Lên non tắm thác
Bhơhoong (sông Kôn, Đông Giang), thác Grăng, dệt thổ cẩm Zara (Tabhing, Nam Giang) đang dần quen thuộc với giới lữ hành. Thác đẹp như huyền thoại và bàn tay mỹ cảm của phụ nữ Cơtu bên khung vải thoăn thoắt giữa đại ngàn Trường Sơn... Thế mới có câu: Lên non tắm thác, về làng xem... tay

Thác tung như sương khói

Không có nghi thức cúng tế thần linh thăng hoa sắc màu ấm áp. Vắng những điệu múa rộn ràng ngày mở hội 'Mừng lúa mới' của đồng bào Cơtu hồi tháng 6. Nhưng làng Bhơhoong, nép bên dòng sông Kôn vẫn còn nguyên nét đẹp của một ngôi làng đậm bản sắc văn hoá cư dân miền núi. Gương mặt sơn nữ hồn nhiên, rạng rỡ, khoe đôi bàn tay tài hoa, đan, dệt vải, tạo tác hương vị ẩm thực chân quê với cơm lam, xôi ống, thịt nướng lá, rượu cần... bên nếp nhà Moong, nhà Gươl dịu dàng, duyên dáng.

Âm thanh dịu dàng, ngọt ngào của làng sẽ còn vương vấn chân người vượt 'dọc đường cái quan Trường Sơn huyền thoại' để đến Grăng và thổ cẩm Zara ở đại ngàn sông Thanh. Từ 14D như dải lụa mềm vắt lưng chừng núi, một đường mòn ngoằn ngoèo, dẫn du khách qua rẫy lúa, nương bắp, lúc ngang dọc theo suối, thấp thoáng theo sườn đồi... đẹp như tranh vẽ.

Thi thoảng bên đường, rừng nguyên sinh bạt ngàn, bí ẩn... là những bộ ván dã chiến, nhiều chiếc võng rừng bằng rễ cây tự nhiên dựng bên những trạm nghỉ chân..., lấy sức chinh phục 'tam thác Grăng'. Con đường dốc, hiểm trở, hẹp... chỉ còn là vệt mờ trong ký ức khi đứng trước dòng thác như huyền thoại. Đẹp nhất là thác 3. Cao khoảng 30m. Sương mờ bụi nước. Cảm giác như lạc vào cõi 'đào nguyên xưa' của Lưu Nguyễn.

Bàn tay người sơn nữ

Suối nguồn trong trẻo, Grăng 'đuổi' theo chân khách đến tận làng Zara với bàn tay người phụ nữ Cơtu tài hoa bên khung dệt truyền thống tổ tiên truyền lại. Làng nhỏ, thanh bình với đàn bò gặm cỏ bên triền sông. Làng Cơtu nào cũng có người đan áo, dệt vải, nhưng không đâu bằng Zara với những chiếc váy áo, tấm dồ thổ cẩm đính bằng những hạt cườm tinh xảo.

Tinh hoa giá trị văn hoá thổ cẩm Zara đã hấp dẫn ngay tổ chức Fird, đến nỗi, họ đã không ngần ngại bỏ ra một khoản tiền khá lớn để đầu tư khôi phục làng nghề. Không còn tự tay trồng bông, kéo sợi nhuộm bằng 9 màu tự nhiên, nhưng phụ nữ của làng đã có thể ngày ngày đến với căn nhà dài, dựng bên cạnh nhà Gươl, tự tay đan dệt những sản phẩm thổ cẩm thủ công độc đáo của làng.

Về phố. Nhớ đến những người làm du lịch xứ núi dự định tái hiện các sinh hoạt của đường Hồ Chí Minh; có trạm giao liên, lán hậu cần, trạm quân y, chòi canh gác, nhà ăn và cả lán văn công. Mỗi khách là một chiến sĩ năm xưa học cách mắc võng với ba lô, gậy Trường Sơn, lội suối, vượt ngầm...

(Hoàng Lý)
ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT