Nại Hiên
Làng chài nằm ở hữu ngạn sông Hàn, do những lưu dân từ huyện Tĩnh Gia và Đông Sơn (Thanh Hóa), lập nên từ thế kỷ 17. Xưa, ngoài nghề chài lưới, bủa câu, dân làng còn có nghề nấu muối từ nước biển cô đặc lại trong những cái nồi rất lớn đan bằng tre cật trát đất sét bên ngoài. Do đó, có câu hát:
Nại Hiên là làng Ý, E
Nấu muối bằng nước, lấy tre làm nồi
Ý, E là nhại tiếng nói của dân gốc Thanh Hóa, Nghệ An. Hiện nay Nại Hiên thuộc phường Nại Hiên Đông, Quận Sơn Trà, Đà Nẵng. Nại từ cổ có nghĩa là ruộng muối.
Nam Giang
Huyện thành lập theo quyết định của chính quyền cách mạng tỉnh Quảng Nam tháng 3/1963 trên cơ sở giải thể huyện Thống Nhất.
Nam Giang
Huyện đổi tên từ huyện Giằng theo Nghị định số 71/NĐ-CP của Chính phủ ngày 16/8/1999. Gồm thị trấn Thạnh Mỹ và 8 xã: Laee, Zuôih, La Dêe, Chà Val, Tà Bhing, Cà Dy, Đăc Pre, Đăc Pring.
Nam Chơn
Trạm giao thông nằm ở địa cầu phía bắc tỉnh Quảng Nam, trong số 7 trạm đặt trên đường thiên lý trong tỉnh thời Nguyễn. Đời Gia Long đặt tên là trạm Chơn Sảng (tên làng thuộc huyện Hòa Vang). Năm Minh Mạng thứ 3 đổi tên là Nam Chơn. Nơi đây, đếm 28/2/1886, nghĩa quân của Nguyễn Duy Hiệu đã phối hợp với dân phu làm đường qua đèo Hải Vân, tập kích tiêu diệt hoàn toàn dội công binh Pháp gồm 7 tên do quan ba Besson chỉ huy. Thông báo của Bộ Tư lệnh Pháp ở Huế thời ấy đã gọi sự kiện này là “thảm kịch Nam Chơn”.
Nam Ô
Làng nghề với sản phẩm nước mắm nổi tiếng. Đặc sản này không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu sang Hồng Kông, Pháp,..Từng được giải huy chương Vàng tại hội chợ Giảng Võ (Hà Nội). Nam Ô trước đây cũng là làng làm pháo nổi tiếng, thuộc phường Hòa Hiệp, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng.
Nam Phước
Thị trấn huyện lỵ huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, theo quyết định 102/CP ngày 29/8/1994 của Chính phủ trên cơ sở xã Duy An.
Nam Vân
Trạm giao thông cuối cùng đặt ở phía nam Quảng Nam, giáp Quảng Ngãi, trong số 7 trạm, trên đường thiên lý dưới thời Nguyễn, ở xã Vân Trai, huyện Hà Đông. Nay thuộc thị trấn Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.
Ngọc Kinh
Mỏ than đá nằm trên địa phận huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Trước khi người Pháp khai thác mỏ than này, đã có một Hoa kiều lãnh trưng khai thác. Ngọc Kinh và Nông Sơn là hai mỏ than loại antharacite, có nhiệt lượng trung bình của Quảng Nam.
Ngọc Linh
Núi cao nhất của tỉnh Quảng Nam (2.598m) là ranh giới tự nhiên giữa tỉnh Quảng Nam và Kon Tum. Với lượng mưa trung bình 4000mm/năm.Ngọc Linh là nơi phát nguyên và là nguồn cung cấp nước chính của dòng Thu Bồn. Núi có nhiều dược liệu quý, đặc biệt là sâm Ngọc Linh nổi tiếng. Tại đây có khu bảo tồn thiên nhiên, diện tích 50.000ha.
Ngũ Hành Sơn
Núi nổi tiếng của Quảng Nam Đà Nẵng gồm 6 cụm núi đá nổi lên giữa động cát, một bên là biển Đông, một bên là sông và làng quê, được trong và ngoài nước biết đến. Tên nôm xưa nhất xuất hiện cách đây 500 năm là núi Non Nước, hòn Non Nước. Trong chuyến tuần du đến đây, vua Minh Mạng xem khắp danh thắng, nhân đó đặt tên một số hang động: động Huyền Không, Linh Nham, Tàng Chân, Vân Nguyệt,.. Người Pháp dựa vào chất liệu của đá, đặt cho thắng cảnh tên Montagnes de marbre. Cụm Ngũ Hành Sơn nằm cách trung tâm thành phố 8 km về phía đông nam, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn.
Ngũ Hành Sơn
Quận thành lập theo Nghị định số 07/CP của Chính phủ ngày 23/1/1997 trên cơ sở toàn bộ diện tích của phường Bắc Mỹ An và 2 xã Hòa Quý, Hòa Hải (Hòa Vang cũ). Quận Ngũ Hành Sơn gồm 3 phường: Bắc Mỹ An, Hòa Hải, Hòa Quý. Diện tích 36,72 km2, dân số 32.530 người (1997).
Nông Sơn
Mỏ than đá nằm ở địa phận xã Quế Trung, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, bên tả ngạn sông Thu Bồn. Mỏ có trữ lượng hơn 7 triệu tấn. Thời Thiệu Trị mỏ do một người Hoa tên là Lương Văn Phương lãnh trưng khai thác. Thời Pháp thuộc, mỏ do Công ty khai thác của thực dân Pháp khai thác từ năm 1887. Trong chiến dịch Nông Sơn – Trung Phước, Sư đoàn 2 bộ binh và Trung đoàn pháp binh 572 đã tiêu diệt cụm cứ điểm Nông Sơn – Trung Phước vào đêm 17/7/1974, loại khỏi vòng chiến đấu 1.000 tên địch, tiêu diệt 2 tiểu đoàn chủ lực, 2 đại đội bảo an và bộ máy kìm kẹp của địch, giải phóng 13.000 dân.
Nông Sơn
Huyện mới được thành lập theo Nghị định số 42/2008/NCĐP ngày 8/4/2008 của Chính phủ. Huyện gồm 7 xã: Quế Lâm, Quế Phước, Quế Trung, Quế Lộc, Quế Ninh, Sơn Viên, Phước Ninh tách ra từ huyện Quế Sơn. Các xã này đều nằm hai bên bờ sông Thu Bồn.
Cổng TTĐT thành phố