Quảng Nam – Đà Nẵng qua các địa danh (phần 9)
Khâm Đức: Thung lũng có chiều dài 3 km, chiều rộng 1,5km, phía Bắc và Tây Bắc có núi cao án ngữ, phía nam giáp sông Nước Chè, phía Đông giáp sông Nước Tréo và sông Phước Mỹ, phía Tây là rừng già thuộc huyện Phước Sơn. Quốc lộ 14B (Đà Nẵng – Kon Tum) chạy ngang qua đây.


Từ năm 1960 đến năm 1968, Khâm Đức được quân Mỹ xây dựng thành trung tâm huấn luyện biệt kích hoạt động ở miền núi. Ngày 12/5/1968, Quân Giải phóng đã tấn công tiêu diệt căn cứ này do Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 196, Sư đoàn American Mỹ đóng giữ.
Khâm Đức
Thị trấn huyện lỵ
huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, thành lập theo Quyết định số 27/HĐBT ngày 21/2/1986 của Hội đồng Bộ trưởng trên cơ sở diện tích tự nhiên và dân cư cắt ra từ xã Phước Đức. Thị trấn nằm bên quốc lộ 14B.

Khe Tân
Hồ
chứa nước lớn thứ 2 của tỉnh (sau hồ Phú Ninh), diện tích 8.270ha, thuộc 2 xã Đại Chánh và Đại Tân, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.
Công trình khởi công năm 1986, hoàn thành năm 1989, tưới nước cho các xã vùng B của huyện Đại Lộc.

Khương Mỹ
Làng
có tháp cổ Chăm pa thuộc xã Tam Xuân, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Gồm ba ngôi tháp xếp thành một hàng dọc theo trục bắc – nam. Căn cứ vào tác phẩm điêu khắc ở tháp Khương Mỹ, nhà khảo cổ Pháp P.Stern xếp tháp vào phong cách nghệ thuật Khương Mỹ, đầu thế kỷ X.


Kiểm Lâm
Đồi
thấp nằm bên hữu ngạn sông Thu Bồn, thuộc xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Thời Pháp thuộc, một trạm kiểm lâm được đặt trên đồi trông ra sông để kiểm soát gỗ và lâm sản từ thượng nguồn đưa về xuôi theo đường thủy. Đồi mang tên Kiểm Lâm từ đó.
Năm 1947, khi quân Pháp chiếm bờ nam sông Thu Bồn cũng đã thiết lập trên đồi này một đồn binh, thường gọi là đồn Kiểm Lâm. Trong kháng chiến chống Mỹ, nơi này cũng là một căn cứ quân sự của địch.

Kim Bồng
Làng nghề
mộc nổi tiếng của tỉnh Quảng Nam, hình thành vào khoảng thế kỷ 17, nay thuộc vào xã Cẩm Nam, thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam. Nghệ nhân của làng mộc Kim Bồng để lại dấu ấn tài nghệ của mình ở phố cổ Hội An, ở kinh đô Huế, ở Sài Gòn và những ngôi nhà cổ của đất Đồng Nai – Gia Định. Đặc biệt, Kim Bồng cũng là nơi đóng những chiếc ghe bầu – phương tiện vận tải trên sông và trên biển nổi tiếng trong thế kỷ 17, 18, thường được gọi là ghe bầu xứ Quảng.

Kim Sơn
Núi
ở phía tây của cụm Ngũ Hành Sơn, nằm bên bờ sông Hàn, thuộc phường Hòa Hải, Ngũ Hành Sơn. Kim Sơn hình tròn như cái chuông úp khổng lồ. Năm 1950, hòa thượng Thích Pháp Nhãn đã phát hiện ra một cái động ở chân núi, dài 50m, ngang 10m, cao từ 10 -15 m. Nơi cửa động, lớp thạch nhũ tạo thành bức tượng Quán Thế Âm cao bằng người thật, trông rất tự nhiên, thanh thoát. Chính do hình tượng này mà động được đặt tên là động Quan Thế Âm. Hằng năm, lễ hội Quan Thế Âm được tổ chức ở nơi đây vào ngày 19/2 âm lịch.

Kiền
Dốc
ở độ cao hơn 500m, nằm trên tỉnh lộ 604 (Thúy Loan – Prao), cách Đà Nẵng 43km. Đỉnh dốc là ranh giới giữa xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang) và xã Ba (huyện Hiên). Nơi đây ngày xưa là khu rừng kiền kiền, loại gỗ thuộc nhóm 1. Từ dốc Kiền Kiền được nói rút gọn lại thành dốc Kiền.

Kỳ Anh
Xã,
nay là xã Tam Thăng, thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam. Thời kháng chiến chống Mỹ, Kỳ Anh nằm cách trung tâm tỉnh lỵ Quảng Tín (Tam Kỳ ngày nay) khoảng 7km, là bàn đạp quan trọng để lực lượng cách mạng bám dân, bám đất. Đảng bộ và nhân dân Kỳ Anh đã đào một địa đạo có hầm cứu thương, kho dự trữ lương thực, nước uống..Bộ Văn hóa – Thông tin đã ra quyết định số 985/QĐ/Vn (xem lại QĐ) ngày 7/5/1997 công nhận địa đạo Kỳ Anh là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.


Kỳ Hà
Cảng
do quân Mỹ xây dựng năm 1966 ở cửa An Hòa, là cơ sở hậu cần cho căn cứ quân sự Chu Lai ở phía cực nam của tỉnh Quảng Nam. Cảng có chiều sâu 300m, độ sâu từ 7 – 17m, đảm bảo cho tàu 10.000 tấn ra vào an toàn. Cảng Kỳ Hà thuộc xã Tam Quang, huyện Núi Thành, Quảng Nam. Kỳ Hà trong từ Hán Việt có nghĩa là sông lạ.

Cổng TTĐT thành phố
 
 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT