Một số hoạt động tiêu biểu của phần hội
Đăng ngày 12-03-2021 09:52, Lượt xem: 45

Phần hội có các hoạt động tiêu biểu như: Tổ chức các hội thi và triển lãm tranh, ảnh, thư pháp, thư họa, cổ vật…tại lễ hội; Hoạt động sinh hoạt hội trại, ẩm thực chay, trà đạo…; Diễn xướng nghệ thuật Bài Chòi; Các trò chơi dân gian; Giao lưu văn hóa Phật giáo với các nước trong khu vực; Ra mắt Đặc san Diệu âm; Mở cửa tham quan Bảo tàng Văn hóa Phật giáo.

a) Tổ chức các hội thi và triển lãm tranh, ảnh, thư pháp, thư họa, cổ vật…tại lễ hội:

- Thi viết, vẽ và triển lãm tranh ảnh, thư pháp, thư họa, cổ vật …theo chủ đề của từng năm. Tổ chức xuyên suốt 3 ngày, bắt đầu từ ngày 17/2 đến ngày 19/2 âm lịch, với những nét cọ đại bi, hùng lực của những tâm hồn thiết tha dâng lên Mẹ Quan Âm trong mùa Lễ hội Quán Thế Âm của các họa sĩ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Nhiều tác phẩm đặc sắc và có giá trị nghệ thuật cao. Đặc biệt, tại Lễ hội hằng năm đều có những tác phẩm dự thi vẽ tranh ảnh, thư pháp trên giấy, trên vải, trên đá… xác lập kỷ lục có một không hai, chẳng hạn như:

+ Năm 2007, có ba kỷ lục đã được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam chính thức công bố và trao giấy xác lập ba kỷ lục cho chùa Quán Thế Âm tại Lễ hội.

 Thứ nhất: Quyển tranh về Bồ Tát Quán Thế Âm lớn nhất Việt Nam:

Quyển tranh có diện tích 100m2 in trên nhựa hiflex dầy, dựng bằng khung sắt, chiều dài khoảng 40m, kích thước cao 2,551m và chiều ngang 2,07m, gồm 19 trang với 84 hình vẽ về các hiện thân Bồ Tát Quán Thế Âm và ý nghĩa của các hình tượng ngài hóa thân của Ngài được trưng bày trong dịp lễ hội Quán Thế Âm.

Thứ hai: Bức phướn nhà Phật dài nhất Việt Nam:

 Bức phướn dài 100m, rộng 1,2m, làm bằng vải màu vàng, do Thượng tọa Thích Huệ Vinh cùng các vị Tăng Ni, Phật tử chùa Quán Thế Âm thực hiện. Bức phướn có trên 300 chữ Hán có nội dung: phụng thỉnh chư Phật, Bồ tát, thần thánh, thập loại cô hồn chúng sinh về dự Lễ hội Quán Thế Âm. Bức phướn được xem như một loại giấy mời dự hội của nhà Phật, được thả dài từ đỉnh đến chân núi Kim Sơn.

 Thứ ba: Bức thư pháp cầu quốc thái dân an lớn nhất Việt Nam:

Bức thư pháp do 14 nhà thư pháp ở Huế, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh thực hiện tại lễ hội, được làm bằng vải màu vàng đất dài 38m, rộng 1,8m (diện tích 68,4m2), trên có 14 đại tự (mỗi đại tự có kích thước 1,6m x 1,4m) viết theo kiểu thư pháp mực tàu màu đen với nội dung: “Nguyện cầu quốc thái dân an - thế giới hòa bình - chúng sanh an lạc”. Sau khi viết xong và đóng triện đỏ, bức thư pháp được thả bay lên trời ở độ cao 50m, nhờ một hệ thống 6 đến 8 qủa khinh khí cầu (có đường kính 2,8m) có tên gọi “Cam Lồ Pháp Vũ”.

+ Năm 2008, tại lễ hội Quán Thế Âm, đã tổ chức cuộc thi điêu khắc đá Non Nước do các nghệ nhân làng nghề điêu khắc đá Ngũ Hành Sơn thực hiện; tổ chức triển lãm giới thiệu với công chúng nhiều tác phẩm tranh ảnh nghệ thuật, trong đó có hai tác phẩm: “Bức tranh Ngũ Cốc” có kích thước 14 x 2,8m thực hiện bằng 200 kg ngũ cốc các loại với ý nguyện cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, đất nước phồn vinh và “tấm thiệp chúc mừng Tết Mậu Tý 2008” (hai mặt) lớn nhất từ trước đến nay (8m x 5m).

+ Năm 2009, có hai kỷ lục được xác lập tại Lễ hội là:

Kỷ lục 1: Bức tranh bằng các loại vỏ lon phế liệu, cao 2,5m, dài 6m được tạo hình chủ đề: “Thành phố Đà Nẵng, môi trường thân thiện xanh, sạch, đẹp”.

Kỷ lục 2: Tổ chức vẽ và triển lãm thư pháp, thư họa có chủ đề: “Thập Mục Ngưu Đồ” (Thư họa 10 tranh thiền chăn trâu), bằng chất liệu vải bố và mực xạ của 10 nhà thư pháp tại thành phố Đà Nẵng và các tỉnh, thành thực hiện cùng một lúc trong vòng 20 phút, nhanh nhất từ trước tới nay. Mỗi nhà thư pháp vẽ một bức tranh có kích thước là 1m x 1m, sau khi hoàn thành ghép lại thành một bức tranh có tổng thể chiều dài 10m, cao 1m.

+ Năm 2015, với màn trình diễn vẽ tại chỗ bức tranh chủ đề “Bách Liên Ngũ Hành khai hội” do 9 họa sĩ là tu sĩ Phật giáo thuộc CLB mỹ thuật Phật giáo và Trung tâm Mỹ thuật Phật giáo phối hợp biểu diễn. Kích thước: 9m x 2,5m. Hình tượng hoa sen và núi ngũ hành trong bức tranh được các họa sỹ, tu sỹ phác họa gửi gắm lời nguyện cầu: thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc, quốc gia hưng thịnh, nhân dân ấm no, hạnh phúc, Phật pháp trường tồn, tăng già hòa hợp.

+ Năm 2018, Bảo tàng Văn hóa Phật giáo được tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) đã trao bằng xác lập kỷ lục “Bảo tàng Văn hóa Phật giáo đầu tiên tại Việt Nam” và lá cờ Phật giáo (đại kỳ) lớn nhất Việt Nam cho chùa Quán Thế Âm, Ngũ Hành Sơn.

 + Năm 2019, tổ chức triển lãm nghệ thuật thư pháp trên đá; triển lãm cổ vật về danh thắng Ngũ Hành Sơn và Chăm-pa; triển lãm tranh, ảnh du lịch và danh thắng Ngũ Hành Sơn; công bố Kỷ lục Việt Nam đối với Tượng Ngọc Nephrite Quán Thế Âm tư thế ngồi lớn nhất Việt Nam cho chùa Quán Thế Âm. Đây được xem là pho tượng “song sinh” với pho tượng "Phật Ngọc Hòa bình thế giới", được chế tác từ khối ngọc nặng 18 tấn, khai thác vào năm 2000.

b) Hoạt động sinh hoạt hội trại, ẩm thực chay, trà đạo…:

Tại lễ hội Quán Thế Âm có một hoạt động năm nào cũng diễn ra, đó là Chương trình Hội trại xuyên suốt 3 ngày, của các vị đạo hữu, phật tử, đạo tràng tu học của chùa Quán Thế Âm và các chùa trên địa bàn thành phố thực hiện. Mỗi trại đều được trang trí đẹp và có cổng chào, có chương trình sinh hoạt và giao lưu với nhau, tạo nên một sinh hoạt văn hóa Phật giáo đặc trưng tuyệt vời trong các ngày Lễ hội. Ngoài ra, còn có khu trại khá quy mô đa dạng phong phú của các Gia đình phật tử - một tổ chức đoàn thể thuộc lứa tuổi thanh thiếu niên Phật giáo. Hàng ngàn trại sinh trên 50 đơn vị của tổ chức Gia đình phật tử tại thành phố Đà Nẵng với đồng phục màu lam, về cắm trại để tham gia lễ hội với nhiều tiết mục và bộ môn nghệ thuật của tuổi trẻ, góp phần vào ngày hội hết sức sinh động tươi vui. Tiêu biểu là những tiết mục văn nghệ lửa trại của các đơn vị, gia đình phật tử, ánh lửa bập bùng nối vòng tay lớn, làm ấm áp cả không gian sông núi, rộn ràng niềm vui tuổi trẻ.

Bên cạnh đó còn có các gian hàng ẩm thực chay, cắm hoa nghệ thuật, trà đạo… mang nhiều ý nghĩa rất nhân văn.

c) Diễn xướng nghệ thuật Bài Chòi:

Tại lễ hội Quán Thế Âm hằng năm, Bài Chòi là một sinh hoạt văn hóa truyền thống không thể thiếu. Do các Câu lạc bộ Bài Chòi trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tổ chức biểu diễn đã thu hút mọi đối tượng thưởng thức trong các giới. Chủ đề các câu thai hô/hát Bài Chòi ca ngợi các chủ trương của thành phố và chào mừng lễ hội. Bên cạnh đó, các nghệ sỹ của Nhà hát Tuồng trên địa bàn thành phố tổ chức biểu diễn các sự tích liên quan đến Bồ Tát Quán Thế Âm và hát mừng lễ hội.

e) Các trò chơi dân gian:

- Hội cờ làng: với trò chơi đánh cờ tướng bằng người, diễn ra trong 2 ngày 17 và 18/2 âm lịch tại lễ hội, thành phần gồm nhân dân địa phương các phường trên địa bàn quận và du khách tham dự.

Tham gia hội thi có 04 đội, gồm: Đa Mặn (phường Khuê Mỹ), An Thượng (phường Mỹ An), Sơn Thủy (phường Hòa Hải), Mân Quang (phường Hòa Quý). Mỗi đội có 05 cờ thủ, mỗi ván đấu trong thời gian 90 phút, chia đều cho 02 đội. Các đội thi đấu theo thể thức loại trực tiếp một lần thua, hai đội thắng sẽ vào thi đấu ván chung kết, hai đội thua tranh giải ba. Vì đây là môn thi đấu tập thể nên đòi hỏi cả đội phải thể hiện trí tuệ tập thể, tinh thần đoàn kết cao. Trên hết, hội cờ làng giúp rèn luyện tư duy, ý chí của người chơi, không chỉ giải trí mà còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc của trò chơi truyền thống này.            

- Đua thuyền truyền thống: Đua thuyền là một hình thức sinh hoạt văn hóa - thể thao truyền thống tiêu biểu của cư dân biển xứ Quảng. Với lợi thế, vị trí chùa Quán Thế Âm tọa lạc gần bên sông Cổ Cò nên vào dịp lễ hội Quán Thế Âm, đua thuyền được tổ chức thường xuyên thu hút đông đảo đồng bào phật tử và nhân dân tham gia, cổ vũ. Về cơ bản cũng giống như các cuộc đua thuyền hay bơi chải của người Việt ở các nơi. Có năm đội đua thuyền, chủ yếu là thanh niên các quận trên địa bàn thành phố cùng tham gia. Thuyền đua đua hình thoi, bằng gỗ, sơn các màu khác nhau đỏ, vàng, xanh… Mũi thuyền vẽ cặp mắt to, tròng trắng. Mỗi thuyền khoảng 10 đến 30 tay chèo. Trang phục mỗi đội một màu khác nhau để dễ phân biệt. Mỗi đội đua 3 vòng trên sông. Trong cuộc đua, đội nào dẫn trước đội đó thắng. Đội thắng sẽ có phần thưởng xứng đáng. 

Đua thuyền tại Lễ hội Quán Thế Âm là một sinh hoạt văn hóa - thể thao truyền thống không thể thiếu, thể hiện ước vọng có sức khỏe, tinh thần đoàn kết và tạo sự phấn khích, hấp dẫn, náo nhiệt trong ngày lễ hội.

- Kéo co, đẩy gậy, nhảy bao bố, chạy việt dã vì sức khỏe toàn dân chào mừng lễ hội: các trò chơi dân gian này do các đoàn thể, thanh niên các phường tại địa phương quận Ngũ Hành Sơn, cùng các trò chơi lớn của Gia đình phật tử, được diễn ra tại Khu Di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn.

- Biểu diễn võ thuật: tại lễ hội Quán Thế Âm năm nào cũng có các tiết mục giao lưu, biểu diễn võ thuật do các Câu lạc bộ võ cổ truyền Đà Nẵng và Câu lạc bộ võ thuật Kim Sơn chùa Quán Thế Âm thực hiện. Đây là các tiết mục mà các võ sư đã dày công tập luyện, sử dụng nội công để thực hiện một tiết mục nào đó một cách thành công nhất, nhằm thể hiện sức mạnh của tinh thần thượng võ.

g) Giao lưu văn hóa Phật giáo với các nước trong khu vực:

Song hành với công tác tổ chức lễ hội trong các năm đã có những Hội thảo khoa học về Danh thắng Ngũ Hành Sơn, những Tọa đàm, giao lưu gặp gỡ giữa các đoàn Phật giáo Việt Nam và các nước cùng với nhiều sinh hoạt văn hóa phong phú, có sự tham gia của các Tu sỹ, nghệ sỹ, thiện trí thức và các đoàn khách quốc tế như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Đài Loan, Mỹ, Nga, Pháp… Tiêu biểu nhất là năm 2019 có chương trình giao lưu truyền thống văn hóa Phật giáo Việt Nam - Hàn Quốc, như: trình diễn Nghi lễ Nabijum (Di sản văn hóa phi vật thể của Hàn Quốc), Thiền võ đạo, múa Phật giáo Hàn Quốc, Tọa đàm văn hóa Phật giáo Việt Nam - Hàn Quốc… Đặc biệt, đoàn Phật giáo Hàn Quốc đã trao tặng phiên bản Phật Di Lặc - bảo vật quốc gia của Hàn Quốc cho chùa Quán Thế Âm. 

h) Ra mắt Đặc san Diệu âm:

Hơn hai mươi năm nay, đặc san Diệu Âm năm nào cũng góp mặt cùng các hoạt động tại Lễ hội Quán Thế Âm. Đây là một ấn phẩm văn thơ của Chư Tôn Đức, quý huynh đệ Phật tử, các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, lý luận phê bình… thực hiện. Với ý nghĩa “Diệu âm” nghĩa là tiếng huyền diệu, tiếng của cõi lòng thâm sâu, thầm kín, chúng ta phải quay về bên trong để lắng nghe.

i) Mở cửa tham quan Bảo tàng Văn hóa Phật giáo:

Trong 3 ngày diễn ra Lễ hội, Bảo tàng Văn hóa Phật giáo luôn mở cửa đón các đạo hữu, tăng ni phật tử, các đoàn khách trong nước và quốc tế cùng tham quan, học tập.

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT