Lễ hội Cầu Bông
Cứ vào mùng 7 tháng Giêng, nông dân làng rau truyền thống Trà Quế - Hội An lại cúng lễ Cầu Bông. Mùa xuân thêm rộn ràng ước mơ khi hàng trăm hộ gia đình đều sắm sửa lễ vật dâng cúng, cầu mong một năm mới mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, nhà nhà no ấm.

 
Nghi lễ mở mùa

Từ sớm tinh mơ, trong mùi hương rau thơm ngát, trống chiêng đã giục già trẻ, gái trai ở cả 2 làng Đông - Tây tụ hội về đình Tiền Hiền để nghinh thần. Cờ hội dong cao, kiệu, hoa quả tươi, lư hương, án thờ được 4 chàng trai làng vận lễ phục khiêng đi. Trước đoàn rước là hai hàng cờ, biển; sau kiệu thần là trống chiêng, đội gia lễ, đội cổ nhạc và các nghệ nhân, bô lão trong sắc phục áo dài khăn đóng diễu qua khắp các ngõ làng, thôn xóm. Lễ nghinh thần của nông dân Trà Quế bao giờ cũng có thêm đoàn phụ nữ vận áo dài, tay dâng mâm ngũ quả.

Ông Trần Kế, nông dân Trà Quế nói: 'Năm nay làng rau làm ăn khấm khá nên lễ Cầu Bông được tổ chức quy mô. Ngoài phần lễ còn có nhiều hoạt động hội hè vui nhộn để bà con vui hưởng và bước vào một năm mới với nhiều triển vọng tài lộc'.

Đoàn nghinh thần vừa đến Đình, các bô lão tiến hành lễ cúng đất và cúng âm linh theo nghi thức truyền thống. Bàn thờ cúng đất đặt trước và đối diện với bàn cúng chính, trên bàn bày hoa quả, gạo muối, thịt heo, áo giấy và văn tế âm linh. Sau một năm làm ăn vất vả, đến lúc ngơi nghỉ, người nông dân luôn ngưỡng vọng về ân đức của cô bác, âm linh đồng thời bày tỏ lòng thành và niềm thương cảm.

Tiếp sau đó, mọi người bước vào phần tế chính thức với bàn thờ đầy bánh trái, hương hoa và đặc biệt có cả con gà giò. Theo người dân nơi đây, gà giò cúng phải là gà trống, nuôi vừa mới lớn, có màu lông đẹp được luộc hết sức cẩn thận, da, gân phải còn nguyên vẹn. Văn tế có nội dung tôn vinh, ngưỡng vọng công đức tổ tiên, những người đã khai hoang, lập nên làng rau truyền thống trong hơn 500 năm qua. Sau khi lễ tế xong, các cụ cao niên tập trung lại để xem giò gà, nếu gặp giữa bàn chân gà đầy đặn thì xóm làng bình an, khá giả, hoa trái tốt tươi.

Làng rau vào hội

Không chỉ tập trung cúng tế tại đình, cả làng, nhà nào cũng sắm một mâm lễ vật để Cầu Bông. Lễ vật nhất thiết phải có một con gà trống miệng ngậm hoa, trên lưng cắm một con dao làm bằng tre, 5 đĩa xôi hồng cắm 5 cái bông rực rỡ và 1 ly rượu trắng. Ngày này, mọi người đều cảm thấy mình được xác nhận là thành viên quan trọng, không thể thiếu của làng. Chính vì thế, cả ngàn, thậm chí là hàng ngàn người Trà Quế và cả những vùng lân cận đều tụ họp về để tham gia phần hội hè sống động và vui nhộn.

Năm nào cũng vậy, hội làng Trà Quế đều mở màn bằng hội thi cuốc đất trồng rau. Xóm trên, làng dưới chọn những nông dân giỏi để thi thố kỹ thuật cuốc đất, vun luống, chăm tỉa và trồng các loại rau thơm. Xóm nào đoạt giải sẽ được bà con đãi đằng, tiệc tùng linh đình.

Hội Trà Quế thêm phần duyên với hội thi làm món ăn Tôm Hữu - món đặc trưng, riêng của làng, chuyên dùng trong các lễ cúng, hội hè và đãi khách. Ai đã một lần thưởng thức món này, chắc khó quên hình ảnh con tôm cong cong, kẹp với lát thịt cùng cọng rau húng tươi xanh và một tép hành dài quấn quanh - những thứ trồng phổ biến và gắn bó với làng. Ông Trần Giã, nông dân của làng nói: 'Ba thứ ấy siết chặt lại với nhau thành món ăn Tôm Hữu. Đó cũng chính là tình bằng hữu của những người dân quê này. Có lẽ vì thế mà nhiều người còn gọi là Tam Hữu'.

Từ mấy trăm năm qua, bí quyết tạo nên những loại rau Trà Quế thơm nức tiếng cả xứ Quảng không chỉ do đất đai màu mỡ mà còn do ở đây có một loại rong trên sông Cổ Cò. Ngoài phân, nông dân đều bón lót bằng loại rong này. Vì thế, hội thi vớt rong, bón gốc cũng đã diễn ra trong rộn rã tiếng cười. Nhiều năm, lễ hội Cầu Bông còn có phần hội đua ghe ngang của 2 làng Đông - Tây và nhiều làng ven sông khác ở Hội An ngay trên con sông Cổ Cò chảy qua làng.

Lễ Cầu Bông của nông dân Trà Quế đã trở thành một hoạt động độc đáo thu hút đông đảo du khách đến thưởng ngoạn. Từ ngày hội này, mọi người trong làng trở nên gần gũi, thân thiết hơn, với hy vọng về những ngày mới.

(Lam Khê)
 
ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT