Cầu Rồng- biểu tượng kiến trúc mới trong thời kỳ hội nhập
Khánh thành đúng dịp kỷ niệm 38 năm giải phóng thành phố Đà Nẵng (29/3/2013), cầu Rồng là cây cầu thứ 6 bắc qua dòng sông Hàn. Với thiết kế độc đáo mô phỏng hình dáng con rồng đang uốn lượn trên mặt sông Hàn và hướng ra biển Đông, đầu rồng ngẩng cao và thân rồng uốn lượn. Cầu Rồng là trục chính của Đà Nẵng theo hướng Đông – Tây, là tuyến đường ngắn nhất, nối liền sân bay quốc tế Đà Nẵng với các khu du lịch cao cấp ven biển Sơn Trà- Điện Ngọc, đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển và hoàn thiện hạ tầng giao thông đô thị thành phố, đồng thời được kỳ vọng trở thành biểu tượng kiến trúc mới của thành phố.

Cầu Rồng được khởi công vào ngày 19/7/2009 với tổng kinh phí đầu tư trên 1.500 tỷ đồng. Trước đó, từ cuối năm 2005, để chuẩn bị cho công trình cầu Rồng mang nhiều kỳ vọng, UBND thành phố đã tổ chức cuộc thi thiết kế kiến trúc cầu Rồng với sự tham gia của 8 đơn vị tư vấn thiết kế đến từ Việt Nam, Nhật Bản, Đức, Mỹ. Cuối cùng, phương án thiết kế cầu Rồng do công ty tư vấn Louis Berger Group, Inc.(Mỹ) trên ý tưởng thể hiện hình dáng rồng đang bay qua sông Hàn hướng ra biển lớn đã vượt qua 17 thiết kế khác và được lãnh đạo thành phố chọn lựa.

 
 
Thiết kế hiện đại với nhiều điểm nhấn nổi bật 
 
Thiết kế của cầu Rồng đã được Hiệp hội Cầu đường thế giới công nhận là một trong những công trình có kiến trúc độc đáo, mới lạ, tạo nên nguồn cảm hứng đặc biệt về một thành phố đang chuyển mình mạnh mẽ, là biểu tượng mới của Đà Nẵng trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
 
Cầu Rồng được xây dựng với quy mô vĩnh cửu, có tổng chiều dài 666,0 m, gồm 5 nhịp chính và 3 nhịp dẫn, chiều rộng 37,5m, có 6 làn xe chạy, mỗi làn 3,75 m, 2 làn đường dành cho người đi bộ. Cây cầu có kết cấu nhịp thép độc đáo nhất từ trước đến nay với hình dáng một con rồng dài 568m, nặng lên đến gần 9.000 tấn. Trong đó, phần đầu rồng dài 18,24m, nặng 194,1 tấn; phần thân rồng dài 530m, nặng 8.405,1 tấn; phần đuôi rồng dài 19,37m, nặng 183,9 tấn; phần vảy rồng 118,9 tấn.
 
Hạng mục dầm thép gồm tổng số 34 đốt dầm với khoảng 3.500 tấn thép cường độ cao là phần chiếm giá trị lớn nhất trong dự án xây dựng cầu Rồng. Trong đó, 24 đốt dầm do Công ty CP Cơ khí 121 thuộc Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 1 sản xuất và 10 đốt dầm còn lại do Công ty Cơ điện miền Trung đảm nhận. Toàn bộ vật liệu chế tạo dầm thép được nhập từ Hàn Quốc. Đặc biệt, các dầm thép của công trình cầu Rồng có kết cấu hình hộp thay vì hình chữ I như các công trình khác, trong đó đốt dầm thép nặng nhất có trọng lượng lên đến 144 tấn. Để hoàn thành sản xuất một đốt dầm thép này mất trung bình 12 ngày trong điều kiện thời tiết thuận lợi với khoảng 60 kỹ sư, công nhân/dây chuyền/ca và sản xuất theo phương thức gối đầu.
 
Bên cạnh đó, hệ dầm hộp được liên kết với hệ vòm thép bằng kết cấu cáp dây treo. Đây là kết cấu vòm đặc biệt nhất tại Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại. Ngoài ra, công nghệ lắp dựng cầu Rồng cũng chưa có công trình nào tương tự nên đòi hỏi phải có những tính toán cẩn thận và kỹ lưỡng. Toàn bộ công trình được sơn 5 lớp để chống tác động ăn mòn bên ngoài và tạo màu sắc cho thân Rồng, cảnh quan và đài phun nước, cùng hệ thống chiếu sáng hiện đại sẽ góp phần tạo nên một hiệu ứng đẹp cho công trình cầu Rồng vào ban đêm. Cụ thể, khi đêm về, cầu Rồng được thắp sáng với hơn 2.500 điểm đèn LED thông minh. Giải pháp chiếu sáng của cầu do công ty Philips (Hà Lan) đảm nhận, và sẽ chủ động thay đổi ánh sáng phù hợp với từng chủ đề của các sự kiện, lễ hội.
 
Đặc biệt cứ vào 9 giờ tối thứ 7, chủ nhật hàng tuần, “Rồng” sẽ phun lửa, phun mưa bằng công nghệ hiện đại, khiến cho sông Hàn thêm phần sống động, thu hút. Lửa sẽ được phun trước với 2 lượt, mỗi lượt 9 lần; và tiếp theo sau là phun nước với 3 lượt, mỗi lượt 1 lần.
 

Cầu Rồng được đăng ký kỷ lục Guinness thế giới là “Con rồng thép lớn nhất”

Vào tháng 9/2013, UBND thành phố Đà Nẵng đã có văn bản đồng ý cho phép đưa dự án cầu Rồng tham gia cuộc thi kỹ thuật xuất sắc 2013 ACEC New York của Hiệp hội các công ty kỹ thuật Hoa Kỳ. Theo đó, UBND thành phố giao Ban quản lý dự án cầu Rồng phối hợp công ty Louis Berger (Hoa Kỳ) cung cấp hồ sơ dự án trong quá trình dự thi. Cuộc thi kỹ thuật xuất sắc được Hiệp hội các công ty kỹ thuật Hoa Kỳ, thành phố New York tổ chức hàng năm vào mùa xuân ở Waldorf-Astoria để tôn vinh các công ty thành viên cho thành tích thiết kế và giải pháp kỹ thuật và công nghệ.

Có thể nói, công trình cầu Rồng sau khi hoàn thành đã trở thành một trong những sự kiện quan trọng, đáng nhớ của chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng. Trước hết, nó đánh dấu một bước trưởng thành vượt bậc của đội ngũ cán bộ, kỹ sư công nhân Đà Nẵng nói riêng, Việt Nam nói chung trong việc làm chủ công nghệ thiết kế, thi công một dạng kết cấu cầu phức tạp và hiện đại của thế giới, sẵn sàng đảm đương tốt các hạng mục mới, có tính chất khó khăn, phức tạp của ngành xây dựng. Đồng thời với hình dáng con rồng vươn mình ra biển cùng khả năng phun lửa và nước, cầu Rồng được đánh giá là cây cầu có kiến trúc độc đáo, đẹp, hài hòa với cảnh quan xung quanh, phục vụ đắc lực nhu cầu đi lại và tham quan của nhân dân Đà Nẵng và du khách thập phương, góp phần khẳng định vị thế của thành phố Đà Nẵng là Trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa – xã hội của khu vực miền Trung-Tây Nguyên, đồng thời thúc đẩy ngành du lịch của thành phố ngày càng phát triển.
 
CẨM NHUNG

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT