Vấn đề bảo tồn di tích Thành Điện Hải gắn với phát triển du lịch

PGS.TS Đặng Văn Bài

Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa

1. Nhận diện giá trị di tích để xây dựng quy hoạch tổng thể bảo tồn gắn với phát triển du lịch

Phương pháp tiếp cận đúng đắn để nhận diện rõ các mặt giá trị tiêu biểu của di tích như là một chỉnh thể là yêu cầu cấp thiết đầu tiên. Tôi cho rằng, có thể căn cứ vào một số tiền đề sau đây để khẳng định giá trị của di tích Thành Điện Hải, Đà Nẵng:

Từ góc nhìn về lợi ích ở tầm quốc gia dân tộc, ta thấy rất rõ một số yếu tố cực kỳ quan trọng như: lãnh thổ quốc gia - không gian sinh tồn của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, (Đà Nẵng là một bộ phận cấu thành sự toàn vẹn của lãnh thổ đó) là di sản văn hóa vật chất quý giá nhất (ở tầm vĩ mô); nòi giống Lạc Hồng (con Rồng cháu Tiên) với hai loại gen di truyền cơ bản là sinh học và văn hóa mà “hồn cốt” của nó chính là tiếng nói, chữ viết - loại công cụ đặc biệt cho tư duy trừu tượng, khả năng nhận thức xã hội và cũng là yếu tố phân biệt về văn hóa giữa các dân tộc; một cơ cấu của xã hội hợp lý có khả năng gắn kết cộng đồng các dân tộc quốc gia vào chung một vận mệnh trong suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm tồn tại và phát triển. Ở Việt Nam, nổi bật lên cơ cấu làng xã nông nghiệp truyền thống - yếu tố căn bản làm nên nền văn minh nông nghiệp lúa nước ở vùng Đông Nam Á. Có thể coi ngôn ngữ, chữ viết và cơ cấu xã hội là những yếu tố quan trọng làm nên giá trị di sản hóa phi vật thể quan trọng của mỗi quốc gia. Cần khẳng định là, thiếu hoặc đánh mất một trong ba tiền đề quan trọng nêu trên, chắc chắn không thể duy trì được nền độc lập tự chủ của một quốc gia dân tộc và kèm theo đó cũng là sự đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc. Và Đà Nẵng cùng quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa là một trong những vị trí địa lý - chính trị - chiến lược quan trọng tạo nên sự toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia.

Ngoài các yếu tố văn hóa nội sinh/bản địa nêu trên, chúng ta cũng phải quan tâm tới các yếu tố ngoại sinh - một trong hai hợp phần căn bản trong cấu trúc văn hóa và cũng là yếu tố quy định bản sắc văn hóa dân tộc. Khả năng tiếp thu có chọn lọc và “Việt Nam hóa” một cách khả dụng tinh hoa văn hóa nhân loại/yếu tố văn hóa ngoại sinh để tạo nên sự dung hợp văn hóa - nền tảng của một nền văn hóa Việt Nam thống nhất trong sự đa dạng, chính là một sáng tạo văn hóa lớn lao của cộng đồng 54 dân tộc chúng ta hôm nay. Tôi cũng cho rằng, cố Giáo sư khả kính Trần Quốc Vượng đã rất có lý khi luôn yêu cầu các nhà nghiên cứu trẻ phải xem xét văn hóa trong bối cảnh tiếp xúc văn hóa và đưa ra một số một cơ tầng văn hóa Việt Nam: cơ tầng Đông Nam Á, thành tố văn hóa Nam Á, Nam Đảo, Đông Á, Tây Phương (Anh, Pháp, Nga, Mỹ…) điều này là hoàn toàn phù hợp với quan điểm tiếp cận để nhận diện giá trị di tích Thành Điện Hải. Phương pháp tiếp cận đó giúp chúng ta tránh được hai xu hướng: hạ thấp và ngược lại, quá đề cao yếu tố Tây phương trong giá trị kiến trúc Thành Điện Hải (nếu xét nó dưới góc độ một hệ thống phòng thủ hoàn chỉnh do Nguyễn Tri Phương lập nên trong những năm 80 của thế kỷ XIX).

Quy định của các văn bản quy phạm pháp luật cũng là một căn cứ pháp lý cần được vận dụng trong việc nhận diện giá trị của một di tích quốc gia đặc biệt như di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Thành Điện Hải, thành phố Đà Nẵng: Ta thấy các mục (a) và (b), Khoản 3, Điều 29 Luật Di sản văn hóa năm 2001 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 đã định nghĩa khá rõ về các tiêu chí xác định giá trị di tích: “Di tích quốc gia đặc biệt là di tích có giá trị đặc biệt tiêu biểu của quốc gia bao gồm:

a) Công trình xây dựng, địa điểm ghi dấu sự kiện, mốc lịch sử quan trọng của dân tộc hoặc gắn với anh hùng dân tộc, danh nhân, nhà hoạt động chính trị, văn hóa, nghệ thuật, khoa học nổi tiếng có ảnh hưởng quan trọng đối với tiến trình lịch sử của dân tộc;

b) Công trình kiến trúc, nghệ thuật, quần thể kiến trúc, tổng thể kiến trúc đô thị và địa điểm cư trú có giá trị tiêu biểu trong các giai đoạn phát triển kiến trúc, nghệ thuật Việt Nam;

Xét về mặt lịch sử ta thấy, những sự kiện diễn ra ở Đà Nẵng nói chung và khu vực Thành Điện Hải nói riêng trong những năm 1858 - 1860 có ý nghĩa như là những dấu mốc quan trọng mà theo giới nghiên cứu sử học Việt Nam thì đây là “dấu mốc” mở đầu cho giai đoạn chuyển tiếp lịch sử Việt Nam từ Cổ trung đại sang Cận hiện đại - giai đoạn mà cả dân tộc phải đối mặt với áp lực của kẻ thù xâm lược phương Tây và cũng là giai đoạn có sự giao thoa mạnh mẽ giữa hai luồng văn hóa Đông - Tây.

Các sự kiện lịch sử diễn ra ở Thành Điện Hải còn ghi dấu ấn của Nguyễn Tri Phương - vị danh thần khí tiết của nước Nam. Ông là vị danh tướng xuất thân từ quan văn đã hết lòng tận tụy vì nước, trung nghĩa với quốc gia đến hơi thở cuối cùng, thể hiện tinh thần “Xã tắc hưng vong - Thất phu hữu trách”. Dưới quyền chỉ huy của Nguyễn Tri Phương, nghĩa sĩ Bắc Kỳ cùng quân dân Đà Nẵng đã làm nên phòng tuyến Liên Trì đánh lui quân xâm lược Pháp - Tây Ban Nha ra khỏi Đà Nẵng vào ngày 23 tháng 3 năm 1860. Đến tuổi 73 mà ông vẫn cùng hơn 2.000 lính triều đình cố thủ thành Hà Nội để rồi phải tuyệt thực giữ thủ tiết, không chịu khuất phục kẻ thù với câu nói để đời: “Bây giờ nếu ta chỉ gắng lay lắt mà sống sao bằng thung dung chết về việc nghĩa”. Đó là tấm gương sáng về đạo đức - tấm lòng trung hiếu đáng để cho muôn đời noi theo. Như vậy, di tích Thành Điện Hải có giá trị lưu niệm sự kiện lịch sử và lưu niệm danh nhân trung liệt của đất nước là Nguyễn Tri Phương.

Nếu lãnh thổ quốc gia - không gian sinh tồn/không gian sống cho cả một dân tộc - là loại di sản văn hóa vật thể ở tầm vĩ mô nhất thì đô thị/thành phố là loại di sản đô thị ở cấp độ thứ hai tạo không gian sống cho một tập hợp các tầng lớp cư dân đô thị thật cụ thể. Đấy là những bằng chứng về khả năng thích ứng của con người với các điều kiện thiên nhiên và lịch sử ở một địa phương đã xác định để tạo lập cuộc sống ổn định lâu dài. Với quan niệm như vậy, cần xem xét Thành Điện Hải như là một hợp phần quan trọng tạo thành di sản kiến trúc đô thị Đà Nẵng trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Nhìn trên mặt bằng quy hoạch đô thị (hay ý tưởng quy hoạch ban đầu cho điểm cư dân lịch sử vùng cửa biển sông Hàn) của Đà Nẵng, Thành Điện Hải chắc chắn phải đóng vai trò một trong những trọng điểm quy hoạch quyết định hướng phát triển cho cả đô thị tương lai với tư cách là một “điểm nhấn” đô thị chứ không chỉ có một một chức năng duy nhất là hệ thống phòng thủ quân sự. Vì một thời chúng ta có cái nhìn sai lệch về giá trị kiến trúc đô thị của Thành Điện Hải mà đã có cách ứng xử thiếu văn hóa, gây ra những ý kiến bức xúc trong xã hội. Đây là vấn đề cần được quan tâm, xử lý trong quá trình đô thị hóa thành phố Đà Nẵng trong tương lai. Bởi vì xét cho cùng, không có thành phố nào xây dựng từ bình địa mà chúng luôn là kết quả của một quá trình kiến tạo không gian đã có và cũng là quá trình can thiệp vào cái cũ để tạo dựng cái mới.

Cuối cùng, cần nhìn nhận di tích Thành Điện Hải dưới hai góc độ: di tích lịch sử và kiến trúc quốc gia đặc biệt (với tư cách là di sản văn hóa - tài sản văn hóa - sản phẩm văn hóa) và là loại tài nguyên du lịch đặc thù có tiềm năng lớn góp phần thúc đẩy phát triển du lịch bền vững cho Đà Nẵng nếu ta biết kết hợp giữa văn hóa với kinh tế du lịch.

2. Cần phóng chiếu những định hướng trong việc phát triển đô thị Đà Nẵng nói chung và bảo tồn Thành Điện Hải gắn với phát triển du lịch bền vững nói riêng

Như phần trên đã phân tích, di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Thành Điện Hải hàm chứa nhiều mặt giá trị, ít nhất theo tên gọi, thì cũng có hai mặt nổi trội là lịch sử và kiến trúc. Tuy nhiên, về bản chất di tích này lại là nơi lưu giữ những “ký ức” lịch sử về một đô thị ven biển từ thời xa xưa, sớm nhất là địa điểm cư dân gắn với văn hóa Sa Huỳnh (tiền Chăm Pa), rồi thời kỳ Chăm Pa, Đại Việt, thời kỳ các vị Chúa Nguyễn, các vị vua triều Nguyễn, tiếp đến là giai đoạn thuộc Pháp, thời kỳ chính quyền Việt Nam Cộng hòa và cuối cùng là giai đoạn phát triển hiện đại sau khi đất nước được thống nhất về một mối từ năm 1975 trở lại đây. Do đó, cần làm rõ vai trò của di tích ở từng giai đoạn lịch sử đã qua để thấy giá trị của nó như một “hệ thống ký ức” đô thị mà không nên chặt khúc, tách biệt từng giai đoạn.

Mặt khác, với tư cách là một “điểm nhấn” đô thị của Thành cổ Điện Hải, chúng ta phải xem xét nó trong bối cảnh mối quan hệ hữu cơ giữa môi trường cảnh quan thiên nhiên và không gian kiến trúc nhân tạo mà tòa thành là một “mối nối” quan trọng trong suốt chiều dài lịch sử phát triển đô thị cả hiện tại và tương lai ở một cảng thị ven biển. Trong bối cảnh sinh thái đó, Thành Điện Hải có vai trò kết nối vùng núi từ đèo Hải Vân (Hải Vân Quan), cửa sông Hàn thông với biển, vùng bãi biển Mỹ Khê liên kết với Hội An và đặc biệt là cảnh quan sinh thái bán đảo Sơn Trà. Địa hình thiên nhiên khu vực Đà Nẵng kết hợp với Thành Điện Hải và hệ thống phòng thủ do Nguyễn Tri Phương lập ra để ngăn chặn hướng tấn công của quân Pháp - Tây Ban Nha vào kinh thành Huế. Ngày nay, Đà Nẵng vẫn tiếp tục đóng vai trò như một trong những vị trí chiến lược địa quân sự (Đà Nẵng - Hoàng Sa - Trường Sa), phòng thủ biển Đông cho Việt Nam.

Với tư cách là một bộ phận di sản kiến trúc đô thị, vấn đề quy hoạch tổng thể bảo tồn Thành Điện Hải gắn với phát triển du lịch bền vững thành phố Đà Nẵng đặt ra yêu cầu phải đầu tư vào việc nghiên cứu mang tính chất liên ngành để nhận diện thật sâu sắc và toàn diện các mặt giá trị của di tích. Tôi nghĩ rằng, Báo cáo dự án bảo tồn và phát huy giá trị di tích Thành Điện Hải chưa được xây dựng trên cơ sở kết quả của một công trình nghiên cứu khoa học có tính liên ngành. Đấy là yếu điểm cần được khắc phục trong thời gian tới.

Trong lý thuyết bảo tồn hiện đại người ta đề xuất một cách tiếp cận mới/cách thao tác có tính sáng tạo để lôi kéo sự tham gia không chỉ những người lớn tuổi mà phải hướng tới thế hệ trẻ. Theo đó, việc bảo tồn di sản đô thị thực chất là phải tìm ra một mô hình quản lý có khả năng dung hòa được mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển theo phương thức hiện đại: bảo tồn, duy trì cấu trúc vật chất (vật “mang vác”/chuyển tải các giá trị văn hóa phi vật thể và văn hóa vật thể) của di sản, đồng thời, vẫn có thể tái tạo, tái sử dụng làm cho các giá trị di sản hội nhập vào cuộc sống của một đô thị hiện đại như Đà Nẵng. Có nghĩa là phải xác định rõ, trong một di tích đang tồn tại dưới dạng phế tích kiến trúc như Thành Điện Hải cái gì là yếu tố bất biến/cần duy trì bằng mọi giá và cái gì là yếu tố khả biến có thể thay đổi, cải tạo, thích nghi thậm chí là xây dựng mới để các giá trị di tích tìm được/khẳng định được vị trí trong đời sống xã hội hôm nay và cả mai sau. Bởi vì, biến một di tích quốc gia đặc biệt từ dạng tài nguyên văn hóa/tiềm năng du lịch thành một sản phẩm du lịch - văn hóa đòi hỏi phải có một chuỗi các thao tác kỹ thuật và quy trình công nghệ có liên quan và khá phức tạp để cho di sản văn hóa kết hợp với các loại hình dịch vụ tương thích mới trở thành thứ hàng hóa có hàm lượng trí tuệ cao.

Những sản phẩm như thế phải hàm chứa những nội dung văn hóa thật sâu sắc và hấp dẫn, lại được hỗ trợ bởi các phương tiện kỹ thuật hiện đại để thu hút sự chú ý của người dân và cũng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho họ tiếp cận và hưởng thụ các mặt giá trị tiêu biểu trong một di tích quốc gia đặc biệt.

Mặt khác, dự án bảo tồn và phát huy giá trị di tích Thành Điện Hải cần phải được xây dựng xuất phát từ nhu cầu và mong muốn tìm thấy ký ức lịch sử của cha ông cũng như mường tượng ra được chính bản thân mình của du khách, chứ không phải bị quy định bởi tư duy xưa cũ, cứng nhắc của người quy hoạch, người nghiên cứu tu bổ di tích. Xem qua dự án do Bảo tàng Đà Nẵng gửi ra, tôi có cảm giác rất thiếu vắng những ý tưởng sáng tạo mang tính đột phá. Có lẽ nhóm tác giả chưa có điều kiện đầu tư sâu cho việc nghiên cứu về di tích này. Chúng ta phải trả lời hàng loạt các câu hỏi như: cái gì cần bảo tồn, bảo tồn để làm gì và bảo tồn phục vụ cho ai và họ có mong muốn gì khi bỏ tiền mua vé vào thăm di tích này. Đặc biệt phải trả lời câu hỏi cơ bản là chúng ta sẽ tạo ra ở Thành Điện Hải một sản phẩm gì thật sự hấp dẫn và khác biệt trong thế so sánh với khu sinh thái bán đảo Sơn Trà, bảo tàng chăm Đà Nẵng, khu phố cổ Hội An v.v…Di tích Thành Điện Hải sau khi tu bổ, tôn tạo phải được đặt trong nền cảnh một không gian “phố xưa Đà Nẵng” và những hàng cây xanh để có một không gian công cộng điển hình. Nếu không làm được điều đó chắc chắn sản phẩm do chúng ta tu bổ tôn tạo sẽ không bao giờ lọt vào tầm ngắm cũng như bảng lựa chọn điểm đến du lịch của khách trong nước và quốc tế. Và do đó vấn đề mấu chốt luôn đặt ra là tạo lập sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển sẽ không được giải quyết một cách thỏa đáng./.

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT