Các nghi lễ truyền thống dân gian của địa phương được tổ chức đan xen cùng với các nghi lễ Phật giáo tại Lễ hội
Đăng ngày 12-03-2021 09:53, Lượt xem: 533

Các nghi lễ truyền thống dân gian của địa phương được tổ chức đan xen cùng với các nghi lễ Phật giáo tại Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn gồm Lễ dâng hương tưởng niệm tại miếu thờ Huyền Trân công chúa và Lễ tế Xuân và Lễ tế Thạch Nghệ Tổ Sư nghề đá Non Nước.

a) Lễ dâng hương tưởng niệm tại miếu thờ Huyền Trân công chúa

Miếu thờ Huyền Trân công chúa tọa lạc tại núi Kim Sơn thuộc Khu Di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn. Hằng năm, cứ vào dịp tổ chức Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn, cộng đồng cư dân và chính quyền địa phương làm lễ dâng hương tưởng niệm bà theo nghi thức dân gian truyền thống (tế phúc thần và các bậc khai canh công thần tại vùng đất Ngũ Hành Sơn). Nghi lễ diễn ra vào lúc 15 giờ ngày 17/2 âm lịch, nhằm tri ân công đức của Huyền Trân công chúa, người có công mở mang bờ cõi đất nước Đại Việt về phía Nam. Công chúa sau khi kết hôn với vua Chế Mân (Chăm Pa) thì nước Đại Việt đã được vua Chế Mân tặng quà sính lễ là hai châu Ô - châu Lý mà hiện nay là đất Thuận Hóa - Phú Xuân, trong đó có vùng đất Ngũ Hành Sơn thành phố Đà Nẵng.

Đây là hoạt động có ý nghĩa, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và tri ân các bậc tiền nhân có công mở mang bờ cõi. Sau khi thực hiện xong nghi lễ dâng hương tưởng niệm tại miếu thờ Huyền Trân công chúa, đoàn rước về tại chùa Quán Thế Âm để thực hành nghi lễ tế Xuân và Lễ tế Thạch Nghệ Tổ Sư nghề đá Non Nước.

b) Lễ tế Xuân và Lễ tế Thạch Nghệ Tổ Sư nghề đá Non Nước

Lễ tế Xuân: đây là lễ cúng sơn thủy, thổ thần, được tổ chức vào lúc 16h30, ngày 17/2 âm lịch tại chùa Quán Thế Âm - nơi diễn ra lễ hội Quán Thế Âm hàng năm, do cộng đồng nhân dân các phường Hòa Hải, Hòa Qúy, Khuê Mỹ, Mỹ An… quận Ngũ Hành Sơn thực hiện. Nghi lễ này, nhằm nguyện cầu cho quốc thái dân an - thế giới hòa bình - chúng sinh an lạc. Nội dung và hình thức lễ cúng giống như các lễ “Xuân kỳ, Thu tế” tại các lễ hội đình làng trên địa bàn thành phố.

Khi tiếng chiêng trống khai hội hùng tráng vang lên báo hiệu cho mọi người biết ngày hội Quán Thế Âm bắt đầu, các vị bô lão khăn áo chỉnh tề, trang nghiêm thành kính tiến hành nghi lễ. Từng lời văn tế được xướng lên để bố cáo với trời đất, thần hoàng bổn xứ, nguyện cầu quốc thái dân an, thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc.

Sau khi làm lễ tế xong, các bô lão tay cầm cờ, lọng, đuốc, lồng đèn, có đội nhạc cổ và chiêng trống dẫn đầu đoàn rước xuống sông Cổ Cò để mở hội hoa đăng, rồi từ chùa Quán Thế Âm theo đường Sư Vạn Hạnh đi quanh các khu phố xuống đường Huyền Trân công chúa, qua làng đá mỹ nghệ Non Nước, xuống khu du lịch Non Nước, với lộ trình dài hơn 2km, rồi trở về lại lễ đài nơi tổ chức lễ hội.

Lễ tế Thạch Nghệ Tổ Sư nghề đá Non Nước được tổ chức sau khi thực hiện xong Lễ tế Xuân, đoàn rước di chuyển về tại Nhà thờ tổ nghề đá, nằm ngay dưới chân núi Mộc Sơn (thuộc Khu Di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn) để thực hành nghi lễ. Nghi lễ được thực hiện theo nghi thức truyền thống của địa phương , nhằm tưởng nhớ, tri ân ông Tổ nghề điêu khắc đá đã sáng lập và gìn giữ nghề thủ công truyền thống tại vùng đất Ngũ Hành Sơn. Làng nghề đá Non Nước gắn liền với danh thắng Ngũ Hành Sơn, với lễ hội Quán Thế Âm - thu hút hàng vạn du khách đến dự vào dịp tổ chức Lễ hội hàng năm.

Như vậy, bên cạnh các nghi lễ theo nghi thức Phật giáo, các nghi lễ truyền thống dân gian của địa phương được tổ chức đan xen góp phần tôn thêm giá trị của Lễ hội vừa mang yếu tố tâm linh, tín ngưỡng của Phật giáo vừa mang tính cộng đồng và đậm nét văn hóa truyền thống dân tộc. Hơn thế nữa, lễ hội Quán Thế Âm lại gắn với cảnh quan thiên nhiên, không gian chùa chiền, di tích lịch sử - văn hóa trong quần thể Di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn đã tạo nên chất keo kết nối yêu thương và sự gắn kết cộng đồng, đây cũng là dịp để mọi người con Phật cũng như đồng bào trên cả nước cùng hướng về một thế giới hòa bình, hạnh phúc và an lạc.

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT