Sức sống mới ở phía Nam thành phố
Năm 2013, người dân thành phố Đà Nẵng hân hoan với sự kiện khánh thành 3 cây cầu lớn, đánh dấu bước ngoặt phát triển của thành phố, là cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý bắc qua sông Hàn và tuyến cầu đường Nguyễn Tri Phương nối dài. Cầu băng sông Cẩm Lệ, cầu vượt sông Cái, đường nhựa lênh láng cho cả một vùng đất từ Hòa Xuân đến Hòa Quý bừng sáng. Và con đường nhựa rộng 33m vinh dự được đặt tên Võ Chí Công – người con ưu tú của quê hương Quảng Nam Đà Nẵng.

Công trình được khởi công vào tháng 5/2011, có điểm đầu tuyến tại nút giao thông đường Cách Mạng Tháng Tám và đường Nguyễn Hữu Thọ, điểm cuối tuyến giao với đường Trần Đại Nghĩa.

Cầu Khuê Đông, thuộc dự án cầu đường Nguyễn Tri Phương

Sau 23 tháng thi công, dự án cầu và đường Nguyễn Tri Phương có tổng mức đầu tư trên 1.220 tỷ đồng, từ nguồn vốn vay ODA của Ngân hàng thế giới (WB) và vốn đối ứng của thành phố Đà Nẵng đã hoàn tất và đưa vào sử dụng. Chiều dài toàn tuyến cầu và đường là 6,83km bao gồm: cầu Khuê Đông vượt sông Cái, chiều dài 426,8m, gồm 9 nhịp, khổ cầu 26,3m; đường Võ Chí Công rộng 33 m, 6 làn xe; và cầu Nguyễn Tri Phương vượt sông Cẩm Lệ, có chiều dài 801,5m, chiều rộng 26,3m đáp ứng 6 làn xe chạy, được thiết kế hiện đại với phần hạ bộ cầu gồm có 2 mố, 19 trụ với tổng cộng 216 cọc khoan nhồi có đường kính rộng 1,2m; chiều dài cọc ngắn nhất dài 31m và cọc dài nhất dài 68m; phần thượng bộ cầu gồm có 3 nhịp đúc hẫng, 4 nhịp dầm bản và 13 nhịp super T.

Đây là công trình do Công ty Tư vấn quốc tế CDM Intenational Inc. (Mỹ) tư vấn thiết kế, và Công ty The Louis Berger Group.Inc (Mỹ) đảm nhận tư vấn giám sát cùng với 4 gói thầu xây lắp do các nhà thầu trong nước thực hiện.

Cầu Nguyễn Tri Phương khánh thành và đi vào hoạt động từ ngày 30-4-2013

Công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, đưa những chuyến đò ngang trắc trở giữa Khuê Trung, Hòa Xuân, Khuê Đông (Hòa Quý) đi vào dĩ vãng. Những chuyến đò từ Hòa Xuân xuôi dòng sông Cái sang Khuê Đông chỉ còn trong ký ức của những người xa quê chưa một lần trở về. Tiếp nối Cồn Dầu, Trung Lương, Lỗ Giáng, những Bình Kỳ, Bá Tùng vụt dậy từ quê lên phố, bừng lên sức sống mới.

Cả khu vực nghèo khó phía Nam, vùng ven biển phía Đông của thành phố được kết nối với trung tâm trên một tuyến giao thông quan trọng, nối liền Đà Nẵng với thành phố Hội An và tạo ra sự liên thông qua đường vành đai phía Nam thành phố xuất phát từ Khu công nghiệp Hòa Khương (huyện Hòa Vang) nối xuống tuyến đường ven biển Trường Sa. Một diện mạo đô thị mới ở phía Nam thành phố đang vươn hình hài, tạo dáng trên một vùng đất rộng lớn với cảnh quan thiên nhiên hữu tình.

Hy vọng trong một tương lai không xa, những tiềm năng, lợi thế của vùng đất phía Đông Nam thành phố được đánh thức hôm nay, sẽ phát triển rực rỡ tạo nên một vành đai xanh văn hóa du lịch, nghỉ dưỡng và trung tâm giáo dục-đào tạo bậc nhất miền Trung, góp phần tăng trưởng kinh tế của thành phố Đà Nẵng.

NGÔ HUYỀN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT