Chùa Pháp Lâm
Chùa do Chi hội An Nam Phật học Đà Nẵng vận động xây dựng ngôi chùa hội quán vào năm 1934. Ngôi chùa mang lối kiến trúc hoàn toàn Á đông do kiến trúc sư trứ danh Đặng Cao Đệ vẽ kiểu, chiều ngang 14m, chiều sâu 25m. Chánh điện được bố trí nghiêm trang. Tượng Đức Bổn sư ngồi cao 1,10m và 2 tượng Bồ tát Quan Thế Âm, Đại Thế Chí được đúc bằng đồng.

Ban đầu được mang tên chùa Tỉnh hội Phật giáo Đà Nẵng, ngày nay tọa lạc tại số 500 đường Ông Ích Khiêm, phường Nam Dương, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Từ năm 1938, khi các tỉnh miền Trung lần lượt xin thành lập Tỉnh hội , thì danh hiệu Chi hội Đà Nẵng đổi lại là: An Nam Phật học Tỉnh hội Đà Nẵng. Kế đến, vì lẽ quan niệm chữ Phật học hội chỉ dành riêng cho số tín đồ có tinh thần học hỏi giáo lý, không phổ cập giữa quần chúng theo đạo Phật, nên danh từ Phật học đổi thành Phật giáo. Rồi đến trong kỳ họp Đại hội vào ngày lễ Phật Đản năm Tân Mão 1951 tại chùa Từ Đàm gồm: giáo hội tăng già và Hội Phật giáo miền Nam, đại diện Giáo hội tăng già và Hội Phật giáo miền Bắc, Hội Phật giáo Trung phần và Giáo hội TP gồm trên 50 đại biểu nhất trí đổi danh từ Thành tổng hội Phật giáo Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo của Tổng Trị sự Tổng hội Phật giáo Việt Nam. Về sau theo chủ trương của Tổng Trị sự, các chùa Hội quán cũng nên có danh hiệu chùa. Vì thế, chùa Tỉnh hội Phật giáo Đà Nẵng được mang tên chùa Pháp Lâm từ năm 1970.

Chùa Pháp Lâm do hòa thượng Thích Giác Viên trụ trì. Trong 32 năm qua hoà thượng đã đảm nhận liên tiếp trụ trì nhiều chùa và tu viện trong thành phố Đà Nẵng để hoằng dương đạo pháp và tôn tạo.

Chùa Pháp Lâm tuy không phải là một ngôi cổ tự nhưng lại là nơi có vị trí trọng yếu trong hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại thành phố Đà Nẵng. Ngày 11/03/2009, sau hơn 4 năm thi công trùng tu, chùa Pháp Lâm được long trọng khánh thành. Chùa hiện đặt văn phòng Ban Trị sự Phật giáo thành phố Đà Nẵng và là nơi đón tiếp hàng vạn du khách, tăng ni, Phật tử đến tham quan, chiêm bái, sinh hoạt hàng năm.

Cổng TTĐT thành phố

 
ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT