Sản phẩm vật chất và tinh thần tạo ra trong quá trình tồn tại và phát triển của di sản văn hóa phi vật thể
Đăng ngày 12-03-2021 10:01, Lượt xem: 29

Trong những năm qua sự thành công của Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn đã và đang đóng một vai trò to lớn trong việc góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương. Lễ hội là một sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo và trở thành kênh thông tin quan trọng để quảng bá hình ảnh du lịch thành phố Đà Nẵng đến với du khách trong nước và quốc tế.

Thế nhưng điều đặc biệt quan trọng mà lễ hội mang lại không phải là sản phẩm vật chất mà chính là sản phẩm tinh thần. Nói một cách khác, Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn chính là di sản tinh thần gắn với cộng đồng tôn giáo Phật giáo và cộng đồng nhân dân ở thành phố Đà Nẵng.

Thứ nhất, chúng ta có thể thấy, đây là một lễ hội tôn giáo vừa mang yếu tố tâm linh tín ngưỡng, vừa là một lễ hội quần chúng rộng lớn, vì thế Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn đã trở thành ngày hội lớn của cả cộng đồng. Quan trọng hơn, lễ hội đã tạo được một không gian văn hóa lành mạnh đáp ứng và thỏa mãn được nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của đồng bào theo đạo Phật, của du khách thập phương về lễ bái, cầu nguyện và thụ hưởng văn hóa. Do đó, việc tham gia Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn hằng năm của cộng đồng theo đạo Phật và các tầng lớp nhân dân đã trở thành một nhu cầu chính đáng, một món ăn tinh thần không thể thiếu, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, hướng tới những giá trị chân, thiện, mỹ.

Thứ hai, bản thân lễ hội đã tạo ra những giá trị văn hóa đặc sắc, thế nhưng điều quan trọng mà lễ hội mang lại đó chính là tính cộng đồng và sự cố kết cộng đồng.

Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn chứa đựng ý nghĩa nhân văn với ước vọng đồng hành phụng sự đối với cuộc sống con người, hướng con người đến tình yêu thương và những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Hầu hết các hoạt động diễn ra trong lễ hội đã cho thấy lễ hội chính là sợi dây gắn kết cộng đồng và sự kết nối yêu thương giữa người với người, đạo với đời. Bên cạnh đó còn có tính giáo dục và nâng cao nhận thức của người dân đối với các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Vì vậy, đến với lễ hội Quán Thế Âm, chúng ta không những được trở về với cội nguồn và nuôi dưỡng ý thức gắn kết với cộng đồng và bản sắc văn hóa của dân tộc, mà còn tìm thấy ở đó những phút tịnh tâm trong tâm hồn mình, cũng như giúp mỗi cá nhân hòa mình vào tập thể, lắng nghe những âm thanh của cuộc sống để cùng tạo nên cuộc đời an lạc, hạnh phúc và sự đoàn kết. Chính vì thế mà sau mỗi lần lễ hội được tổ chức đời sống tinh thần của cộng đồng dường như được tiếp thêm sức mạnh, được thăng hoa trong sự sáng tạo và từ đó những di sản văn hóa vật chất được tôn tạo và lưu giữ. 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT