Đến, đi lại bằng gì?
Thành phố Đà Nẵng có sân bay quốc tế phục vụ các đường bay nội địa và một số tuyến quốc tế như Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc. Tuy chỉ là sân bay quy mô nhỏ, nhưng sân bay quốc tế Đà Nẵng hiện nay vẫn là cảng hàng không quan trọng nhất cho cả miền Trung và Tây Nguyên.
Đà Nẵng còn thuận tiện cho giao thông đường biển với hai cảng lớn là cảng sông Hàn và cảng Tiên Sa.
Đường bộ đến Đà Nẵng có hai tuyến đường quốc lộ 1A, con đường huyết mạch Bắc Nam và Quốc lộ 14B, nối Đà Nẵng với các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên Việt Nam.
Ngoài ra, với việc đưa vào sử dụng hầm đường bộ Hải Vân xuyên qua núi nối liền thành phố và tỉnh Thừa Thiên-Huế, giao thông trên quốc lộ 1A trở nên thuận tiện hơn bao giờ hết. Thời gian lưu thông được rút ngắn, tại nạn giao thông vốn thường xuyên xảy ra trên đèo Hải Vân được giảm thiểu.
Đà Nẵng có hệ thống taxi, honda phục vụ việc đi lại thuận tiện, hệ thống đô thị ở Đà Nẵng cũng được cải tiến khá đẹp và thuận lợi với nhiều con đường lớn như Bạch Đằng, Điện Biên Phủ.
Đà nẵng còn có tuyến đường sắt huyết mạch Bắc - Nam chạy dọc thành phố với tổng chiều dài khoảng 30 km. Trên địa bàn thành phố hiện nay có 5 ga: Ga Đà Nẵng, Ga Thanh Khê, Ga Kim Liên, Ga Hải Vân Nam và Ga Hòa Châu. Ga Đà Nẵng là một trong những ga trọng yếu trên tuyến đường sắt Bắc - Nam. Tuy nhiên, ga nằm ở trung tâm thành phố nên thường gây ra tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường cùng các tệ nạn xã hội.
Mua sắm, giá cả
Ngoài những điểm du lịch hấp dẫn vốn từ lâu trở thành thế mạnh, với tâm điểm của 3 di sản văn hoá thế giới: thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An và cố đô Huế, Đà Nẵng trở thành điểm đến và trung chuyển của khách du lịch trong và ngoài nước.
Là đầu mối cảng biển, cảng hàng không, đường bộ, đường sắt nên Đà Nẵng luôn có một lượng lưu khách lớn, vì thế, ngành kinh doanh khách sạn và lữ hành phát triển mạnh mẽ tại đây. Với các dịch vụ hoàn hảo và phong cách phục vụ đẳng cấp quốc tế, các khách sạn cao cấp của Đà Nẵng đã trở nên quen thuộc đối với giới doanh nhân và khách du lịch đến Đà Nẵng với giá từ 150USD trở lên cho 1 đêm.
Đối với giới du lịch bình dân, các khách sạn hạng vừa đẩy đủ tiện nghi kèm theo nhiều dịch vụ tiện ích rất được ưa chuộng với giá khoảng 15USD trở lên cho 1 đêm.
Các khách sạn, nhà nghỉ đầy đủ tiện nghi, con người Đà Nẵng nồng ấm, mến khách đã và đang tạo nên một hình ảnh đẹp về một thành phố hiện đại, một điểm du lịch không thể bỏ qua trong chuyến đi của các lữ khách, giá cả ẩm thực ở Đà Nẵng cũng không phải là quá đắt, đặc biệt có nhiều quán hàng bán đặc sản, rẻ nhưng lại khá ngon.
Đà Nẵng hiện có 2 chợ lớn nhất nằm ở trung tâm thành phố là chợ Hàn và chợ Cồn; cùng những siêu thị lớn mới mở trong vòng vài năm trở lại đây như siêu thị Đà Nẵng, siêu thị Metro, đại siêu thị BigC, siêu thị Intimex, siêu thị Rosa Bài Thơ, siêu thị Nhật Linh, siêu thị Đại Dương... Đây là những trung tâm thương mại chủ yếu của Đà Nẵng
Đà Nẵng có nhiều món ăn đặc sản như mì Quảng, bánh tráng cuốn thịt heo, Bánh xèo, thịt bê thui, bún chả cá, bún mắm, bánh khô mè, nước mắm Nam Ô.. có thể mua về làm quà biếu.
Lưu ý khác
Sản phẩm đá mỹ nghệ Non nước được bán rất rộng rãi tại Làng đá Non nước (dưới chân núi Ngũ Hành Sơn thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng) và hầu như tại tất cả các khách sạn trên địa bàn thành phố.
Đồ gốm sứ còn bày bán dọc đường Lê Duẩn từ số 123 - 129 hoặc ngã ba Núi Thành_ Trưng Nữ Vương.
Không chỉ giữ gìn những lễ hội truyền thống, người Đà Nẵng đã tạo cho mình một lễ hội mới dựa trên nền truyền thống là Lễ hội đua thuyền. Lễ hội này được tổ chức nào ngày quốc khánh 2/9 hằng năm trên dòng sông Hàn với hàng chục đội đua của các địa phương trong và ngoài thành phố.
Theo www.chudu24.com