Ngũ phụng tề phi (1898)
Nói đến Quảng Nam, bên cạnh truyền thống đi đầu trong chống ngoại xâm, nhiều người thường nhắc đến truyền thống hiếu học của con người nơi đây. Điều đó có thể chứng minh qua danh sách số người đỗ đạt trong 32 khoa thi hương ở trường thi Thừa Thiên dưới triều Nguyễn (1817 - 1918) được ghi trong sách Quốc triều hương khoa lục. Trong số 911 người đăng khoa, Quảng Nam có 252 người đỗ liên tiếp cả 32 khoa. Về đại khoa, Quảng Nam có 14 tiến sĩ, 24 phó bảng trong tổng số 558 vị của cả nước.

Nhiều nhà nghiên cứu, nhà viết sử xếp Quảng Nam vào loại “đất học”. Tất nhiên không thể nào so sánh được với vùng đất có lịch sử lâu đời như Thăng Long “Nghìn năm văn vật”, như đất Kinh Bắc nơi sản sinh “một bồ ông cống, mốt đống ông nghè, một bè tiến sĩ…”, bởi vì Quảng Nam được khai phá muộn hơn sau nhiều thế kỷ(1). Có nhiều nhà khoa bảng cũng là một tiêu chí để xem xét, nhưng có lẽ điều đáng chú ý hơn là tinh thần hiếu học, trọng việc học, biết khắc phục khó khăn, nghèo khổ để theo việc học hành như một nét trội của một cộng đồng. Sách Đại Nam nhất thống chí, tỉnh Quảng Nam trong mục “phong tục” viết: “Đàn ông lo việc cày ruộng, trồng dâu, đàn bà chuyên nghề nuôi tằm, dệt cửi, núi sông thanh tú cho nên nhiều người có tư chất thông minh, dễ học”(2).

Đề cập đến việc giáo dục và truyền thống hiếu học của người Quảng Nam, người ta hay nhắc đến “Ngũ phụng tề phi” (5 người cùng đỗ đại khoa một lượt) “Tứ kiệt” (4 người cùng đỗ phó bảng khoa thi Tân Sửu (1901) là Nguyễn Đình Hiến, Phan Châu Trinh, Võ Vỹ, Nguyễn Mộng Hoán), “Tứ hổ” (4 người cùng đỗ thủ khoa trong các khoa thi kế tiếp nhau là Phạm Liệu, Huỳnh Hanh (tức Huỳnh Thúc Kháng), Nguyễn Đình Hiến, Võ Hoành)…
 
Ở đây, chỉ xin nói đến “Ngũ phụng tề phi”. Về nguồn gốc của 4 chữ này xuất phát từ câu chuyện đời nhà Thanh bên Trung Hoa có một khoa thi, khảo quan chấm 5 người đỗ tiến sĩ đều sinh quán ở một làng. Nhân đó, vua Thanh ban cho 4 chữ “Ngũ phụng tề phi”. Nghĩa là 5 con phụng cùng bay.
 
Tại Việt Nam, triều Thành Thái thứ 10 (1898), tỉnh Quảng Nam có 5 sĩ tử đỗ cùng khoa Mậu Tuất, trong đó có 3 tiến sĩ là Phạm Liệu, Phan Quang, Phạm Tuấn và 2 phó bảng là Ngô Chuân (hay Ngô Lý), Dương Hiển Tiến. Lúc bấy giờ Tổng đốc Quảng Nam là Đào Tấn (người Bình Định) và Đốc học là Trần Đình Phong (quê Nghệ An) được tin này, cho đó là một vinh hạnh lớn cho đất Quảng Nam, bèn lấy tích xưa đem ban cho 5 vị tân khoa. Và cho thợ thêu 5 con chim phụng trên một tấm thục, gồm 3 con ở tư thế sải cánh (tượng trưng cho 3 tiến sĩ) và 2 con tư thế xếp cánh (tượng trưng cho 2 phó bảng), đem treo tại dinh Tổng đốc trong buổi lễ đón các tân khoa vinh quy.

(1) Thừa tuyên Quảng Nam và vệ Thăng Hoa ra đời sau chiến thắng Trà Bàn của Lê Thánh Tông (1471). Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Sđd, tr. 453.

(2) Đại Nam nhất thống chí, tập 5, (bản thời Duy Tân), Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, 1964, tr. 15.

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT