Mở thông đường hầm Hải Vân (27-3-2003)

Đường hầm xuyên qua núi Hải Vân được Thủ tướng Phan Văn Khải phát lệnh khởi công xây dựng lúc 10 giờ 25 phút, ngày 27-8-2000 tại phường Hòa Khánh, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Công việc khoan, đào hầm cùng lúc được tiến hành ở hai đầu nam và bắc. Đoạn phía nam do liên doanh Công ty xây dựng Đông Ah (Hàn Quốc) - Tổng công ty Sông Đà (Bộ Xây dựng) đảm nhiệm. Đoạn phía bắc do liên doanh Hazama (Nhật Bản) – Cienco 6 (Bộ Giao thông Vận tải) đảm nhiệm.

Sau 36 tháng thi công, vào lúc 1 giờ 10 ngày 28-10-2003, cán bộ kỹ thuật và công nhân cho nổ khối mìn ICI có trọng lượng 250kg (đây là phát mìn thứ 1.680.000) phá thủng bức tường đá cuối cùng dày gần 3 mét, mở thông hầm nam - bắc.

Đúng 8 giờ 45 ngày 7-11-2003, tại lý trình 5+020, các quan chức đại diện cho Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, hai địa phương cận kề là thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên – Huế, đại diện cho các liên doanh công ty xây dựng làm lễ chính thức mở thông tuyến hầm đường bộ xuyên núi Hải Vân.
 
 Đường qua Hải Vân năm xưa  

Hầm xuyên núi Hải Vân là hầm đường bộ hiện đại và lớn nhất Đông Nam Á, và là một trong 30 đường hầm lớn trên thế giới. Đường hầm chính dài 6.247m, chiều rộng 11,5m, chiều cao 7,5m, tiết diện 73,26m2. Dọc theo hầm có 17 điểm mở rộng, dùng cho việc dừng xe khẩn cấp, rộng 30m. Vỉa hè trong hầm rộng 1m, dùng cho người đi bộ, cho bộ phận duy tu và các hoạt động khác. Hầm lánh nạn chạy song song cách hầm chính 30m, dài 6.286m, rộng 4,7m, cao 3,8m, tiết diện 15,47m. Trong tương lai, hầm này sẽ được mở rộng bằng hầm chính, tạo thành hai hướng xe chạy khác nhau. Hệ thống các hầm ngang nối liền giữa hầm chính và hầm lánh nạn gồm 15 hầm, mỗi hầm dài 30m, cứ cách nhau 400m có một hầm, trong đó có 11 hầm ngang dành cho người đi bộ và bốn hầm ngang cho xe đi qua. Công trình có tổng vốn đầu tư 151 triệu USD.

 
Cửa hầm Hải Vân phía Bắc

Công trình hầm xuyên núi Hải Vân khi hoàn thành sẽ tạo nhiều thuận lợi trên hành trình Nam - Bắc, rút ngắn đoạn đường đèo hiểm trở dài 21km với thời gian 1 giờ vượt qua đèo xuống còn 1/3 đường dài và 1/6 thời gian; sẽ giải tỏa nỗi ám ảnh về tai nạn giao thông trên con đường đèo dài và nguy hiểm nhất Việt Nam đối với người lái xe. Hầm Hải Vân tạo điều kiện cho các di sản văn hóa thế giới ở miền Trung trở nên gần gũi nhau hơn. Du khách chỉ mất một buổi để từ Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) vào Cố đô Huế, đến phố cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn (Quảng Nam).

 
 Bên trong hầm Hải Vân 

Hầm Hải Vân là một phần quan trọng của hành lang kinh tế Đông – Tây, kéo dài từ Myanmar qua đông bắc Thái Lan, Lào đến miền Trung Việt Nam, mà cảng Đà Nẵng là cửa ngõ thông ra đường biển quốc tế. Hàng hóa từ Đà Nẵng qua đường hầm Hải Vân chỉ mất hơn một buổi là đến Thái Lan, hoặc ngược lại. 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT