Ngày 15-12, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố tổ chức hội thảo khoa học nhằm ghi nhận những ý kiến đóng góp, phân tích đánh giá và tìm kiếm các giải pháp bảo tồn, tôn tạo, phục hồi và phát huy giá trị di tích Thành Điện Hải. Tham dự Hội thảo có TS.KTS Hoàng Đạo Cương, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích – Bộ VHTT&DL; cùng đại diện của Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, Hội Khoa học Lịch sử TP Đà Nẵng, các cơ quan chuyên môn trong lĩnh vực bảo tồn di tích của Huế, Hội An. Về phía lãnh đạo thành phố có Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đặng Việt Dũng.
PGS-TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Việt Nam và Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Huỳnh Văn Hùng đồng chủ trì hội thảo
Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Huỳnh Văn Hùng, Thành Điện Hải là di tích hiếm hoi còn lại từ buổi đầu chống thực dân Pháp xâm lược nước ta giữa thế kỷ XIX, là biểu tượng về lòng yêu nước, đức hy sinh của người Đà Nẵng, thế nhưng, một thời gian dài, di tích này bị xâm hại nặng nề, xuống cấp nghiêm trọng. Thấy được giá trị lịch sử to lớn của di tích này đối với lịch sử dân tộc, UBND thành phố đã quyết định đầu tư khoảng 98 tỷ đồng để thực hiện giai đoạn 1 của dự án "Tu bổ, phục hồi và tôn tạo Di tích Thành Điện Hải" nhằm trả lại nguyên vẹn hào và tường thành ngoài, đồng thời tôn tạo cảnh quan của di tích Thành Điện Hải, được triển khai từ nay đến năm 2019. Trong giai đoạn 2 (2019 - 2021), Bảo tàng Đà Nẵng sẽ được di dời để tiến hành tôn tạo và phục hồi khu vực nội thành của di tích này.
Ông cũng thông tin cho hay, tại phiên họp ngày 5-12 vừa qua, 25/25 thành viên của Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia đã bỏ phiếu 100% đề nghị Thủ tướng ra Quyết định công nhận Thành Điện Hải là Di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia đặc biệt, và nếu được Thủ tướng thông qua thì đây sẽ là di tích đầu tiên của Đà Nẵng được công nhận là di tích cấp quốc gia đặc biệt. “Vấn đề đặt ra là làm thế nào để biến Thành Điện Hải trở thành nơi “lưu dấu ký ức”, để giáo dục truyền thống yêu nước, nghiên cứu khoa học và đặc biệt là phục vụ du lịch, để Thành Điện Hải sẽ trở thành điểm đến không thể bỏ qua của du khách gần xa khi đến thành phố bên sông Hàn”, ông Hùng nói.
Tại phiên họp ngày 5-12 vừa qua, Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia đã bỏ phiếu 100% đề nghị Thủ tướng ra Quyết định công nhận Thành Điện Hải là Di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia đặc biệt
GS.TS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia cho biết, giá trị đặc hữu về mặt lịch sử của Thành Điện Hải là di tích này đã chứng kiến sự kiện có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với Đà Nẵng mà còn đối với Việt Nam, đó là ngày 1-9-1858, liên quân Pháp - Tây Ban Nha đã nổ phát súng đầu tiên để xâm chiếm Việt Nam, mở đường ra khuất phục Kinh thành Huế, và ý đồ ấy đã bị bẻ gãy trước sự kiên cường của quân và dân triều Nguyễn và sự lãnh đạo tài ba của các vị danh tướng. Bên cạnh đó, Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia cũng ghi nhận những nỗ lực, quyết tâm rất lớn của chính quyền thành phố từ đầu năm 2017 đến nay đã dành kinh phí hàng chục tỷ đồng để giải tỏa, di dời hơn 70 hộ dân đang sống trong vùng di tích Thành Điện Hải nên đã bỏ phiếu 100% tán thành việc công nhận di tích này là di tích cấp quốc gia đặc biệt.
Đồng tình với nhận định này, TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm bảo tồn Di tích cố đô Huế, cũng cho rằng, cùng với việc di dời, giải tỏa các hộ dân, Đà Nẵng mở rộng khu quy hoạch Thành Điện Hải rộng đến hơn 2,6ha là điều kiện tiên quyết để mở rộng quy hoạch, phục hồi di tích và môi trường cảnh quan xung quanh di tích, điều mà chỉ mỗi Đà Nẵng chứ các địa phương khác như Huế không làm được.
“Điều quan trọng nhất là làm sao để du khách đến phải cảm nhận được rằng đây là một di tích rất đặc biệt, nơi đã từng chứng kiến một cuộc chiến đấu rất anh dũng kiên cường của quân dân Đại Nam trước liên quân xâm lược; một cuộc va đập lịch sử lớn mở ra 1 trang mới của lịch sử dân tộc Việt Nam sang 1 thời kỳ mới - thời kỳ cận đại, mà không địa phương nào khác có được. Cùng với đó, Thành Điện Hải có cơ hội mô tả toàn bộ hệ thống phòng thủ được triều Nguyễn đặc biệt quan tâm - và cũng là cửa ngõ duy nhất vào Việt Nam theo quy định của triều Nguyễn lúc đó. Thành Điện Hải cũng không đơn lẻ mà đối diện còn có Thành An Hải và Trấn dương thất bảo (7 chiếc đồn bảo vệ bờ biển) để bảo vệ cảng khẩu Đà Nẵng. Thế nhưng, đến nay, chỉ duy nhất còn lại Thành Điện Hải; vì vậy, Thành Điện Hải phải làm nhiệm vụ thuyết minh toàn bộ hệ thống phòng thủ này. Đó là những giá trị nổi bật mà di tích Thành Điện Hải phải khai thác và sẽ rất hấp dẫn đối với du khách”, TS. Phan Thanh Hải nhấn mạnh.
PGS-TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Việt Nam, thì cho rằng dự án bảo tồn và phát huy giá trị di tích Thành Điện Hải cần phải được xây dựng xuất phát từ nhu cầu và mong muốn tìm thấy ký ức lịch sử của cha ông, chứ không phải bị quy định bởi tư duy xưa cũ, cứng nhắc của người quy hoạch, người nghiên cứu tu bổ di tích.
Theo GS.TS Trương Quốc Bình, trong thời gian tới, chỉ nên tập trung mọi nỗ lực để triển khai giải tỏa đền bù các hộ dân phía Tây Thành Điện Hải, tu bổ, tôn tạo lại thành trong, thành ngoài và hào nước (cấp nước và giữ nước), cải tạo cảnh quan khuôn viên, bãi đỗ xe, hạ tầng kỹ thuật sân vườn phía ngoài... Sau khi hoàn thành giai đoạn 1 sẽ trả lại nguyên vẹn hào và tường thành ngoài, đồng thời tôn tạo cảnh quan di tích. Việc phục dựng lại một số công trình thiết yếu khi xưa như nhà chỉ huy, trại lính, tháp canh, vị trí đặt súng thần công..., phục dựng cảnh sinh hoạt ở Thành Điện Hải như tổ chức canh gác, sẵn sàng chiến đấu của quan, quân đương thời... phải được nghiên cứu kỹ lưỡng trên cơ sở các tài liệu lịch sử. Ông cũng lưu ý việc tôn tạo, tu sửa di tích Thành Điện Hải phải gắn với cả khu vực rộng lớn từ Thư viện Đà Nẵng, trụ sở Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND TP trên đường Bạch Đằng, khuôn viên xung quanh Trung tâm Hành chính... thành một quảng trường văn hóa – lịch sử giữa trung tâm thành phố.
TS.KTS Hoàng Đạo Cương, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích thì khuyến nghị, để công tác đầu tư, bảo tồn, tôn tạo, phục hồi và phát huy giá trị đạt hiệu quả cao, trước hết cần phải có thêm những khảo sát, nghiên cứu kỹ lưỡng về loại hình thành Vauban cùng thời được xây dựng ở nước ta. Bên cạnh đó, vì các hạng mục nguyên gốc trong thành đều đã mất nên cần hết sức thận trọng khi phục hồi và phải nghiên cứu lỹ tư liệu, đối chiếu các bản vẽ, bản ảnh lưu trữ, và đối chiếu với các ghi chép trong lịch sử. Khi chưa có đủ tư liệu phục hồi thì nên làm các khu vườn hoa tạo cảnh, không nên xây dựng những công trình mới, sai lạc dấu tích gốc.
QUỲNH ĐAN