Giá trị văn hóa

“Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng” được xem là Lễ hội của những giá trị văn hóa đặc sắc. Có thể nói, bất cứ ai đã từng tham dự Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn cũng sẽ cảm nhận giá trị của những hoạt động đặc trưng diễn ra trong lễ hội cũng như ảnh hưởng của các giá trị đó đối với sự phát triển của thành phố Đà Nẵng hiện nay.

Lễ hội tổ chức trong ba ngày, trong đó ngày 19 tháng 2 âm lịch là ngày lễ chính thức. Trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, có nhiều nghi lễ và hoạt động văn hóa được tổ chức trang trọng. Ngoài các nghi lễ mang đậm màu sắc Phật giáo như: lễ khai kinh, thượng phan thượng kỳ; lễ rước ánh sáng; lễ pháp đàn Quán Thế Âm và thuyết giảng đạo pháp - dân tộc; Chính lễ - Lễ Vía, lễ rước tôn tượng Quán Thế Âm, lễ hóa trang Quán Thế Âm… còn có các hoạt động của phần hội: đua thuyền trên sông Cổ Cò, trò chơi đánh cờ người, hô hát Bài Chòi, biểu diễn Tuồng, viết thư pháp, cho chữ, triển lãm thư pháp thư họa, hội trại, trà đạo… vừa tươi vui vừa hấp dẫn, đã để lại những ấn tượng sâu sắc cho mọi du khách tham dự.

Có thể nói, bất cứ ai đã từng tham dự Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn cũng sẽ cảm nhận giá trị của những hoạt động đặc trưng diễn ra trong lễ hội cũng như ảnh hưởng của các giá trị đó đối với sự phát triển của thành phố Đà Nẵng hiện nay.

Trước hết là những yếu tố mang màu sắc tín ngưỡng Phật giáo. Phần lễ mang lại cho người tham dự lễ hội những phút giây thiêng liêng khi được hòa mình vào các nghi lễ: Lễ khai kinh với mục đích cầu nguyện cho quốc thái dân an, chúng sinh an lạc; Lễ rước ánh sáng, nhằm khuyến khích con người đề cao trí tuệ; Lễ pháp đàn Quán Thế Âm và thuyết giảng đạo pháp - dân tộc ngợi ca lòng từ bi bác ái của Đức Phật Bồ Tát Quán Thế Âm cầu nguyện cho dân tộc an bình, thịnh vượng; Lễ Vía, lễ rước tôn tượng và lễ hóa trang Quán Thế Âm Bồ Tát là để tưởng niệm về nhân cách cao quý của Ngài, bởi tinh thần nhập thế cứu đời và sự biết ơn của con người trước sự gia hộ của chư Phật, chư Bồ Tát. Sự ngưỡng mộ rộng rãi về Ngài như một biểu tượng văn hóa, nhân văn của đạo lý… Do đó, mọi người đến với lễ hội như được thỏa mãn về nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng, được hướng tâm mình về với cái thiện.

Tiếp đến là những yếu tố mang màu sắc dân tộc, dân gian. Cũng trong phần lễ, cùng với các nghi lễ Phật giáo hướng con người tới thế giới đại từ đại bi, kết hợp đạo - đời, đoàn kết cùng nhau xây dựng cuộc sống an lành, hạnh phúc, người tham dự lễ hội còn tham gia vào các nghi lễ khác như: Lễ tế Xuân cầu quốc thái dân an, thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc; Lễ dâng hương tưởng niệm Huyền Trân công chúa - tưởng nhớ người con gái của nhà Trần có công lớn trong sự nghiệp mở mang bờ cõi của dân tộc; Lễ tế Thạch Nghệ Tổ Sư nghề đá tại làng đá Non Nước Ngũ Hành Sơn để tưởng nhớ, tri ân ông Tổ nghề điêu khắc đá đã truyền và phát triển nghề thủ công truyền thống này. Đây là những nghi lễ truyền thống của địa phương chứa đựng những giá trị văn hóa và lịch sử của địa phương trên vùng đất Ngũ Hành Sơn. Qua đó, thể hiện tinh thần dân tộc, đạo lý uống nước nhớ nguồn, nhớ ơn tổ tiên, tìm về cội nguồn dân tộc cũng được gợi lên trong không gian lễ hội.

Đặc biệt, yếu tố mang màu sắc dân tộc và văn hóa dân gian tại Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn còn thể hiện rõ nét trong phần hội. Phần hội phong phú và sôi động với những sinh hoạt văn hóa, thể thao truyền thống đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó yếu tố văn hóa dân gian được nhấn mạnh đề cao như: hoạt động đua thuyền truyền thống với sự tham gia đông đảo các đội đua và hàng ngàn người cổ vũ, nhằm tái hiện lại cho người tham dự lễ hội về truyền thống hoạt động trên sông nước của dân tộc ta và nhắc nhở ý thức bảo vệ vùng mặt nước; những trò chơi dân gian cờ tướng, kéo co, đẩy gậy, biểu diễn võ thuật... khơi gợi ý thức luyện tập về thể lực nâng cao sức khỏe cho mọi người và tượng trưng cho tinh thần thượng võ; những sinh hoạt văn hóa - nghệ thuật như Bài chòi, biểu diễn nghệ thuật Tuồng, triển lãm thư pháp thư họa, triển lãm tranh ảnh và nghệ thuật đá Non Nước... nhằm nêu cao tinh thần, ý thức gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam; đặc biệt là các hoạt động phong phú, sinh động như văn nghệ, nghệ thuật, hội trại, thi nấu cơm chay, thưởng thức trà đạo... của đoàn thể Gia đình Phật tử với mục đích xây dựng ý thức tập thể và tinh thần đoàn kết, gắn bó, sự hòa nhập với cộng đồng của mọi giới trong xã hội.

Với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, trò chơi dân gian tưng bừng sôi động, phần hội góp phần giúp cho người tham dự cảm thấy thoải mái, như trút bỏ những lo toan đời thường để hòa mình vào không khi vui tươi, hào hứng của lễ hội. Đây cũng chính là động lực thúc đẩy con người vững bước đi lên trong cuộc sống.

Như vậy, với những nét đặc trưng và độc đáo, Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng là một trong những lễ hội lớn của Việt Nam, tuy lễ hội mang màu sắc tôn giáo Phật giáo, nhưng lại đi sâu vào tự tình dân tộc, tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Vì lẽ đó, lễ hội luôn là điểm đến hấp dẫn không chỉ đối với du khách thập phương trong nước mà còn là dịp để du khách quốc tế trải nghiệm và tìm hiểu những giá trị tinh thần mang đậm nét lịch sử, văn hóa Phật giáo Việt Nam. Đồng thời, thưởng thức sự tinh tế, phong phú các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Ngoài ra, lễ hội còn là nơi hội tụ, giao lưu văn hóa của các dân tộc trên thế giới, đặc biệt là các nước trong khu vực Châu Á…

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT