Không gian văn hóa liên quan gồm Động Quan Âm và chùa Quán Thế Âm
Đăng ngày 12-03-2021 10:01, Lượt xem: 139

Tọa lạc tại ngọn Kim Sơn trong quần thể Khu Di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn, Động Quan Âm được Hòa thượng Thích Pháp Nhãn phát hiện ra có tôn tượng Quán Thế Âm Bồ Tát thiên tạo. Từ sự ứng hiện của Quán Thế Âm Bồ Tát ở động thiêng này nên Hòa thượng đã đặt tên động là động Quan Âm và trở thành nơi trụ xứ thờ tự của Ngài.

+ Động Quan Âm:

Tọa lạc tại ngọn Kim Sơn trong quần thể Khu Di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn, Động Quan Âm được Hòa thượng Thích Pháp Nhãn phát hiện ra có tôn tượng Quán Thế Âm Bồ Tát thiên tạo. Từ sự ứng hiện của Quán Thế Âm Bồ Tát ở động thiêng này nên Hòa thượng đã đặt tên động là động Quan Âm và trở thành nơi trụ xứ thờ tự của Ngài.

 Động Quan Âm nằm sâu vào trong lòng núi Kim Sơn, miệng động quay về hướng Tây Nam và phía ngoài có một vách đá che kín. Cửa động, hai bên vách đá dựng đứng, miệng hang nhỏ có hướng đi xuống, âm so với mặt đất, càng vào sâu càng có cảm giác mát lạnh, mờ ảo. Vào phía bên trong, động lớn dần, chiều dài hang động khoảng 64m, rộng khoảng 5 -10m, cao 15 - 20m. Đây là động kín so với với đa số động mở trong quần thể Ngũ Hành Sơn. Động này có nhiều thạch nhũ với màu sắc, hình thể đa dạng, đường nét rõ ràng, sắc sảo, tưởng chừng như có bàn tay của nghệ nhân tạo tác.

Lối vào động là những bậc đá tự nhiên, ngay phía đối diện với cửa động là một khối thạch nhũ bám vào vách núi tạo thành bức tượng Quán Thế Âm Bồ Tát do thiên tạo khắc họa với những hình khối đường nét rõ ràng sắc sảo, pho tượng cao bằng hình người thật (1,75m), cân phân, thanh tú, với lớp áo kim tuyến lấp lánh, rực sáng được kết tinh từ loại đá kim sa quý hiếm của thiên nhiên, làm cho bức tượng hết sức sống động huyền ảo.

Tượng thạch nhũ này còn sinh động hơn nhờ một lớp nhũ đá lấp lánh như dải kim tuyến phủ từ bờ vai đến gót chân tượng. Bàn tay phải của ngài nâng bình nước Cam Lồ, phía sau có hình tượng hài nhi tượng trưng Thiện Tài - Đồng Tử, phía dưới chân bức tượng có hình một con rồng đang cuộn mình giữa tầng tầng sóng gợn. Đây là hình tượng Quán Thế Âm bắt độc Long hàng phục giữa biển cả, diễn tả việc đem lại cuộc sống bình yên cho chúng sinh, như trong điển tích Quan Âm Nam Hải là Ngài Bồ Tát Quán Thế Âm cỡi rồng, vượt cơn sóng dữ không ngại khó khăn.

Phía trên, bên trái, hình con chim Khổng Tước hai cánh tỏa rộng, bên phải là khóm Trúc, sau lưng là một dải mây đá ngũ sắc lung linh. Nhìn tổng thể, đây là một bức tượng phù điêu tuyệt mỹ của thiên nhiên, kết hợp hài hoà rất tài tình, gồm ba điển tích về Bồ Tát Quán Thế Âm là: Quan Âm Nam Hải - Quan Âm Tống Tử - Quan Âm hàng phục độc Long (tức con Rồng dữ) gây sóng gió ngoài biển khơi trong Kinh Pháp Hoa. 

Lần vào cuối động, không gian lại mở ra với một hồ nước lớn, mát lạnh trong lành, dòng nước thẩm thấu từ mạch sông Cổ Cò, thanh lọc qua lớp đá cẩm thạch nên rất tinh khiết. Từ sự tinh khiết này, người ta mường tượng đến dòng nước Cam Lồ từ tình thương của Bồ Tát Quán Thế Âm tưới lên mỗi tâm hồn, vạn vật và sự sống cho chúng sinh...

+ Chùa Quán Thế Âm:

Từ sự ứng hiện của Ngài Bồ Tát Quán Thế Âm nơi động thiêng, Hòa thượng Thích Pháp Nhãn đã cho lập một ngôi chùa nhỏ ngay sát hang động, quy mô được mở rộng và xây dựng kiên cố bằng gạch ngói, đó là chùa Quán Thế Âm ngày nay.

 Chùa được xây dựng vào năm 1957, tọa lạc dưới chân núi Kim Sơn, số 48 đường Sư Vạn Hạnh, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Trụ trì chùa hiện nay là Thượng tọa Thích Huệ Vinh. Đây là địa điểm chính diễn ra lễ hội Quán Thế Âm hằng năm. 

Chùa dựa lưng vào vách núi Kim Sơn, mặt hướng ra dòng sông Cổ Cò, có không gian thoáng rộng, khung cảnh chùa trang nghiêm hùng vĩ, hữu tình, có nhiều công trình được xây dựng như tượng đồng Thiên Thủ Thiên Nhãn Quan Âm rất đặc sắc, hội trường, tăng xá… thuận lợi cho việc tu tập và sinh hoạt, số tăng chúng tu học tại chùa trên 40 vị, có các đạo tràng tu học - tương tế - từ thiện - văn nghệ, thư họa v.v… Chùa Quán Thế Âm là một công trình kiến trúc độc đáo vừa có giá trị cảnh quan và văn hóa tâm linh, tạo điểm nhấn cho khu du lịch phía Tây Ngũ Hành Sơn.

Có thể nói, chùa Quán Thế Âm và động Quan Âm ở Ngũ Hành Sơn có mối quan hệ tương quan “Chùa làm cho động có sinh khí, động lại làm cho chùa thêm linh thiêng” và cũng nhờ đó mà ngôi chùa Quán Thế Âm được mọi người biết đến nhiều hơn. Và lễ hội Quán Thế Âm, Ngũ Hành Sơn 19/2 âm lịch được tổ chức hàng năm tại chùa Quán Thế Âm đã trở thành một lễ hội văn hóa Phật giáo mang đậm tính nhân văn, gắn đạo với đời, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

- Trong không gian chùa Quán Thế Âm còn có một Bảo tàng văn hóa Phật giáo, rộng hơn 7.000m2, được xây dựng vào năm 2014, lưu giữ hơn 500 hiện vật, cổ vật Phật giáo quý hiếm. Đây là Bảo tàng văn hóa Phật giáo đầu tiên tại Việt Nam và kết tinh nét tinh hoa của di sản văn hóa Phật Giáo. Nơi đây đã trở thành điểm tham quan thu hút nhiều du khách, phật tử trong và ngoài nước không những mỗi mùa tổ chức Lễ hội và cả những ngày thường.

- Điều đặc biệt hơn nữa, không gian tổ chức lễ hội Quán Thế Âm không chỉ bó hẹp trong không gian của chùa Quán Thế Âm mà quy mô và phạm vi tổ chức các sự kiện văn hóa, tín ngưỡng của lễ hội lan tỏa khắp cả quần thể Di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn, đã biến Ngũ Hành Sơn thành một “Đại Phật Sơn” ở Việt Nam trong thực tế.

- Ngoài ra, còn có tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Đà Nẵng, gồm 53 thành viên, do Hòa thượng Thích Chí Mãn làm Trưởng Ban Trị sự. Với tinh thần từ bi, yêu tự do, hòa bình, Giáo hội đã, đang đi đầu trong khối đoàn kết tôn giáo, dân tộc, giữ gìn, phát huy, bồi đắp truyền thống đoàn kết yêu nước của Phật giáo luôn được tỏa sáng, đồng hành cùng dân tộc. Trong các kỳ tổ chức lễ hội Quán Thế Âm, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Đà Nẵng là tổ chức đứng ra cùng với chùa Quán Thế Âm và địa phương tổ chức thành công Lễ hội.

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT