Quảng Nam Đà Nẵng qua các địa danh (phần 2)
Ba Bến: Ngã ba sông, nơi dòng sông Con đổ vào sông Vu Gia. Tại làng Hà Tân, nơi đây có đò ngang sang đất Đại Hồng. Dân gian quen gọilà đò Ba Bến.

 

Ba Khe
Khu vực
nằm ở phía Tây Động Hà Sống thuộc xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Địa hình một bên là núi cao, một bên là sông Vu Gia. Đoạn quốc lộ 14B chạy ngang qua đây có 3 cây cầu vượt qua liên tiếp 3 khe lớn: khe Hà Thanh, khe Giữa, khe Bàu Đơn.

Bà Nà
Núi,
dân gian thường gọi là núi Chúa, cao 1482m, thuộc dãy Trường Sơn, cách thành phố Đà Nẵng 28km về phía Tây. Bắc giáp sông Cu Đê và xã Hòa Bắc, nam giáp sông Lỗ Đông, đông giáp xã Hòa Ninh và Hòa Phú, Tây giáp huyện Đông Giang. Đỉnh núi thường bị che phủ. Sườn núi là đầu nguồn của nhiều con sông: Cu Đê, Vàng, Thúy Loan, Lỗ Đông.

 
Bà Rén
Xứ đất
thời Chăm pa có một ngôi đền thờ tượng rắn thần Nagar bằng sa thạch. Sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn viết vào thế kỷ 18 ghi “Ba xứ Phường Tây, Thu Bồn và Vực Rắn đều là đại đồng điền của hai phủ Thăng Hoa và Điện Bàn”.

Bà Rén
Cầu
trên quốc lộ 1A, bắc qua sông Bà Rén dài 250m thuộc xã Duy An, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam.
Bà Rén
Chợ
thuộc loại lớn ở nông thôn, quy tụ các luồng hàng lâm thổ sản trong vùng, nằm cạnh phía tây quốc lộ 1A và gần sông Bà Rén nên rất thuận tiện về mặt giao thông.

Bãi Ông
Di chỉ khảo cổ
được khai quật vào tháng 6.2000, các hiện vật có niên đại từ 3000-3100 năm. Hiện vật được tìm thấy gồm: bàn mài, rìu tứ giác được mài toàn thân, nàn nghiền, dọi xe sợi, chì lưới bằng gốm.

 
Bảo An
Làng
ở phía Tây Gò Nổi (giữa hai nhánh sông Thu Bồn) thuộc xã Điện Quang, huyện Điện Bàn. Đây là một làng đặc biệt nhất của tỉnh Quảng Nam, được coi là đô thị hóa khá sớm, trước Cách mạng Tháng Tám 1945, với sự phát triển của các nghề thủ công như làm đường cát, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa,..

Bàu Trám
Di chỉ khảo cổ
được phát hiện năm 1979 tại xã Tam Anh, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh. Di tích, di vật gồm hàng chục rìu đá, cuốc đá, bàn mài, khuyên tai, …Bàu Trám là nơi xưa kia có nhiều cây trám mọc.

Bằng An
Làng
thuộc tổng Hạ Nông, phủ Điện Bàn, huyện Điện Bàn, Quảng Nam. Nơi đây có một tháp Chăm được xây dựng vào khoảng thế kỷ 10 lấy tên là Linga Paramesvara. Tháp Bằng An là ngôi tháp duy nhất có mặt bằng hình bát giác của người Chăm còn tồn tại đến nay.

Bằng Than
Thắng cảnh
được cấu tạo bằng những lớp phiến thạch đen như than, có nguồn gốc trầm tích biển xếp chồng lên nhau sát biển, dài khoảng 3km, cao khoảng 100m, bao quanh mũi An Hòa, xã Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Trên mặt dãy đá khá bằng phẳng, thời chiến tranh, trực thăng Mỹ thường đổ quân nơi đây trong các trận càn. Bằng có nghĩa là bằng phẳng.

Bến Cồn Chăm
Bến sông
rộng ở làng Bàn Thạch, nay thuộc xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, là điểm hội tụ của ba dòng sông chính: Thu Bồn, Bà Rén, Trường Giang trước khi đổ ra Cửa Đại. Xưa, đây là điểm cuối của đường bộ nối từ kinh đô Simhapura (Trà Kiệu) đến cửa Đại Chiêm, một bến cảng quan trọng của Vương quốc Chăm pa, nay là Cửa Đại.

Bến Dầu
Chợ
nằm ở tả ngạn sông Thu Bồn, đồng thời là một bến ghe thuyền, thuộc xã Đại Thạnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Các nguồn hàng lâm thổ sản khai thác từ rừng phía tây vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, mà mặt hàng đặc trưng là dầu rái, được tập trung về đây, rồi chở đi tiêu thụ ở Hội An, Đà Nẵng và các tỉnh.

Bến Giằng
Vùng đất
nơi ngã ba con sông Thanh đổ vào sông Nước Mỹ, có một bãi cát bằng phẳng nằm ở phía trên thác, làm nơi bến đậu của ghe thuyền có tên là Bến Giằng Xay. Về sau bến Giằng Xay được rút gọn lại còn Bến Giằng. Năm 1948, chính quyền cách mạng lập châu Bến Giằng, sau đổi thành huyện Giằng, nay là huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam.

Bến Hiên
Vùng đất
nơi ngã ba sông Trăng chảy vào sông Con có một bãi bồi rộng. Đầu thế kỷ XX, có một người miền xuôi lên đây vỡ hoang trồng lúa, bắp, ..Ghe lái buôn chở hàng lên đổi với người dân tộc ghé vào đây. Người Cơ tu đem lâm sản từ các buôn làng đổi lấy muối, vải,..Năm 1950, đơn vị hành chính cấp huyện được thành lập để quản lý các thôn làng các dân tộc phía Tây bắc Quảng Nam lấy tên là huyện Hiên, nay là huyện Đông Giang và huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam.

Bến Trễ
Bến sông
nằm bên sông Cổ Cò, thuộc làng Thanh Hà, Hội An. Trễ từ cổ chỉ một loại xuồng, ghe nhỏ đan bằng tre, trét dầu rãi, bề ngang từ 50 – 80 cm, bề dài từ 4 -5m, được ngư dân dùng để đánh bắt tôm, cá,..

Bến Ván
Bến thuyền
tên chữ là Bản Tân, nằm bên hữu ngạn con sông cùng tên. Ngày xưa gỗ khai thác từ nguồn Hữu Ban chuyển theo đường nước về đây, được xẻ thành ván cung cấp cho ngành đóng thuyền và làm đỗ gia dụng. Bến Ván nay thuộc thị trấn Núi Thành huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.

Bồ Đồ
Núi đất
cao 55m so với mực nước biển, đỉnh tương đối bằng phẳng, rộng 1,5km2, làm ranh giới giữa hai xã Điện Tiến và Điện Thọ.
Về nguồn gốc địa danh Bồ Bồ được giải thích như sau: Nguyên đây là đỉnh cao nhất của cụm “núi đất” dài hơn 2km, thuộc làng Đức Ký. Sau “Hiệp ước phòng thủ chung” ở Đông Dương giữa Pháp và Nhật được ký kết, quân Nhật được tự do đóng quân ở Đông Dương. Trên đất Điện Bàn, Nhật xây dựng căn cứ dã chiến để bảo vệ Đà Nẵng, thường được gọi là “trảng Nhật”. Cùng lúc đó, xây trên đỉnh cao của núi đất một trạm bằng gạch, bên trên đặt một vật hình tròn bằng gỗ , ở xã trông giống cái bồ đựng thóc, sơn nửa đỏ, nửa trắng để làm dấu hiệu dẫn đường cho máy bay Nhật. Nưm 1949, giắc Pháp đóng một đồn lớn trên núi Bồ Bồ, nhằm án ngữ mặt phía nam bảo vệ Đà Nẵng, ngày 19/7/1954, sau hai giờ chiến đấu, quân ta đã tiêu diệt cứ điểm Bồ Bồ, diệt 100 tê, bắt sống 300 tên, trong đó có 1 đại tá. Sau ngày toàn thắng, tượng đài chiến thắng được xây dựng trên đỉnh Bồ Bồ.

Bồng Miêu
Sông
bắt nguồn từ dãy núi Răng Cưa và núi Gió Quýt chảy vào sông Tiên, đoạn này dài khoảng 8m, rồi nhập với sông Tranh ở ngã ba Na Sơn.

Bồng Miêu
Mỏ vàng
lớn nhất nước, nằm gọn ở xã Trà Kot, huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam. Địa danh gốc Chăm pa nghĩa là cánh đồng vàng. Năm 1895, một công ty cổ phần Pháp bắt đầu khai thác và đến năm 1942 thì ngừng hoạt động. Tổng số vàng khai thác trong 47 năm lên đến 3500kg. Nơi đây còn lưu lại dấu vết khai thác của người Chăm, sau đó là người Việt và người Hoa, cuối thế kỷ 19 là người Pháp. Năm 2008-2009, sản lượng vàng khai thác đạt 300-400kg /năm.

Bửu Châu
Hòn núi
nhân tạo cao 48m, được gọi là hòn Non Trượt, tọa lạc tại làng Trà Kiệu, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên. Tương truyền đây là kỳ đài nằm trong kinh thành Trà Kiệu của Vương Quốc Chăm pa. Năm 1607, chúa Nguyễn Hoàng cho xây dựng chùa Bửu Châu sau chùa Thiên Mụ 6 năm. Năm 1898, nhà thờ đạo Thiên Chúa Trà Kiệu được xây dựng tại đây với đường đi lên gồm 72 bậc cấp bằng đá granit xanh.


  Cổng TTĐT thành phố

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT