Về Thành cổ Quảng Trị

Di tích Thành cổ Quảng Trị là một địa danh nổi tiếng, chứng tích lịch sử. Thế nhưng trong thời gian qua, du lịch Thành cổ Quảng Trị vẫn chưa được khai thác một cách hiệu quả so với tầm vóc và giá trị của nó.

Thành phố “tuẫn đạo”

Trong 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa (1972) Mỹ đã từng ném xuống 80 vạn tấn bom (khối lượng chất nổ bằng 7 quả bom mà Mỹ đã ném xuống Hiroshima (Nhật Bản) trên diện tích 3 km2 của Thành cổ. Cả thị xã Quảng Trị bị chôn vùi, giũ sạch. Có khoảng hơn 14.000 bộ đội, dân quân đã hy sinh. Năm 1975, cả thị xã chỉ còn là đống tro tàn. Vì sự hy sinh mất mát quá lớn lao và sự khốc liệt bạo tàn của chiến tranh nên Thành cổ Quảng Trị được loài người tiến bộ trên thế giới gọi là thành phố “tuẫn đạo” (VilleMartyre).

Ngày nay, cái thị xã nhỏ nhắn hiền hoà bên sông Thạch Hãn đã được xây dựng lại khang trang. Thành cổ được đầu tư phục dựng trở thành nơi chiêm bái, dâng hương tưởng niệm các vong linh anh hùng liệt sĩ đã hy sinh. Hàng năm những ngày lễ (tết, tiết Thanh Minh, ngày Thương binh liệt sĩ, kỷ niệm giải phóng Thành cổ) đều được chính quyền tổ chức một cách long trọng và nghiêm trang.

Thế nhưng, vẫn có cảm tưởng Thành cổ Quảng Trị vẫn chỉ được nhắc đến là chứng tích lịch sử. Việc tổ chức lễ lạt mang nặng ý nghĩa chính trị, xã hội (tất nhiên phải thế) mà quên mất sự kết hợp để quảng bá du lịch. Trong một số tour Thăm lại chiến trường xưa (DMZ) thì những điểm đến Khe Sanh, Lao Bảo, sân bay Tà Cơn, Đường 9, cầu Hiền Lương, địa đạo Vịnh Mốc được nhắc đến nhiều hơn là Thành cổ.

Trong khi đó, Thành cổ Quảng Trị là sản phẩm du lịch đầy sức hấp dẫn, ấn tượng, phong phú với các loại hình đặc trưng của vùng đất khô khốc nằm bên vĩ tuyến 17 này.

Bao giờ Cổ Thành quyến rũ du khách?

Những ngày lễ, cả thị xã trầm mặc trong khói hương tiếc thương những người đã khuất. Sông Thạch Hãn mềm mại hẳn đi để rồi khoác lên mình một dải lụa kết bằng hoa tươi thơm ngát của những cựu chiến binh tiếc thương đồng đội. Đêm về là hoa đăng huyền ảo lấp lánh cả dòng sông. Hoa tươi và hoa đăng không chỉ của cựu chiến binh, của Ban tổ chức mà còn có sự tham gia của người dân thị xã. Hình như đây là một truyền thống đẹp của nhân dân địa phương. Giữa người đã mất và những người đang sống có một mối liên hệ hết sức nghĩa tình, luôn tồn tại trong tâm khảm của những người đang sống. Cả thị xã suốt những ngày lễ luôn bao trùm một không gian tâm linh hết sức kỳ lạ mà bất kỳ một ai từng đến đều có thể chiêm nghiệm, cảm nhận một cách sâu sắc. Đó là những nét đẹp tình cảm, đạo đức, tâm linh đậm chất văn hoá đặc trưng sẽ rất ấn tượng đối với khách du lịch đến từ mọi nơi.

Chỉ tiếc rằng, những ấn tượng đó không được lưu giữ bởi dịch vụ thiếu thốn, kém chất lượng. Để phục vụ cho du khách, hệ thống khách sạn nhà hàng ăn uống, nhân viên phục vụ cần phải được chú trọng và cải tạo. Cả thị xã mới chỉ có một nhà khách đã xuống cấp trầm trọng, một khách sạn nhỏ nên trong những dịp lễ du khách thiếu chỗ ngủ phải ra Đông Hà hoặc vào Huế. Tác phong của các nhân viên phục vụ còn nặng tính bao cấp, chưa tạo nên được sự thân thiện cần thiết...

(Văn Hòa)
ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT