Thành Điện Hải trong hệ thống phòng thủ ven biển Đà Nẵng thời triều Nguyễn

PGS.TS Ngô Văn Minh

Ủy viên Ban chấp hành Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng

Là người từng xông pha trận mạc, 5mà phần lớn gắn liền với môi trường biển đảo, từ vượt biển vào Gia Định trước sức tấn công hai mặt của nghĩa quân Tây Sơn và quân Trịnh tại Quảng Nam, đến những tháng năm ẩn mình trên các đảo phía Nam và từng có những chiến thắng vang dội bằng thủy binh trước thủy quân Tây Sơn, ngay khi lên ngôi lập ra vương triều Nguyễn, vua Gia Long đã rất quan tâm đến xây dựng các đồn lũy phòng thủ ven biển. Những vua kế tiếp từ Minh Mạng đến Thiệu Trị, Tự Đức lại phải luôn đối mặt trước sự nhòm ngó của các nước thực dân phương Tây đến từ đường biển nên càng quan tâm đến xây dựng cơ sở phòng thủ ven biển. Gần 100  pháo đài, đồn bảo, cửa tấn đã được xây dựng dọc theo vùng bờ biển và trên các đảo trong thời kỳ vương triều Nguyễn độc lập. Trong đó, Đà Nẵng được xem là cửa ngõ mặt nam của kinh đô, có vịnh Đà Nẵng được xác định “là nơi bờ bể quan trọng ở gần Kinh kỳ, tàu thuyền nước ngoài qua lại, quan hệ không phải là nhỏ”[1] nên các vua đầu triều Nguyễn có sự quan tâm đặc biệt. Ngay từ khi mới lên ngôi năm 1802, vua Gia Long đã cho đặt hệ thống kiểm soát và phòng thủ tại cửa biển này. Cơ sở đầu tiên được thực hiện là Thủ sở đặt ở hữu ngạn sông Hàn, có quân đồn trú, có trấn thủ chỉ huy. Đến năm 1813 nhà vua sai Nguyễn Văn Thành lập pháo đài Điện Hải và đài An Hải để quan sát ngoài biển và phòng thủ Đà Nẵng. 

Pháo đài Điện Hải nằm ở tả ngạn sông Hàn, được Triều đình cho xây dựng để “giữ vững bờ biển, làm mạnh thế nước”[2]. Do sát biển và kỹ thuật xây đắp còn hạn chế nên chỉ trong khoảng 10 năm pháo đài này đã bị nước biển làm xói mòn, sụt lở. Năm Minh Mạng thứ 4 (1823) pháo đài Điện Hải được dời về phía nam (chỗ di tích hiện nay), trên một vùng đất cao ráo cách chỗ cũ 150 trượng (637,5m). Lần này được xây bằng gạch và với kỹ thuật mới đóng cừ bằng gỗ, kè gạch, đá ở bên trong, đảm bảo được độ kiên cố của thành[3]. Năm Minh Mạng thứ 15 (1834) đổi là thành. Đến năm Thiệu Trị thứ 7 (1847) Thành Điện Hải lại được xây dựng mới bằng gạch, theo kiểu thành Vauban do kỹ sư người Pháp tên là Oliver Puymanel thiết kế[4]. Thành hình vuông, 4 góc lồi, có chu vi 139 trượng (556m) cao 1 trượng 2 thước (4,8m), hào sâu 7 thước (gần 2,8m)[5]. Thành có 2 cửa, một quay về phía đông hướng ra sông Hàn và một quay về hướng nam[6]. Trong thành có hành cung, kỳ đài, các cơ sở chứa lương thực, đạn dược, thuốc súng.

Như vậy, xét về mặt thời gian thì Thành Điện Hải, mà tiền thân của nó là pháo đài Điện Hải được xây dựng vào năm 1813 cùng lúc với đài Trấn Hải ở cửa Thuận An là nơi sát nách Kinh đô Huế và đến năm 1834 cùng với đài Trấn Hải được nâng lên thành thành. Việc nâng cấp từ đài lên thành nói lên tầm quan trọng về mặt quân sự của thành Điện Hải. Sở dĩ như vậy là vì nếu như Trấn Hải ở vào vị trí cửa ngõ của kinh đô Huế thì Điện Hải cũng ở vào nơi rất xung yếu đối với kinh sư, như lời dụ cho Bộ Binh vào năm 1829 của vua Minh Mạng: “Pháo đài Trấn Hải ở Kinh sư, pháo đài Điện Hải ở tỉnh Quảng Nam đều là chỗ xung yếu, nên dù lúc vô sự, việc canh phòng cũng không thể bỏ qua. Bộ ấy truyền bảo quan binh trú phòng ở hai pháo đài ấy hết thảy súng đạn, khí giới, quân nhu lúc nào cũng dự bị đầy đủ để phòng lúc bất ngờ”[7].

Xét về quy mô xây dựng, thành Điện Hải lớn hơn thành An Hải ở đối diện về phía hữu ngạn, cùng trong hệ thống phòng thủ quanh vịnh Đà Nẵng. So với thành An Hải, thành Điện Hải có chu vi lớn hơn 99 trượng (gần 421m), cao hơn 1 thước (0,425m)[8]. So với thành Trấn Hải ở cửa Thuận An, thành Điện Hải có cũng có chu vi lớn hơn 67 trượng 8 thước (hơn 288m), hào sâu hơn 1 thước (0,425m), nhưng tường thành thấp hơn 3 thước (1,275m). Thành Điện Hải xây theo hình vuông có 2 cửa còn thành Trấn Hải có đài hình tròn, thành bao quanh, chỉ có 1 cửa. Thành Điện Hải là cơ sở phòng thủ ven biển có chu vi lớn nhất ở nước ta thời vương triều Nguyễn, và vẫn còn khá nguyên vẹn tường thành cho đến tận ngày nay.

Về bố trí binh lực, thành có 30 pháo đài, ban đầu được bố trí 30 súng đại bác. Tuy nhiên,  tổng số súng các loại thì rất nhiều. Sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ cho biết vào năm Minh Mạng thứ 4 (1823) tổng số súng các hạng đặt ở thành Điện Hải đến 107 khẩu[9], trong số đó có loại súng đồng Tướng quân và Vũ công phá địch đại tướng quân[10]. Lực lượng đóng giữ có đến hơn 200 quân, được tuyển chọn người quê ở Quảng Nam sung làm lính thủ hộ. Theo định lệ, vào ngày mùng 1 tháng 7 hằng năm sẽ đổi quân luân phiên phòng giữ. Đứng đầu thành Điện Hải là chức quan Vệ úy nhưng tổng chỉ huy cả hai thành Điện Hải và An Hải là viên quan Lãnh binh. Quan trông coi hai thành này còn có chức năng cùng với viên tấn thủ khám xét các tàu lạ khi vào vịnh Đà Nẵng. Theo dụ của vua Minh Mạng (1838): “Cửa biển Đà Nẵng nếu thấy có thuyền Tây dương hay qua mặt biển, mà hoặc đi vào trong vụng Trà Sơn lại cắm neo, thì viên lãnh binh và tấn thủ chuyên coi hai thành ấy (Điện Hải và An Hải), lập tức phải xem xét thuyền binh hay thuyền buôn, một mặt đem qua tình hình chạy ngựa vào tâu trước, một mặt phái người đến nơi xét hỏi. Như quả là thuyền binh, không có sự trạng quan ngại gì chỉ đưa tàu theo lệ tối khẩn thôi”[11]. Nhà vua còn chỉ dụ: “Thuyền nào không được quan địa phương báo cho biết trước mà đến thẳng cửa biển Đà Nẵng, viên coi giữ đồn cửa biển ấy và viên coi giữ hai thành An Hải, Điện Hải lập tức phái binh, dịch đề phòng, không cho một người nào trong thuyền lên bờ, rồi làm tập tâu lên. Bộ Công tiếp được sớ, cùng đem nguyên phong trình lên, lại theo như lệ trước phái cho thuộc viên và tư cho Bộ Hộ, viện Đô sát, sở Thị vệ đều phải cho thuộc viên đi trạm đến nơi hội đồng khám xét làm việc”[12].

Về định lệ treo cờ, bắn súng, vào năm 1823 vua Minh Mạng có chỉ: “Đài Điện Hải và pháo  đài Định Hải thuộc dinh Quảng Nam, là nơi bờ biển, cần phải nghiêm túc. Vậy cho đem 3 lá cờ vàng cấp phát cho viên ở đài ấy nhận lĩnh. Hễ đến các tiết Thánh thọ, Vạn thọ, Nguyên đán, Đoan dương, và mùng một, ngày rằm đều theo lệ treo lên, trừ khi thuyền buôn qua lại buôn bán thì không kể. Phàm khi trông thấy tàu thuyền của các dinh trấn đi vận tải của công, cùng là tàu thuyền của Tây Dương hoặc đi qua ngoài biển, hoặc đậu ở bến sông, đều nên treo cờ để trông vào cho oai. Điều này cho làm lệ vĩnh viễn”. Năm sau vua Minh Mạng lại quy định khi có các tàu thuyền lớn mới đóng như loại thuyền Thụy Long, Bình Dương khi đến cửa biển thì đài Điện Hải vừa treo cờ vàng vừa phải bắn 3 tiếng súng.

Thành Điện Hải nằm trong hệ thống phòng thủ thành đồn và thành lũy khá hoàn chỉnh quanh vịnh Đà Nẵng và giữ vai trò là cơ sở phòng thủ kiên cố nhất. Hệ thống phòng thủ này gồm các đồn, đài, bảo được xây dựng liên hoàn. Phía hữu ngạn sông Hàn có đồn Trấn Dương nằm trên đỉnh Sơn Trà. Dưới chân núi này, về phía tây có pháo đài Phòng Hải ở núi Mỏ Diều. Liền đó là hệ thống Trấn dương thất bảo đài, lại có hệ thống lũy cát chạy về phía nam đến thành An Hải cạnh bờ sông. Lui thêm nữa về phía nam là các đồn Hóa Khuê, Mỹ Thị. Phía tả ngạn, đối diện thành An Hải là thành Điện Hải. Phía nam thành này có các đồn Hải Châu, Phước Ninh, Thạc Gián, lại có đồn Nại Hiên được xây dựng trên một mũi đất nhô ra giữa sông, ngăn không cho thuyền địch ngược dòng tiến sâu vào nội địa. Nối thành  Điện Hải với các căn cứ hỗ trợ và phòng ngự như tấn Câu Đê, pháo đài Định Hải, đồn Chơn Sảng, Hải Vân Quan, pháo đài Hỏa Phong (Ngự Hải đảo) về phía bắc cũng là lũy cát trồng tre gai nhằm ngăn không cho địch đổ bộ lên bờ. Cùng với hệ thống phòng thủ này là lực lượng quân đội, tàu chiến, đại bác và các phương tiện thông tin, quan sát. Với cách bố trí các cơ sở phòng thủ ven biển như vậy, khi có tàu chiến của kẻ xâm lược đến tấn công thì trước hết hệ thống Trấn dương thất bảo và pháo đài Phòng Hải sẽ bắn chặn trước ngoài cửa vịnh. Nếu địch đã tiến vào được cửa sông thì các cỗ súng của cả hai thành Điện Hải và An Hải sẽ bắn chéo chặn địch. Khi địch đã đổ bộ được lên bờ thì cả một hệ thống phòng lũy hai bên tả, hữu ngạn sẽ cùng hiệp đồng chiến đấu, trong đó quan trọng nhất vẫn là hỏa lực mạnh của thành Điện Hải ở phía tả ngạn và của thành An Hải ở phía hữu ngạn sông Hàn.

Năm 1840 Hồng Kông rơi vào tay người Anh khiến vua Minh Mạng lo sợ các nước phương Tây sẽ đánh vào cửa biển Đà Nẵng để tấn công ra kinh đô Huế. Nhà vua cho tăng cường thêm 5 chiếc tàu hạng lớn bọc đồng, 5 chiếc thuyền hạng vừa đến vịnh Đà Nẵng, mỗi tàu đủ 100 thủy binh, 10 súng điểu thương, 10 đại bác, 15 ngọn giáo, lại cho tu sửa 141 cỗ thần công và nhiều tàu thuyền quân sự khác để hỗ trợ thêm việc phòng bị cho hai thành Điện Hải và An Hải. Tổng quân số của Triều đình tại các cơ sở phòng thủ của Đà Nẵng đã lên tới 600 người. Cho đến thời vua Tự Đức, trước âm mưu xâm lược nước ta của thực dân Pháp ngày càng lộ rõ, nhất là vụ tàu Catina nổ súng bắn phá các pháo đài quanh vịnh Đà Nẵng vào năm 1856, khiến cho Triều đình thấy việc phòng thủ cửa biển Đà Nẵng để bảo vệ kinh đô Huế càng thêm cấp bách. Vua Tự Đức căn dặn Lê Đình Lý: “Cửa bể ấy từ Hải Vân đến Câu Đê một dải đều là đường quan báo, phải phòng thủ nghiêm thêm, để tiện thông hành. Người quản đốc lính đạo trước, đạo sau đến ngay đấy, tùy nghi đóng đồn, liệu đất đặt chỗ canh phòng, cùng bọn Đào Trí chống đỡ với nhau, chớ để cho quân của Tây dương lên bờ, để xứng đáng chức trách đã ủy cho”[13].

Mặc dù đã được phòng bị, nhưng khi liên quân Pháp – Tây Ban Nha nổ súng xâm lược, mặt trận Đà Nẵng lại nhanh chóng bị vỡ. Ngay trong ngày đầu tiên (1/9/1858), chỉ sau nửa giờ địch nã pháo liên tục, hầu hết các vị trí phòng thủ của quân đội Triều đình đều bị phá hủy. Pháo đài Phòng Hải, hệ thống Trấn Dương thất bảo, cả các đồn Nại Hiên Đông, An Hải đều thất thủ. Ngày hôm sau một góc thành Điện Hải cũng bị pháo địch bắn sụp. Sau hai ngày tấn công, liên quân Pháp – Tây Ban Nha đã vô hiệu hóa các pháo đài, đồn, bảo kiên cố nhất trong hệ thống phòng thủ Đà Nẵng, thu giữ 450 khẩu đại bác bằng đồng và bằng sắt. Điều đó cho thấy, trong cuộc đối đầu với kẻ xâm lược đến từ phương Tây được trang bị những khẩu pháo có tầm bắn xa và độ chính xác cao thì thành đồn sẽ là tọa độ điểm hỏa của kẻ tấn công. Chỉ đến khi Nguyễn Tri Phương được vua Tự Đức sung chức Tổng thống quân thứ Quảng Nam, trực tiếp vào điều khiển chiến trường Đà Nẵng, với một tư duy quân sự rất thực tiễn, ông đã cho đắp một lũy cát từ ngoài bãi biển, vòng vào bao quanh các đồn Hải Châu, Phước Ninh, Thạc Gián cho đến sát thành Điện Hải, lại chia vùng chiến sự ra làm các khu đệ nhất, đệ nhị, đệ tam, Liên Trì để đưa quân đến đóng và “chia đặt lầu canh đồn gác để tiếp ứng cho được nhanh chóng”. Cùng với đó, về mặt chiến thuật, ông cho chuyển từ cố thủ trong thành, đồn đắp đất, lũy cát trồng tre gai bên trên, hoặc quân lính chỉ phục kích trong các bụi rậm, sang cơ động trong các chiến hào và phục binh tại các hố chữ Phẩm và đánh theo nhiều phòng tuyến nên đã đối kháng lại được với lối chiến tranh hiện đại bằng các loại vũ khí có tầm bắn xa, độ sát thương cao của đối phương. Nhờ đó, đã chuyển được tình thế chiến trường, từ “lấy thủ làm chiến” trong thời gian đầu sang “lấy đánh làm giữ”, chủ động tấn công quân địch, khiến cho chúng sa lầy buộc phải rút khỏi mặt trận Đà Nẵng, nhổ neo cho tàu vào phía Nam, để lại nơi đây “một tháp hài cốt chứa ngàn thánh giá”[14].

Thành Điện Hải không chỉ là di tích kiến trúc quân sự phòng vệ mặt biển thời vương triều Nguyễn mà còn là một di tích lịch sử quan trọng của cuộc chiến tranh vệ quốc của quân dân Việt Nam chống lại cuộc tấn công xâm lược của thực dân phương Tây giữa thế kỷ XIX rất cần được tôn tạo. Mặc dầu cho đến nay di tích này chỉ còn lại tường thành, nhưng với những sử liệu có được từ các sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí và hình ảnh hiếm hoi chúng ta có được về quang cảnh bên trong thành ngay sau khi liên quân Pháp – Tây Ban Nha chiếm được, cùng với những hình ảnh liên quan đến quân đội, vũ khí đương thời sẽ là những dữ liệu quan trọng không chỉ cho phòng trưng bày tư liệu mà còn cho công tác trùng tu, phục dựng lại hành cung, kỳ đài, các cơ sở chứa lương thực, đạn dược, thuốc súng, số lượng súng thần công, các loại binh khí, tượng sáp những pháo thủ của Triều đình v.v… một cách sống động để người đời nay và mai sau hình dung về những gì đã diễn ra trong lịch sử ngay tại di tích lịch sử quan trọng này./.

 


[1] Nội các Triều Nguyễn: Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ. Tập9. Nxb Thuận Hóa. Huế, 1993, tr666.

[2] Nội các Triều Nguyễn: Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ. Tập5, tr547.

[3] Kỹ thuật này vốn là sáng kiến của Lê Chất, đã được vua Minh Mạng cho triển khai từ năm 1820 để tu bổ thành Trấn Hải.

[4] Vauban là tên của một kỹ sư quân sự (1663-1707), từng mang cấp bậc Nguyên soái của nước Pháp. Ông đã cho xây dựng nhiều thành lũy quân sự với đặc điểm nổi bật trong việc bố trí những pháo đài (bastion), pháo đài góc (lunette d’angle), những pháo nhãn (embrassure), đường chân thành ngoài (berme), đường ngoài hào (glasis)…

[5] Quốc sử quán Triều Nguyễn: Đại Nam nhất thống chí. T2. Nxb Thuận Hóa. Huế, 1992, tr370.

[6] Sách Đại Nam nhất thống chí (đã dẫn) ghi có 3 cửa, nhưng trên thực tế hiện chỉ có 2 cửa. Chúng tôi nghĩ rằng có lẽ các tác giả Đại Nam nhất thống chí đã có sự nhầm lẫn với trước khi thành được xây dựng mới bằng gạch.

[7] Quốc sử quán Triều Nguyễn: Minh Mệnh chính yếu. Tập 3. Nxb Thuận Hóa, 1994, tr237.

[8] Đến năm 1900 triều Nguyễn mới chuẩn hóa 1 thước là 0,40m.

[9] Nội các Triều Nguyễn: Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ. Tập15, tr287.

[10] Nội các Triều Nguyễn: Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ. Tập15, tr287, 289

[11] Nội các Triều Nguyễn: Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ. Tập10, tr374.

[12] Nội các Triều Nguyễn: Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ. Tập11, tr511.

[13] Quốc sử quán Triều Nguyễn: Đại Nam thực lục. Tập Bảy. Nxb Giáo dục, 2007, tr 567.

[14] Tựa đề trong cuốn Lịch sử Đông Dương, xuất bản ở Paris năm 1983 của tác giả P. Héduy.

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT