Phạm Phú Thứ, tấm gương về lòng cương trực, dũng cảm của người trí thức
Phạm Phú Thứ (1820-1883) quê làng Đông Bàn, huyện Diên Phước, nay thuộc xã Điện Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, thông minh từ nhỏ, học rộng, tài cao.

23 tuổi đỗ cử nhân (thủ khoa trên 38 vị) năm Thiệu Trị thứ hai (1842); 24 tuổi đỗ đầu bảng Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Quý Mão (1843). Đọc tiểu sử và hành trạng của ông, ta thấy ông đã từng giữ chức Khởi cư chú (thư ký ghi lời nói và hành động của vua); Thượng thư (Bộ trưởng) bộ Hộ (Tài chính) đồng thời sung Cơ mật viện đại thần; thương thuyết gia (Phó sứ cùng với Chánh sứ Phan Thanh Giản trong phái bộ sang Pháp và Tây Ban Nha xin chuộc lại 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ năm 1863-1864); một doanh điền sứ, một nhà hoạch định chiến lược (tổ chức khẩn hoang hai huyện Nam Sách, Đông Triều), mở cảng chiêu thương Hải Phòng, biến “một dải sông Cấm thuyền xe tụ họp đông đúc thành ra nơi lạc thổ”(1).

Tuy nhiên, đường làm quan dài 38 năm của Phạm Phú Thứ lại có lắm bước gập ghềnh, thăng giáng, không được phẳng phiêu do bản tính cương trực, không chịu nhắm mắt làm ngơ trước quyền uy, dù đó là quyền uy của bậc “con Trời”. Năm 1850, ông thấy ở triều đình vua trẻ ham mê vui chơi, lơ là việc triều chính trong lúc đất nước đang đứng trước nguy cơ xâm lược của giặc ngoài, đã dũng cảm dâng sớ can gián nhà vua với lời lẽ thẳng thắn và thiết tha: “…Lễ đại định ít thấy ra triều thị, nhạc nội uyển kèn trống suốt cả đêm, nhà Kinh diên lâu không tới giảng, chốn triều đình lâu không han hỏi, thần tử ở bốn phương, phủ huyện cũng lâu không được thừa chỉ, thanh vấn. Lại nói: thái y phương thuốc điều hòa, thực cũng quá ư nghệ thuật, quần thần dâng sớ thỉnh an, vị tình khuất cả lời nói(2).
 
Sớ tâu lên, Phạm Phú Thứ phải trả một giá khá đắt vì tội “phạm thượng”. “Vua cho lời nói khí quá khích… đình nghị cho là hủy báng định bắt tội đồ, nhưng giảng quan và ngôn quan xin khoan tha cho”(3). Cuối cùng, ông bị cách chức, đày đi khổ sai một năm ở trạm bưu chính Thừa Nông, phía tây nam thành Huế. Bạn hữu thân thích trong triều nhiều người lo cho số phận của ông, nhưng ông vẫn tự tin về việc mình làm là đúng và cần thiết, lúc rỗi việc thì đi câu cá, ngắm cảnh, làm thơ. Tập thơ Nông giang thi lục được sáng tác vào thời gian này.
 
Tuy đã bị vua trừng phạt một lần vì tội dám nói thẳng, thế mà 23 năm sau, khi đã luống tuổi và ở địa vị cao, Phạm Phú Thứ lại một lần nữa dám phê bình vua: “Phóng túng, tuần du vô độ”. Nhưng vị “con Trời” lần này không ra tay trừng phạt quan đại thần “tài cán và lão luyện, kinh lịch nhiều khó nhọc, đi đông sang tây, dẫu yếu đuối vẫn vâng mệnh không dám từ chối” như đã được nhà vua đánh giá mà chỉ biết chửa thẹn một cách trịch thượng: “Đó là lỗi đã thành tật của ta, không thể khiển trách được”(!). Có lẽ vì vậy mà Tự Đức đã nhận xét ông là “cố chấp, nhưng ngựa có cắn, có đá, mới đi nghìn dặm”(4).
Ngoài những thành tích rực rỡ về mặt quản lý hành chính, Phạm Phú Thứ còn là một chính khách có tầm nhìn chiến lược trước thời cuộc, kiên trì gắn chặt nhiệm vụ cứu nước với yêu cầu canh tân. Và chính ông, một trí thức nho học đã đi tiên phong trong việc học tập và phổ biến khoa học, kỹ thuật ở nước ta ở thế kỷ XIX. Ông cũng đã để lại một sự nghiệp trước tác phong phú cả về nội dung lẫn số lượng. Về văn thơ có Giá viên toàn tập gồm 13 quyển thơ, 13 quyển văn và tập Tây hành nhật ký. Về sử có Liệt triều thông hệ niên phả toàn yếuBản triều liệt thánh sử lược toát yếu.

(1) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, tập 4, Nxb. Thuận Hóa, 1993, tr. 229.

(2) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, Sđd, tr. 225-226.

(3) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, Sđd, tr. 225-226.

(4) Dẫn theo Quang Uyển, bản dịch Nhật ký đi Tây, Nxb. Đà Nẵng, 1999, tr. 41.

 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT