Phong trào Duy Tân ở Quảng Nam (1905 - 1908)
Từ cuối thế kỷ XIX, các nước tư bản phương Tây đổ xô sang Viễn Đông tìm kiếm thị trường. Đối tượng chính của chúng là Trung Quốc, một nước đông dân nhất, có nhiều tài nguyên. Nhật Bản, một quốc gia phong kiến bắt đầu duy tân theo tư bản chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XIX.

Sau chiến tranh Trung - Nhật (1894), tinh thần dân tộc và cách mạng của nhân dân Trung Quốc lên cao. Khuynh hướng cải lương xuất hiện và phát triển mạnh mẽ trong giới trí thức xuất thân từ sĩ phu phong kiến và cả giai cấp tư sản mới hình thành. Qua con đường sách báo, những tư tưởng dân chủ tư sản phương Tây thâm nhập vào, đã gợi mở cho họ việc lập các học hội, học đường, hiệu sách, ra báo khắp nơi.

Đối với Việt Nam, tình hình nói trên của nước láng giềng đã tác động đến giới sĩ phu và đã tạo điều kiện khách quan thuận lợi cho phong trào duy tân ở nước ta đầu thế kỷ XX. Sĩ phu Việt Nam bắt đầu tiếp xúc tư tưởng dân chủ tư sản phương Tây của Rousseau, Montesquieu qua bản dịch Trung văn, của Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vi, gọi chung là tân thư. Những ảnh hưởng tư tưởng từ bên ngoài cộng với những biến đổi về xã hội, kinh tế trong nước đã tạo điều kiện cho tư tưởng dân chủ tư sản bắt đầu xuất hiện trên vũ đài chính trị Việt Nam.
 
Một xu hướng cứu nước ở miền Trung được khởi xướng đầu tiên ở Quảng Nam với Phan Châu Trinh và hai đồng chí thân thiết là Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng. Quan điểm của nhóm này trước mắt chưa nên đặt nhiệm vụ khôi phục chủ quyền quốc gia và độc lập dân tộc bằng bạo lực, mà nhiệm vụ trước hết, cấp bách nhất là phải:
 
- Chấn dân khí nhằm thức tỉnh tinh thần tự lực, tự cường của người dân, làm cho mọi người ý thức được quyền lợi của mình, nhận rõ trình độ thấp kém lạc hậu của mình mà ra sức phấn đấu vươn lên cho kịp người.
 
- Khai dân trí bằng con đường diễn thuyết, mở trường dạy chữ quốc ngữ, dạy kiến thức khoa học thực dụng, dạy nghề, bỏ lối học bát cổ, từ chương, bài trừ hủ tục, mở mang thực học.
 
- Hậu dân sinh, nâng cao đời sống thoát khỏi đói nghèo bằng phát triển kinh tế, tổ chức khai hoang, lập vườn, tổ chức hội buôn, hội sản xuất hàng nội hóa.
Ở Quảng Nam, bộ ba Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng xướng lên phong trào Duy tân cùng với chủ trương khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh, đề cao dân chủ, dân quyền. Chữ quốc ngữ được coi là phương tiện của phương pháp giáo dục hiện đại.
 
Chữ quốc ngữ là hồn trong nước
Phải đem ra tỉnh trước dân ta
(Chiêu hồn nước)
 
Cùng với cuộc vận động cải cách về giáo dục - cái chìa khóa để mở mang trí não, để hiểu biết thế giới, một cuộc cải cách về cách làm ăn, thương mại, nông nghiệp, sản xuất hàng hóa cũng được tiến hành, một cuộc cách mạng về lối sống cắt tóc, mặc Âu phục cũng được quan tâm.
 
Phong trào cải cách, Duy tân ở Quảng Nam khởi đầu vào năm 1905 đã khẳng định sức hút mạnh mẽ của nó và vai trò lãnh đạo của những sĩ phu yêu nước, tiến bộ. Phong trào có ảnh hưởng lớn đến tư tưởng, trình độ giác ngộ và tinh thần đấu tranh của nhân dân đòi nhà cầm quyền phải thay đổi chính sách cai trị.
 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT