Niên biểu Quảng Nam- Đà Nẵng thế kỷ 20 từ năm 1969 đến năm 1976

Năm 1969
- Ngày 18 - 1

Tại Paris, trong phiên họp 4 bên đầu tiên (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam, Mỹ và Việt Nam Cộng hòa), Trưởng đoàn Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam Trần Bửu Kiếm phát biểu trước, nêu lên lập trường 5 điểm để giải quyết vấn đề miền Nam Việt Nam.

- Ngày 7 - 4

Tổng thống Mỹ Nixon đưa ra chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” mà báo chí Mỹ thường gọi là “Thay màu da những xác chết”. Biện pháp chủ yếu của chiến lược này là tăng cường quân ngụy, rút dần quân Mỹ tiến hành “bình định nông thôn”. Mục tiêu của chương trình này là tiêu diệt hạ tầng cơ sở của cách mạng trong quần chúng. Quảng Nam – Đà Nẵng là địa bàn trọng điểm ở Nam Trung Bộ và cũng là địa bàn trọng điểm của kế hoạch “bình định nông thôn” của Mỹ - Ngụy.

- Ngày 9 - 6

Tổng thống Mỹ tuyên bố rút 25.000 quân viễn chinh ra khỏi miền nam Việt Nam.

- Ngày 2 - 9

Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ của quân và dân ta đang ở thời kỳ quyết liệt nhất.

- Ngày 16 - 11

Đại hội đại biểu Đảng bộ Quảng Nam họp tại xã Kót (Trà My) từ ngày16 đến 30-11, đã bầu Ban Chấp hành gồm 29 ủy viên. Đồng chí Trần Thận được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

- Ngày 22 - 11
Vụ thảm sát ở Bàu Bính.

Địch bao vây chợ Bàu Bính (xã Bình Dương, huyện Thăng Bình) rồi xả súng bắn vào chợ, giết 210 người, hầu hết là phụ nữ và trẻ em. Sau đó, chúng lùa 75 người khác ra một trảng cát gần đó, rồi xả súng bắn chết.

- Tháng 12

Vào thời điểm này, Đà Nẵng là căn cứ quân sự liên hợp lớn của Mỹ ở miền Nam, với 4 sân bay (Đà Nẵng, Nước Mặn, Nam Thọ, Xuân Thiều), 8 cầu cảng quân sự, 4 tổng kho, 24 cụm cứ điểm, 173 cứ điểm, 93 kho hậu cần. Quân số của các binh chủng tương ứng với 20 tiểu đoàn, trong đó có 1 thiết giáp đoàn, 2 duyên đoàn hải quân, 2 tiểu đoàn pháo, 1 sư đoàn không quân với khoảng 100 máy bay phản lực chiến đấu và 150 trực thăng.

 Năm 1970
- Tháng 2

Cuộc đấu tranh giành dân, giữ đất diễn ra vô cùng ác liệt và gian khổ trên địa bàn Quảng Nam – Đà Nẵng. Các đơn vị ở vùng ven, vùng giáp ranh hàng tháng phải chiến đấu liên tục suốt 30 ngày. Cuộc chiến đấu với lính Nam Triều Tiên cũng hết sức ác liệt. Hàng loạt đồng bào bị tàn sát rất dã man khi phải đấu tranh trực diện với chúng.

- Ngày 6 - 7

Vụ “Chuồng cọp” ở nhà lao Côn Đảo, một chứng tích về tội ác, thủ đoạn cưỡng bức, ngược đãi tù chính trị của Mỹ - Ngụy, bị báo chí phanh phui, vạch trần và trở thành vấn đề lớn được dư luận trong và ngoài nước chú ý, lên án mạnh mẽ.

 Năm 1971
- Ngày 20 - 8

Đại hội đại biểu Đảng bộ Đặc khu Quảng Đà họp tại xã Tàpơ (huyện Nam Giang) từ ngày 20 đến 25-8, Đại hội đã bầu Ban chấp hành gồm 21 ủy viên. Đồng chí Hồ Nghinh được bầu làm Bí thu Đặc khu ủy.

 Năm 1972
- Ngày 28 - 4

Sau nửa tháng bao vây và uy hiếp quận lỵ Hiệp Đức, trung đoàn 38 tấn công vào trung tâm quận lỵ, diệt và bắt gần hết số quân ngụy đóng tại đây.

- Ngày 19 - 8
Chiến thắng Cấm Dơi (Quế Sơn).

Đêm 17-8, quân ta đồng loạt đánh chiếm các vị trí của địch ở Đá Tịnh, Gò Đá, Nhà Tằm áp sát căn cứ Cấm Dơi, một căn cứ chiến lược lớn án ngữ phía tây nam quận lỵ Quế Sơn. Sáng ngày 18, quân ta bao vây pháo kích dồn dập vào trung tâm căn cứ đến 15 giờ ngày 19 thì làm chủ hoàn toàn căn cứ Cấm Dơi. Từ đây, quân ta đánh chiếm quận lỵ giải phóng hoàn toàn thung lũng Quế Sơn.

- Ngày 30 - 12

Chính phủ Mỹ buộc phải ngừng ném bom đánh phá miền Bắc từ vĩ tuyến 17 trở ra và đề nghị nối lại cuộc đàm phán với ta tại Paris.

 Năm 1973
- Ngày 27 - 1

Ký kết Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Tại Paris, đại diện bốn bên: Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Chính phủ Hoa Kỳ, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã ký Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (gọi tắt là Hiệp định Paris) và những nghị định thư kèm theo.

- Ngày 29 - 3

Trưa ngày 29-3-1973, Bộ chỉ huy quân sự Mỹ ở miền nam Việt Nam đã làm lễ cuốn cờ. Lúc 16 giờ 25 phút, tại sân bay Tân Sơn Nhất, tướng Weyand, Tổng tư lệnh quân đội Mỹ ở miền Nam Việt Nam cùng với những tên lính viễn chinh Mỹ cuối cùng rút khỏi nước ta dưới sự kiểm soát của các sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam trong Ban Liên hiệp Quân sự bốn bên.

Lần đầu tiên sau 115 năm, đội quân xâm lược của đế quốc đã bị quét sạch trên lãnh thổ Việt Nam. Ở Quảng Nam – Đà Nẵng, quân Mỹ cũng làm lễ cuốn, cờ tại sân bay Đà Nẵng rút các đơn vị viễn chinh cuối cùng ở đây.

- Ngày 4 - 9

Đại hội đại biểu Đảng bộ Đặc khu Quảng Đà họp từ ngày 4-9 đến 10-9 tổng kết 19 năm chống Mỹ tại Thạnh Mỹ (Nam Giang). Đại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 29 ủy viên. Đồng chí Trần Thận được bầu làm Bí thư Đặc khu ủy.

- Tháng 9

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam đã bầu Ban Chấp hành gồm 20 ủy viên. Đồng chí Hoàng Minh Thắng được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

 Năm 1974
- Tháng 1

Hải quân và không quân Trung Quốc mở cuộc tấn công đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa, một bộ phận của lãnh thổ Việt Nam nằm trong hệ thống hành chính của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. 

- Ngày 18 - 7

Quân ta tấn công cứ điểm Nông Sơn - Trung Phước, loại khỏi vòng chiến đấu trên 1.000 tên địch, tiêu diệt 2 tiểu đoàn chủ lực, 2 đại đội bảo an, diệt và làm tan rã 13 trung đội dân vệ và toàn bộ bộ máy kìm kẹp của địch, giải phóng 13.000 dân.

 Năm 1975
- Ngày 6 - 1

Phước Long, tỉnh đầu tiên ở miền Nam Việt Nam được hoàn toàn giải phóng.

Tỉnh Phước Long được địch chọn xây dựng thành một hệ thống căn cứ mạnh nằm trong tuyến phòng thủ đông bắc Sài Gòn. Trong các ngày từ 12-12-1974 đến 6-1-1975, Quân giải phóng đã làn lượt bao vây, tiêu diệt các căn cứ Đồng Xoài, Phước Bình, Đức Phong. Hơn 3.000 địch bị tiêu diệt và bị bắt, ta thu 3.000 súng các loại, giải phóng toàn tỉnh. Chiến thắng Phước Long là cơ sở thực tế, sinh động để Bộ Chính trị hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong 2 năm (1975-1976).

- Ngày 10 - 3

Quân giải phóng tấn công thị xã Buôn Ma Thuột, mở màn cho cuộc tấn công và nổi dậy mùa xuân 1975 trên toàn miền Nam. Sau hai ngày chiến đấu (ngày 10 và ngày 11), quân ta hoàn toàn làm chủ thị xã Buôn Ma Thuột, phá vỡ một mảng lớn hệ thống phòng thủ của địch trên chiến trường Tây Nguyên.

- Ngày 18 - 3

Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam họp, hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong năm 1975.

- Ngày 24 - 3

Giải phóng 5 tỉnh Tây Ngyên: Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Phú Bổn, Quảng Đức. Chiến dịch Tây Nguyên kết thúc thắng lợi, mở ra một bước phát triển nhảy vọt trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, giải phóng hoàn toàn miền Nam.

- Ngày 24 - 3

Thị xã Tam Kỳ, tỉnh lỵ tỉnh Quảng Tín (của ngụy quyền Sài Gòn) được giải phóng.

- 25 tháng 3

Thành phố Huế được hoàn toàn giải phóng. Trị-Thiên-Huế được giải phóng đã phá vỡ phần quan trọng tập đoàn phòng ngự của Quân khu I và Quân đoàn I ngụy. Cùng ngày, tỉnh Quảng Ngãi được hoàn toàn giải phóng.

Trước tình hình này, Bộ Chính trị nhận định: “Thời cơ chiến lược đã tới. Trong suốt 20 năm chống Mỹ, cứu nước chưa bao giờ thuận lợi bằng lúc này; do đó cần: “nắm vững thời cơ chiến lược, tranh thủ thời gian cao độ, nhanh chóng tập trung lực lượng vào hướng chủ yếu, hành động táo bạo, bất ngờ, làm cho địch không dự kiến kịp và không kịp trở tay” và quyết tâm hoàn thành giải phóng Sài Gòn và miền Nam trước mùa mưa (5-1975).

Bộ Chính trị giao cho Quân Khu V và Quân đoàn 2 nhiệm vụ tập trung lực lượng tiêu diệt sư đoàn thủy quân lục chiến và toàn bộ quân địch co cụm tại Đà nẵng, giải phóng thành phố.

- Ngày 26 - 3

Bộ Chính trị và Quận ủy Trung ương quyết định thành lập Bộ Tư lệnh và Đảng ủy mặt trận Quảng Đà (mật danh 475) do Trung tướng Lê Trọng Tấn – Tổng tham mưu trưởng và Thượng tướng Chu Huy Mân – Tư lệnh Quân Khu V – làm Chính ủy để trực tiếp lãnh đạo, chỉ huy Quân đoàn 2 và quân dân khu V đánh chiếm Đà Nẵng.

- Ngày 28 - 3

Các lực lượng vũ trang đã hình thành các mũi tiến công vào Đà Nẵng, gồm quân đoàn 2 (Sư đoàn 325 đảm nhiệm hướng bắc, trung đoàn 9 hướng tây, Sư đoàn 304 hướng tây-nam), lực lượng Quân Khu V đảm nhiệm hướng nam, lực lượng vũ trang Quảng Đà đảm nhận hướng đông và các mục tiêu trong thành phố.

- Ngày 29 - 3

Rạng sáng, Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà phát lệnh khởi nghĩa và trao nhiệm vụ cho Ủy ban khởi nghĩa các quận và khu phố, phát động quần chúng xuống đường chiếm lĩnh mục tiêu đã phân công, vận động binh lính ngụy hạ nộp vũ khí, ra trình diện, bảo vệ nhà máy, đèn, máy nước, các công trình công cộng, làm chủ thành phố.

12 giờ trưa, quân ta làm chủ hoàn toàn sân bay Đà Nẵng.

11 giờ, lá cờ chiến thắng của quân ta tung bay trên nóc tòa Thị chính và các cơ quan ngụy quyền khác. 15 giờ, tiếng súng trong thành phố cơ bản chấm dứt.

- Ngày 7 - 4

Nhân dân toàn thành phố tập trung tại sân vận động Chi Lăng họp mít tinh mừng thành phố được giải phóng.

- Ngày 8 - 4

Thành lập Bộ chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn – Gia Định. Đại tướng Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh chiến dịch. Phạm Hùng, Bí thư Trung ương Cục làm Chính ủy. Các tướng Trần Văn Trà, Lê Đức Anh, Lê Trọng Tấn, Đinh Đức Thiện làm Phó Tư lệnh.

- Dinh độc lập bị ném bom, do phi công Nguyễn Thành Trung một cán bộ nội tuyến của ta trong lực lượng không quân Sài Gòn thực hiện.

- Ngày 13 - 4
Mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh.

Bộ Chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn – Gia Định gởi điện số 50-K đề nghị Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đặt tên chiến dịch này là Chiến dịch Hồ Chí Minh.

- Ngày 18 - 4

Toàn bộ người Mỹ di tản ra khỏi Sài Gòn.

- Ngày 21 - 4

Giải phóng Xuân Lộc, cửa ngõ phía đông đi vào Sài Gòn.

- Ngày 30 - 4

- 11 giờ 30, lá cờ chiến thắng của Quân giải phóng tung bay trên nóc dinh Độc Lập, báo hiệu sự sụp đổ hoàn toàn của chính quyền Sài Gòn và sự toàn thắng của quân ta.

- 13 giờ, Dương Văn Minh, Tổng thống cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng hòa, đọc bản tuyên bố đầu hàng không điều kiện trên Đài phát thanh Sài Gòn. Trung tá Bùi Văn Tùng đọc lời chấp nhận đầu hàng của Dương Văn Minh.

- Ngày 15 - 5

Thành phố Đà Nẵng bắn pháo hoa mừng cả nước sạch bóng giặc, mừng đất nước hòa bình, độc lập.

- Ngày 22 - 9

Công bố quyết định thu đổi tiền của chính quyền Sài Gòn, phát hành tiền Ngân hàng Việt Nam ở Việt Nam. Tỷ giá ấn định 1 đồng Ngân hàng Việt Nam bằng 500 đồng tiền chính quyền Sài Gòn cũ.

- Ngày 15 - 11

Hội nghị Hiệp thương chính trị giữa hai miền Nam – Bắc, bàn về thống nhất Tổ quốc đã diễn ra tại dinh Độc Lập (Sài Gòn) từ 15 đến 21-11-1975.

 Năm 1976
- Tháng 2

Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra nghị định về việc giải thể và hợp nhất các tỉnh ở miền Nam. Theo quyết định này, miền Nam lúc này có 20 tỉnh và 1 thành phố. Tỉnh Quảng Nam và tỉnh Quảng Đà hợp lại thành tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng.

- Ngày 22 - 6

Tại thủ đô Hà Nội, Quốc hội (khóa VI) của nước Việt Nam thống nhất họp kỳ đầu tiên từ ngày 24-6-1976 đến ngày 2-7-1976.

- Ngày 2 - 7

Cuộc họp đầu tiên của Quốc hội khóa VI đã thông qua quyết định lấy tên nước Việt Nam thống nhất là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội cũng quyết định đặt tên cho thành phố Sài Gòn – Gia Định là thành phố Hồ Chí Minh.

- Tháng 11

- Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Nam – Đà Nẵng được thành lập sớm sau ngày giải phóng nhằm đáp ứng nhu cầu giáo dục của địa phương. Đến năm 1995, trường Cao đẳng Sư phạm được chính thức chuyển thành trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng.

- Xây dựng công viên lớn nhất của thành phố Đà Nẵng rộng 16 ha, đặt tên là “Công viên 29-3”(ngày Đà Nẵng được giải phóng).

 Cổng TTĐT thành phố
ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác