Chiến thắng Trà Bàn của vua Lê Thánh Tông (1471)
Năm Hồng Đức thứ nhất (1470), tình hình trong nước đã yên, song song với chiến lược củng cố và phòng thủ mặt bắc, vua Lê Thánh Tông rất quan tâm đến việc củng cố mặt nam Hóa Châu. Nguyên đây là vùng đất Chiêm Động và Cổ Lũy mà vua Chiêm là Ba Đích Lại đã cắt nhượng cho nhà Hồ năm 1402

Nhân việc vua Chiêm là Bàn La Trà Toàn đem hơn 10 vạn quân thủy bộ cùng voi ngựa đánh úp châu Hóa vào tháng 8 năm Canh Dần (1470), nhà vua quyết định mở cuộc Chiêm phạt bằng một đòn tối hậu, nhằm giải quyết tận gốc vấn đề an ninh biên giới phía Nam. Vì vậy, việc chuẩn bị xuất quân cực kỳ chu đáo.

Nhà vua thân hành soạn ra “Bình Chiêm sách”, rồi cho phiên ra quốc ngữ (chữ Nôm) để phổ biến rộng rãi trong quân ngũ.
 
Ngày 7 tháng 2, vua trực tiếp dẫn hơn 1.000 chiếc thuyền, 70 vạn tinh binh ra hai cửa biển Tân Áp và Cựu Tọa (tức cửa Lở và cửa Hiệp Hòa thuộc tỉnh Quảng Nam ngày nay) tiến vào cửa Thị Nại, bao vây kinh đô Trà Bàn, bắt sống được vua Chiêm là Trà Toàn cùng hơn 50 người trong hoàng tộc và 3 vạn tù binh(1).
 

Chiến thắng lớn lao này không những khôi phục được 4 châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa (thời Hồ), mà còn mở rộng bờ cõi Đại Việt đến tận miền Vijaya (tức tỉnh Bình Định ngày nay). Chiến thắng Trà Bàn cũng đặt dấu chấm hết những cuộc đột kích, cướp phá thường xuyên vùng biển phía Nam của Đại Việt; đồng thời tạo thêm không gian của Đại Việt có chiều sâu hơn để đối phó lại sự uy hiếp của người láng giềng khổng lồ phía Bắc.

Tháng 6-1471, nhà vua lấy phần đất chiếm được, lập thừa tuyên Quảng Nam đạo, tức thừa tuyên thứ 13 của quốc gia Đại Việt(2). Thừa tuyên Quảng Nam thống lĩnh 3 phủ: Thăng Hoa, Tư Nghĩa và Hoài Nhơn, tức phần đất nửa tỉnh phía nam Quảng Nam, tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Bình Định ngày nay.

(1) Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Nxb. Khoa học xã hội, H., 1985, tr. 450. Ở phần chú thích cuối trang các dịch giả ghi: “Dịch theo nguyên văn, con số này có lẽ chưa chính xác”.

(2) Danh sách 12 đạo thừa tuyên của Đại Việt trước năm 1471, đời Hồng Đức: Sơn Nam, Kinh Bắc, Sơn Tây, Hải Dương, Yên Bang, Lạng Sơn, Ninh Sóc, Tuyên Quang, Hưng Hóa, Thanh Hóa, Nghệ An và Thuận Hóa.

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT