Nói về sự hùng vĩ của núi Hải Vân ở thế kỷ XVIII, Ngô Thì Chí đã viết: “Ngọn núi này khí át sông Ngân, thế nuốt bờ biển, tảng đá trập trùng khó vịn, cây cối sum suê rợp bóng, sóng vỗ ầm ầm như tiếng sấm vang trời, suối chảy rào rào như tuôn nước từ lưng chừng trời đổ xuống”. Chỉ có người vượt đèo bằng đôi chân theo con đường thiên lý thời ấy mới có được cảm giác như thế, chứ đi bằng ôtô hay tàu lửa thời nay thì sẽ có cảm giác hoàn toàn khác.
Núi Hải Vân là đường phân giới về địa lý và địa chất trong thiên nhiên của nước ta. Phía bắc Hải Vân là cảnh quan đá vôi karstic với hang động kỳ thú, rừng gió mùa chí tuyến. Phía nam Hải Vân là rừng nhiệt đới xích đạo. Trên đỉnh đèo, có khi thời tiết diễn ra như có đủ bốn mùa trong ngày: tinh mơ là thu, đứng trưa là hạ, xế chiều là xuân và sập tối là đông. Với vị trí là đường phân giới Bắc Nam, núi Hải Vân là một kỳ quan của đất nước, là quan ải hùng vĩ bậc nhất trên con đường Nam tiến của dân tộc, đã từng được những người đứng đầu chính quyền Việt Nam đánh giá là một vị trí chiến lược xung yếu trên tuyến đường Bắc – Nam.
Từ nhiều thế kỷ trước dãy núi như bức trường thành ấy đã bị con người vượt qua bất chấp rừng rậm, dốc cao, vực sâu đầy hùm beo, thú dữ… và cả bọn thảo khấu có thể xuất hiện, chặn đường trấn lột khách. Cái ấn tượng lo sợ của khách bộ hành qua đây vẫn còn in đậm trong câu ca dao:
“Đi bộ thì khiếp Hải Vân, đi thủy thì sợ sóng thần hang Dơi”.
Ngày xưa, người ta có thể qua Hải Vân bằng ba con đường: thượng đạo, trung đạo và hạ đạo. Hạ đạo là tuyến đường biển, còn thượng đạo và trung đạo là đường xuyên núi.
Đầu thế kỷ XIX, sau khi thống nhất đất nước, triều Nguyễn đã chọn Huế làm kinh đô, thì Hải Vân quan trở thành cửa ngõ của kinh sư. Dưới thời Minh Mạng, đường qua đèo được xây cất, lát đá, đặc biệt một cụm công trình được xây dựng giữa đỉnh đèo cấu thành một pháo đài quân sự kiên cố gọi là Hải Vân Quan. Công trình đã bị phá bỏ phần lớn, nay chỉ còn lưu lại hai vòm cửa chính và một đoạn thành ngắn. Cửa vòm trông về phía Thừa Thiên, bên trên có tấm biển đá khắc ba chữ “Hải Vân Quan”, cao 6,16m, rộng 7,7m, dày 6,37m. Cửa vòm trông về phía Quảng Nam có khắc 6 chữ “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”, cao 5,2m, rộng 7,9m, dày 4,75m.
Sau khi chiếm xong Trung Kỳ, Tổng tư lệnh binh đoàn Pháp, tướng De Courcy ra lệnh cấp tốc mở ngay con đường chiến lược qua đèo Hải Vân để nối Huế với Đà Nẵng, đồng thời có thể cơ động quân nhanh chóng để “bình định” Quảng Nam khi cần. Lực lượng công binh Pháp đã bắt dân phu hai tỉnh làm đường từ 1886. Đoạn đường bộ này dài 20km, trải qua hơn một thế kỷ uốn sửa, mở rộng, nâng cấp, nhưng về cơ bản vẫn theo vị trí ban đầu.
Đầu thế kỷ XX, con đường xe lửa qua đèo ở độ cao 100m so với mặt nước biển được xây dựng, dài 21km, chạy ven theo triền núi, qua 7 hầm, có chiều dài tổng cộng 3.290m, trong đó hầm Sen dài nhất 562m.
Ngày 27-8-2000, đã cử hành lễ khởi công mở hầm đường bộ xuyên qua đèo Hải Vân dài 6.274m, rút ngắn đoạn đường đèo xuống còn 1/3, và quan trọng hơn là các phương tiện vận chuyển không phải vượt qua những đèo dốc quanh co đầy rủi ro, bất trắc. Lúc 1 giờ 10 phút ngày 28-10-2003, con đường hầm lớn nhất và hiện đại nhất Đông Nam Á đã được khai thông.
Đèo Hải Vân không chỉ là một danh thắng hùng vĩ vào bậc nhất nước ta - “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” - mà còn là nơi chứng kiến bao nhiêu chiến tích oai hùng trong công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc trong suốt nhiều thế kỷ qua và đặc biệt là những chiến công ở nơi đây trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ (1946-1975).
Hải Vân - "Thiên hạ đệ nhất hùng quan"
Núi Hải Vân hay Hải Vân Sơn là ngọn núi cuối cùng của một mạch núi đâm ngang ra biển lớn nhất của dãy Trường Sơn hùng vĩ, mà đỉnh cao nhất 1.450m, tưởng chừng vươn tới trời xanh, đỉnh núi lẫn trong mây, còn chân núi chìm trong nước biển mênh mông.