Ở Quảng Nam, người dân còn phải đi phu đào sông, đắp đường ở đèo Hải Vân, đường Đà Nẵng đi Kon Tum, đường vào Nông Sơn để khai thác than, vào Bồng Miêu để khai thác vàng. Ăn uống kham khổ, dang nắng dầm mưa, tai nạn lao động, đau ốm không thuốc làm nhiều người đã bỏ mạng. Tình hình ấy làm cho dân tình xôn xao. Trong một đám giỗ ở làng La Đái thuộc huyện Đại Lộc, một số lý hào và học trò bàn chuyện làm đơn gởi lên tỉnh đòi giảm bớt sưu thuế (9-1908), rồi tập hợp thành đoàn biểu tình, kéo lên tỉnh.
Ở Hòa Vang, Ông Ích Đường hướng dẫn dân truy bắt Lãnh Điềm, một tên tay sai tàn ác của thực dân, nhưng y đã trốn thoát chạy về Đà Nẵng.
Nhận xét về cuộc chống thuế cự sưu bộc phát từ Quảng Nam, rồi lan nhanh ra 10 tỉnh Trung Kỳ, Huỳnh Thúc Kháng - một nhân chứng lúc bấy giờ - đã viết: “Suy cuộc cự sưu năm 1908, thuần nhiên là từ sức quần chúng phơi gan trải ruột, đem xương máu chống lại hai chính phủ: Chính phủ bảo hộ Pháp và Chính phủ Nam triều (…) Rõ ràng là viên đá móng đầu tiên xây nền dân chủ trong thời quyền lực (thống trị) còn vững chãi”(1).
(1) Huỳnh Thúc Kháng, Vụ chống thuế ở Trung Kỳ năm 1908, Nxb. Ích Trí, 1946, tr. 3.