Nhà Thờ Phú Thượng
Phú Thượng nằm gọn giữa vùng trung du dưới chân Núi Chúa với Khu du lịch Bà Nà nổi tiếng, chỉ cách thành phố Đà Nẵng 13 km về phía tây theo đường chim bay. Ngoài Phú Thượng, khu vực này tập trung những xứ đạo cổ kính của Giáo phận Đà Nẵng như An Ngãi, Phước Đông, Tùng Sơn, Lộc Hòa.


Trước đây, người dân Phú Thượng sinh sống bằng nghề trồng và chế biến chè, thêm rẫy vườn nương ruộng, nhưng ngày nay, đa số chuyển sang nghề sản xuất đá ốp-lát thiên nhiên vốn rất phong phú trong khu vực. Chè Phú Thượng một thời nổi tiếng với hương vị rất riêng, ngọt ngào đậm đà hơn so với chè những nơi khác. Sau một thời gian bị lãng quên, bây giờ lại bắt đầu khởi sắc.


Giáo xứ Phú Thượng được thành lập vào năm 1876, do các linh mục người Pháp dòng Thừa xây dựng. Giáo sứ nằm trên địa bàn xã Hòa sơn, Quận Hòa Vang, Thành phố Đà Nẵng, được phân chia làm năm giáo xóm với hai giáo họ Lộc Hòa và Tùng Sơn. Lễ Quan Thầy là Đức Mẹ Mân Côi, được mừng vào Chúa Nhật đầu tháng 10 hằng năm. Giáo xứ bao gồm hai xứ đạo với 6 nhà thờ, 2 nhà nguyện tạo thành một quần thể kiến trúc công giáo độc đáo; trong đó nhà thờ lớn, cổ nhất là nhà thờ Phú Thượng.

Nhà Thờ Phú Thượng nằm trên đường 605, từ ngã ba Hòa Khánh đi Bà Nà, cách Đà Nẵng khoảng 20 km về phía tây, thuộc địa phận xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang. Được hoàn thành năm 1887, nhà thờ Phú Thượng toát lên vẻ cổ kính, trầm mặc. Hiện nay, nhà thờ đang được trùng tu để thay thế các cột gỗ giữa nhà thờ đã bị mối mọt làm hư hại bằng các dầm bằng bêtông. Đối diện nhà thờ Phú Thượng có một khuôn viên dành cho dòng tu kín Phao-lô.
Cách Nhà thờ Phú Thượng không xa là nhà thờ Tùng Sơn. Quy mô nhà thờ không lớn bằng nhà thờ Phú Thượng và thời gian hoàn thành cũng trễ hơn (năm 1904). Nhà thờ Tùng Sơn có dáng vẻ uy nghi với ba cánh cổng lớn dẫn vào một sảnh rộng. Đây là một nhà thờ với kiểu kiến trúc độc đáo và rất đẹp mắt.

Cổng TTĐT thành phố
 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT