

         Pháp luân thường chuyển,

         Phong điều vũ thuận

         Quốc thái dân an

         Thế giới hòa bình,

         Chúng sinh an lạc.

+ Hồi Hướng: (đồng thanh tụng)

           Tự quy y Phật, xin nguyện chúng sanh, thể theo đạo cả, phát lòng vô thượng.

            Tự quy y Pháp, xin nguyện chúng sanh, thấu rõ kinh tạng, trí huệ như biển.

            Tự quy y Tăng, xin nguyện chúng sanh, thống lý đại chúng, hết thảy không ngại

Nguyện đem công đức này,

Hướng về khắp tất cả,

Đệ tử và chúng sanh,

Đều trọn thành Phật Đạo.

           Đến đây kết thúc phần nghi thức Lễ khánh đản Đức Phật Quán Thế Âm.

Chương trình được tiếp nối với lễ rước tôn tượng và lễ hóa trang Bồ Tát Quán Thế Âm và các hóa trang khác theo các chủ đề văn hóa của các đoàn thể, đơn vị diễu hành qua lễ đài trong âm nhạc và lời của các bài hát lễ hội ca theo nghi thức Phật giáo. Theo sau đó, mọi người lần lượt lên lễ đài chiêm bái hình ảnh đức Quán Thế Âm, cầu nguyện những điều tốt đẹp, hạnh phúc trong giờ khắc linh thiêng nhiệm màu của không khí ngày lễ hội.

e) Lễ rước tôn tượng Đức Phật Quán Thế Âm

Lễ rước tôn tượng Đức phật Quán Thế Âm - một trong những nghi lễ Phật giáo quan trọng không thể thiếu tại Lễ hội hằng năm. Nghi lễ tổ chức vào khoảng 9 giờ ngày 19/2 (âm lịch), diễn ra sau nghi lễ chính thức - lễ Vía Đức Phật Quán Thế Âm. Nghi lễ rước tôn tượng Đức Phật Quán Thế Âm diễn ra long trọng, trang nghiêm, thu hút hàng vạn đồng bào phật tử và người dân tham gia.

Nghi lễ thể hiện lòng tôn kính của đồng bào phật tử hướng về Đức Phật Quán Thế Âm trong ngày khánh đản của Ngài. Tôn tượng của Ngài được rước đi trong lễ hội như một ước mơ, khát vọng muôn đời của nhân loại, mong được thoát khỏi khổ đau bằng tinh thần “nghe tiếng kêu khổ đau của cuộc đời liền đến cứu”. Khát vọng đó tạo nên một tín ngưỡng Quán Âm mang tinh thần Phật giáo đi vào cuộc đời để xoa dịu niềm đau thương mất mát mà con người đang gánh chịu, nên Phật tử Việt Nam quen gọi Ngài là “Mẹ Quan Âm”.

Nghi lễ rước như sau:

Tượng Phật Quán Thế Âm được đặt trong kiệu. Kiệu bằng sắt, sơn son thếp vàng, trang trí đẹp, được thiết kế 3 tầng giống như ngọn tháp ở các chùa. Tượng Đức Phật Quán Thế Âm được đặt ở tầng trên cao, an tọa trên một đài hoa sen, có bốn người khiêng kiệu, chủ yếu là các nam phật tử, trang phục áo dài khăn đóng.

Nghi thức rước, đi đầu đoàn rước là đội múa Lân, với những con Lân to đủ các sắc màu. Tiếp nối là đội kèn, trống trong trang phục màu trắng, đầu đội mũ lễ phục. Tiếp đến là kiệu rước tượng Đức Phật Quán Thế Âm. Đi sau đội rước kiệu Đức Phật Quán Thế Âm là các vị Bồ Tát do các thiếu nữ hóa trang, các vị Tiểu đồng, Tiên nữ, Tử Thiên Vương …theo hầu. Tiếp sau nữa là đồng bào Phật tử và khách hành hương, cầm hoa đi theo từng hàng rất thứ tự. Hai bên là cờ, lọng màu vàng và đội múa rồng với hai con rồng màu vàng bằng vải rất lớn, dài hàng chục mét.

Kiệu rước tôn tượng Đức Phật Quán Thế Âm được rước bắt đầu từ trong động Quan Âm ở núi Kim Sơn đi ra đường Sư Vạn Hạnh, rồi từ đường Sư Vạn Hạnh rước lên chùa Quán Thế Âm để làm lễ theo nghi lễ Phật giáo. Sau khi thực hiện xong các nghi lễ ở chùa, kiệu được khiêng từ chùa xuống chiếc thuyền đậu trên Sông Cầu Biện (nhánh của sông Cổ Cò) và chạy vòng quanh sông Cổ Cò, nhằm cầu nguyện cho đồng bào, chúng sinh đi biển, đi làm ăn trên sông nước được thuận lợi, bình an.

g) Lễ hóa trang Bồ Tát Quán Thế Âm

Đặc biệt, song hành với nghi lễ rước tôn tượng Đức Phật Quán Thế Âm còn có nghi lễ hóa trang tái hiện hình tượng Bồ Tát Quán Thế Âm. Để hóa trang tái hiện hình tượng Bồ Tát Quán Thế Âm, mỗi năm nhà chùa sẽ chọn một trong 32 ứng hóa của Bồ Tát Quán Thế Âm để hóa thân. Chẳng hạn, hóa trang tái hiện thành Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn, Thập nhất diện Quan Âm, Quán Âm Thiện Tài Đồng Tử, Bạch Y Quan Âm, Quán Âm Tống Tử, Quán Âm Nam Hải…

Phật tử được chọn để hóa trang và hóa thân thành Bồ Tát Quán Thế Âm là một nữ phật tử với gương mặt đoan trang, phúc hậu, có học vấn, văn hóa, phẩm chất đạo đức tốt, là con của gia đình phật tử thuần thành và nữ phật tử đó phải thường xuyên đến chùa. Trước khi lễ hội diễn ra, khoảng 6 đến 8 tháng nữ phật tử này được vị trụ trì chùa Quán Thế Âm giảng dạy về hạnh nguyện của Quán Thế Âm Bồ Tát, tập ngồi thiền, tập từng bước đi, cử chỉ, tính trang nghiêm của hình tướng Quán Thế Âm và thực hiện ăn chay 3 tháng trước khi nhập vai. Đồng thời, chọn may trang phục phù hợp theo ý nghĩa hóa trang.

Hình dáng và khuôn mặt của thiếu nữ sau khi được hóa trang giống y như Quán Thế Âm Bồ Tát. Thân mặc y phục màu trắng ngà, đầu búi tóc, đội mão hoa, trên đỉnh đầu choàng khăn màu trắng - màu trắng biểu ý thanh tịnh và tâm Bồ đề. Tướng mạo từ bi nhu hòa. Cổ đeo anh lạc. Ngự tọa trên đài sen. Quanh thân có hào quang thanh tịnh. Bi nhãn (mắt) luôn nhìn chúng sanh. Một tay cầm nhành Dương Liễu mềm mại - biểu trưng cho đức tướng ôn hòa nhẫn nhục, từ bi, tay kia cầm bình Cam Lồ mát mẽ - tượng trưng cho sự ban vui, cứu khổ.

Như vậy, từ sự hóa thân này, với mong muốn tái hiện lại hình tượng Bồ Tát Quán Thế Âm tại Lễ hội. Một mặt, để cho chúng sinh có dịp được chiêm ngưỡng sự đức độ, từ bi của Ngài, mặt khác muốn nói lên rằng Ngài là vị Bồ Tát luôn đồng hành với chúng sanh mọi lúc mọi nơi, đặc biệt luôn đem hạnh nguyện từ bi, ban vui cứu khổ của mình tỏa khắp nhân loại. Nơi nào có đau thương tang tóc, nơi đó có bóng dáng của Bồ tát Quán Thế Âm, nơi nào có tiếng nguyện cầu kêu cứu, nơi ấy có Bồ Tát tầm thinh cứu khổ.

Ngoài việc hóa trang Quán Thế Âm Bồ Tát, tại Lễ hội còn có những hóa trang thành các Tiểu đồng, các vị Bồ Tát khác và các Tiên nữ cùng Tứ Thiên Vương theo hầu, đều do gia đình Phật tử chùa Quán Thế Âm thực hiện.

h) Lễ tạ pháp đàn hoa đăng

Nghi lễ này là nghi lễ Phật giáo cuối cùng tại Lễ hội Quán Thế Âm. Do các chúng Đạo Tràng chùa Quán Thế Âm thực hiện vào lúc 20h30 ngày 19/2 âm lịch, theo nghi thức phật giáo. Nghi lễ này là lễ cúng tạ sơn thủy, thổ thần và các thần linh đã phù hộ độ trì cho lễ hội thành công. Sau khi cúng tạ xong, những ngọn nến lồng vào hoa sen được thả xuống dòng sông. Ánh sáng hoa đăng huyền ảo, rực rỡ sắc màu thắp sáng cả dòng sông như nhắn gửi lời cầu nguyện cho ánh sáng trí tuệ được trường tồn như dòng nước

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT