Nữ sĩ Bảo Hòa
Đã từ lâu, giới nghiên cứu văn học sử yên tâm cho rằng khởi đầu nền tiểu thuyết hiện đại Việt Nam là tác phẩm Tố Tâm (1925) của Hoàng Ngọc Phách, còn tập Răng đen của nữ sĩ Anh Thơ (1943) viết về thân phận người phụ nữ Việt Nam là tác phẩm văn xuôi đầu tiên của một cây bút nữ. Tuy nhiên, do những phát hiện gần đây cho biết quyển tiểu thuyết đầu tiên trong văn học hiện đại đầu thế kỷ XX là cuốn tiểu thuyết Tây phương mỹ nhơn của Huỳnh Thị Bảo Hòa, dày 76 trang, khổ 14 x 20cm, nhà in Bảo Tồn (36 bis, phố Bonard, Sài Gòn), 1927, tức là trước tác phẩm Răng đen 16 năm, sau tiểu thuyết Tố Tâmcủa Hoàng Ngọc Phách 2 năm. Sách do Huỳnh Thúc Kháng và nhà báo Bùi Thế Mỹ đề Tựa, nhà thơ Tản Đà viết Lời tặng. Chủ đề của sách nhằm đề cao đức chung thủy, tiết nghĩa của người phụ nữ, dù là người thuộc quốc tịch khác. Nội dung của truyện tóm tắt như sau: Minh Châu và Tuấn Ngọc thuộc một gia đình khá giả ở đất Tam Kỳ. Gia đình này bị phá sản do sự nhũng nhiễu, vu khống để ăn hối lộ của đám quan chức hàng huyện, do đó hai người phải bỏ học nửa chừng. Khi chiến tranh thế giới lần thứ nhất nổ ra (1914-1918), thực dân Pháp mộ lính Việt sang phục vụ chiến tranh ở Pháp. Lợi dụng cơ hội này cả Minh Châu và Tuấn Ngọc đã đầu quân sang Pháp. Tại đây, Tuấn Ngọc đã gặp một nữ khán hộ người Pháp là Bạch Lan, và hai người đã phải vượt qua bao nhiêu khó khăn, trở ngại để đi đến hôn nhân. Chiến tranh kết thúc, hai anh em về nước. Cô gái Pháp Bạch Lan mang thai, sau đó đã vượt trùng dương sang Việt Nam tìm gặp chồng.
Ở phần “Tiểu dẫn” tác giả cũng đã bộc lộ rõ ý đồ sáng tác của mình là đề cao tiết nghĩa, lòng chung thủy, dù đó là một phụ nữ ở trời Tây, nơi quyền tự do cá nhân được đề cao. Tác giả viết: “Một người có đức hạnh, có tài hoa hơn người, dầu là ở nước nào cũng đáng quý trọng, vì là cái gương chung cho hậu thế”. Đề tài hiện đại được thể hiện bằng văn quốc ngữ, nhưng tác giả vẫn chưa thoát khỏi lối kết cấu chương hồi theo tiểu thuyết cổ Trung Hoa. Ví như ở hồi 1 có hai câu thơ mở đầu dẫn vào cốt truyện: “Cơn ngộ biến học đường lỡ bước, lúc sa cơ phú hộ từ hôn”.
Phê bình tác phẩm này, nhà văn Thiếu Sơn viết: “Câu chuyện lý thú được nhiều người truyền tụng và đã được các báo hoan nghinh, nhưng cách phô diễn còn kém bề linh hoạt, tác giả còn chịu ảnh hưởng cựu học, và hầu như không biết gì đến cái nghệ thuật của văn học phương Tây” (Phụ nữ tân văn, số 231, ngày 1-1-1934).
Nhà nghiên cứu Trương Duy Hy đã dày công phăng tìm được tác giả của Tây phương mỹ nhơn và cho biết tác giả Huỳnh Thị Bảo Hòa tên thật là Huỳnh Thị Thái, sinh năm 1896 tại làng Đa Phước, huyện Hòa Vang, nay thuộc xã Hòa Minh, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Lúc nhỏ bà học chữ Hán, sau theo học chữ quốc ngữ. Trưởng thành, bà kết duyên cùng với ông Vương Khả Lâm và theo chồng về sống ở Đà Nẵng. Sớm chịu ảnh hưởng của phong trào Cải lương, phong trào Duy tân đang bùng phát trên khắp đất nước những thập niên đầu thế kỷ XX, bà nhanh chóng thích nghi với xã hội đô thị, và trở thành người phụ nữ tân tiến lúc bấy giờ, tổ chức diễn thuyết, viết báo, hô hào giải phóng phụ nữ, cổ vũ học chữ quốc ngữ… Bà là nữ thông tín viên thường trực của tờ Thực nghiệp dân báo ở Đà Nẵng, viết bài đăng ở các báo khác như Nam phong (Hà Nội), Tiếng dân (Huế), Đông Pháp thời báo (Sài Gòn). Ngoài quyển tiểu thuyết Tây phương mỹ nhơn, bà còn viết cuốn Chiêm Thành lược khảo (1941).
Sự phát hiện Tây phương mỹ nhơn, giúp cho các nhà nghiên cứu lịch sử văn học ghi nhận thêm một sự thật lịch sử và đóng góp của một nhà văn nữ quê ở Quảng Nam - Đà Nẵng vào nền văn học hiện đại đầu thế kỷ.