Giảng viên Đại học Bách khoa chế tạo cabin chở bệnh nhân COVID-19 trong khu cách ly
Đăng ngày 02-07-2021 10:55, Lượt xem: 745

Đây là sản phẩm được nghiên cứu và chế tạo bởi Thạc sỹ Đặng Xuân Thủy, Giảng viên Khoa Cơ khí, Trường Đại học Bách Khoa (Đại học Đà Nẵng) theo đơn đặt hàng của Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu, nhằm mục đích phục vụ nhu cầu vận chuyển các bệnh nhân nghi nhiễm hoặc nhiễm COVID-19 trong phạm vi bệnh viện.

Theo Thạc sỹ Đặng Xuân Thủy, cabin chở bệnh nhân COVID-19 được chế tạo bằng chất liệu nhôm, với trọng lượng 80kg, bên trong được lắp đặt ghế có thể ngồi hoặc lật ghế nằm được để phù hợp với mọi điều kiện bệnh lý của bệnh nhân.


Bên trong cabin được lắp đặt ghế có thể ngồi hoặc lật ghế nằm được để phù hợp với mọi điều kiện bệnh lý của bệnh nhân

Ngoài ra, các thiết bị trong cabin gồm hệ thống phun khử khuẩn, hệ thống quạt hút gió, hệ oxi và hệ đèn chiếu sáng để đáp ứng yêu cầu như một buồng áp lực âm, đảm bảo không phát tán các vi khuẩn ra không khí. Phía ngoài cabin được lắp đặt đèn báo độ cao, đèn pha, đèn phanh, đèn báo cấp cứu. Cabin có thể chở được tải trọng khoảng 100kg khi kéo bằng xe máy điện và khi kéo bằng tay có thể lên đến 200kg.

"Tính ưu việt của sản phẩm là có thể vừa vận chuyển bằng xe máy điện trong khuôn viên của các bệnh viện vừa có thể tháo rời để di chuyển kéo bằng tay trong các hành lang một cách linh hoạt. Chi phí để sản xuất chế tạo sản phẩm này ước tính khoảng 60 triệu đồng. Nếu sản xuất nhiều thì chi phí có thể giảm xuống, dao động khoảng 50 triệu đồng", thầy Thủy cho biết.


Cabin có thể vừa vận chuyển bằng xe máy điện trong khuôn viên của các bệnh viện vừa có thể tháo rời để di chuyển kéo bằng tay trong các hành lang một cách linh hoạt

Thầy Đặng Xuân Thủy chia sẻ, trong quá trình nghiên cứu, chế tạo sản phẩm đã nhận được sự hỗ trợ tham gia và tư vấn của bạn bè và các đồng nghiệp trong khoa.

"Tuy nhiên, trong quá trình chế tạo sản phẩm, bản thân tôi cũng gặp một số khó khăn nhất định. Đơn cử như, với dự tính ban đầu từ khâu lên ý tưởng thiết kế đến chế tạo, hoàn thiện sản phẩm mất khoảng 15 ngày. Nhưng khi bắt tay vào thực hiện thì do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên việc đi tìm mua các loại phụ kiện gặp khá nhiều trắc trở. Bên cạnh đó, thành phố cũng có chủ trương không tụ tập đông người nên tôi phải đảm nhận tất cả các khâu, vừa nghiên cứu, vừa chế tạo, vừa lắp ráp dẫn đến thời gian hoàn thành lâu hơn kế hoạch ban đầu", thầy Thủy nói.


Các thiết bị trong cabin gồm hệ thống phun khử khuẩn, hệ thống quạt hút gió, hệ oxy và hệ đèn chiếu sáng để đáp ứng yêu cầu như một buồng áp lực âm

Cũng theo thầy Thủy, thời gian đến sẽ điều chỉnh và cải thiện thêm hệ thống lọc không khí bằng màng lọc đúng theo tiêu chuẩn của ngành y tế để sản phẩm trở nên hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu của các bệnh viện.

Giám đốc Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu Lê Văn Sỹ cho biết, thiết bị này khi đưa vào hoạt động thực tế sẽ giúp vận chuyển thuận lợi các bệnh nhân nghi ngờ mắc COVID-19 từ khu vực cách ly tới các khoa, khám cận lâm sàn, cũng như bệnh nhân từ các phòng khoa phát hiện nghi ngờ về khu cách ly tập trung; đồng thời tránh tình trạng lây lan dịch bệnh, lây nhiễm chéo trong quá trình di chuyển.


Bình oxy được lắp đặt trong cabin

Trong các đợt dịch, các giảng viên, sinh viên Trường Đại học Bách Khoa (Đại học Đà Nẵng) đã có nhiều sản phẩm ứng dụng phục vụ cộng đồng trong phòng, chống COVID-19. Lần này, sản phẩm cabin chở bệnh nhân COVID-19 trong khu cách ly cũng sẵn sàng chuyển giao cho các đơn vị có nhu cầu.

THANH HẢI

 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác