Chơi dù bay trên đảo Ngọc
Những chiếc xuồng cao su sẽ đưa bạn đi một vòng quanh đảo để khám phá những hang dơi bí hiểm. Còn ngắm nhìn một góc đảo từ trên cao bằng dù bay quả là điều lý thú không thể bỏ qua khi đến đây.
Nếu xuất phát từ khu du lịch Lăng Cô (Huế), chỉ mất chừng 20 phút để đến đảo Ngọc, còn nếu xuất phát từ bãi Xuân Thiều (Đà Nẵng) phải mất thêm 10 phút nữa canô mới đưa bạn đến đảo. Nằm giữa biển Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế, cách mũi Cửa Khẻm (một nhánh núi Hải Vân) chừng 550m, nhìn xa đảo Ngọc nổi lên giữa biển khơi tựa như một chiếc chảo úp ngược nên nó còn tên là hòn Chảo.
Lại có người hình dung đảo có dáng một con nghêu nên đặt là hòn Nghêu. Có vị trí của một tiền đồn ngoài khơi, nên vào thời Minh Mạng thứ 21 đảo Ngọc được triều Nguyễn phong tặng là Ngự Hải đài (đài canh trên biển, có nhiệm vụ quan sát cả một vùng biển Đông). Còn cái tên đảo Ngọc lại xuất phát từ sự tích: do quá cảm kích trước vẻ đẹp của cát trắng, nước xanh trong mà khi đi qua đây, vua Quang Trung đã đặt cho hòn đảo nhỏ này tên ấy.
Đỉnh đảo Ngọc cao 235m so với mặt biển, đảo rộng chừng 60.000m2, vây quanh là những ghềnh đá đen nhô ra biển. Đây chính là thiên đường của tôm hùm, cá mú, bào ngư, sâm biển... Nhưng nhiều nhất có lẽ là những đàn cá cảnh đủ sắc màu rực rỡ, dạn dĩ đến mức du khách có thể thoải mái chạm tay vào chúng. Và chỉ cần một tay lưới thả sát mép nước chừng dăm phút, người ta có thể vớt lên hàng ký từ cá cơm, cá dìa đến mực ống...
Trung úy Thủy đóng quân tại đây cho biết: “Đây là nơi duy nhất trên biển đang bảo tồn loài sơn dương quí”. Lâu lắm rồi, vào những đêm trăng sáng, khi vắng thuyền bè qua lại, từng đoàn dê núi lại âm thầm “hành quân” bơi từ mũi Cửa Khẻm của dãy Hải Vân sang đảo Ngọc kiếm ăn. Và trong số đó có con đã ở lại không về. Bây giờ thì sơn dương trên đảo này nhiều lắm. Cả lợn rừng cũng vậy.
Vào những ngày biển động, từ trong những hốc đá trên núi từng đàn diều hâu bay ra đầy mặt biển. Ở lại đảo những ngày ấy, nếu may mắn du khách sẽ được dịp ngắm nhìn những con đại bàng sải cánh dài hàng mét tung bay. Ban đêm những chú trăn khổng lồ sẵn sàng vào tận chuồng nuôi gà, vịt của đơn vị biên phòng để “trộm”. Nếu đêm là giờ vàng của trăn, rắn, lợn rừng... thì ban ngày đảo Ngọc là thế giới tắc kè và chim muông. Chỉ cần tinh mắt, bạn sẽ thấy ngay những con tắc kè xanh, đỏ gật gù trên những thân cây điệp vàng. Vào mùa này điệp nở vàng cả một góc biển, ánh vàng tỏa xuống mặt nước biển xanh ngắt ở bãi Giếng, thêm vào đó sắc màu của những cánh buồm thuyền đánh cá làm nên một bức tranh độc đáo mà chỉ đảo Ngọc mới có.
“Nếu chưa đến với những rạn san hô nghĩa là chưa đến đảo Ngọc” - Bảo Yến, hướng dẫn viên của Công ty du lịch Cầu Vồng, đã khẳng định như vậy khi đưa chúng tôi đi lặn san hô và bắt cá quanh đảo.
Ở mực nước sâu chưa đầy 2m, qua kính lặn du khách có thể ngắm thỏa thích hơn 144 loài san hô, 135 loài rong biển cùng khoảng 162 loài cá đầy sắc màu. Tất cả số liệu ấy cũng đủ để “vườn thượng uyển” dưới nước này lọt vào danh sách 15 khu bảo tồn biển của VN.
Xuân Dung, du khách người Hà Nội, đã ngỡ ngàng khi lần đầu tiên tận mắt nhìn thấy những cánh đồng rong biển, nhất là loài rong mơ đang vào mùa nở hoa. Và chỉ cần xòe tay ra, bạn có thể chạm vào một đàn cá thủy tiên đang tung tăng bơi lội... Vào ban đêm, lên những con thuyền câu cá, mực vây quanh đảo, du khách sẽ vô tư kéo lên một chú cá dìa bự hay may mắn hơn sẽ rinh khỏi mặt biển một con mực to bằng bắp vế trẻ nhỏ. Du khách cũng có thể xách vợt đi bắt cá, nhặt những con ốc vú nàng, ốc đá... bám trên ghềnh đá.
Sau một ngày rong ruổi khám phá sự hoang dã trên đảo, đêm xuống du khách ở lại đảo sẽ đốt lửa trại trên bãi Giếng; từ đó ngắm nhìn hàng vạn ngọn đèn lấp lánh trên mặt biển. Tour khám phá đảo Ngọc cho bạn những thời khắc kỳ thú ấy.