Hiện nay tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế đang xuất hiện tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh; nhiều cán bộ y tế trong khu vực công lập nghỉ việc. Đây là những vấn đề lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Đề nghị Ngành y tế đánh giá và nêu quan điểm của mình về tình trạng này ở TP Đà Nẵng như thế nào? Có xảy ra tình trạng này hay không? Nếu có thì hiện đang ảnh hưởng như thế nào? Nguyên nhân do đâu? Trách nhiệm thuộc về ai? Các giải pháp khắc phục?
26/NQ-HĐND ban hành ngày 14/07/2022
1. Thiếu thuốc: Sở Y tế đã hoàn thành đấu thầu tập trung cấp địa phương cung cấp thuốc năm 2021 - 2023 cho các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, kết quả trúng thầu bắt đầu có hiệu lực từ quý IV năm 2021 với tỷ lệ trúng thầu 81% tính theo mặt hàng thuốc mời thầu. Hiện các cơ sở y tế trực thuộc đang áp dụng kết quả đấu thầu tập trung cấp địa phương nêu trên để mua sắm nên việc cung ứng thuốc tương đối đầy đủ, kịp thời phục vụ yêu cầu khám bệnh, chữa bệnh tại các đơn vị. Tuy nhiên, tình trạng thiếu một số thuốc cục bộ cũng được báo cáo ở một số các cơ sở y tế. Giải pháp khắc phục: Sở Y tế đang tiếp tục tổ chức lựa chọn nhà thầu 02 gói thầu: Đấu thầu tập trung cấp địa phương tại Sở Y tế cung cấp bổ sung thuốc năm 2022 - 2023 (mua sắm các thuốc hủy thầu do không lựa chọn được nhà thầu trong đợt đấu thầu năm 2021, thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia và đàm phán giá) và cung cấp vị thuốc cổ truyền năm 2022 - 2023 cho các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; dự kiến kết quả trúng thầu sẽ được áp dụng từ tháng 01/2023. Để đảm bảo cung ứng đủ thuốc phục vụ nhu cầu khám và điều trị trong thời gian chờ kết quả đấu thầu tập trung cấp địa phương năm 2022 - 2023, Sở Y tế đã hướng dẫn các cơ sở y tế chủ động xây dựng kế hoạch và thực hiện mua sắm bổ sung thuốc theo quy định tại Điều 18 Thông tư số 15/2019/TT-BYT ngày 11/7/2019 của Bộ Y tế và hướng dẫn tại Công văn số 7876/UBND-ĐTĐT ngày 20/11/2019 của UBND thành phố về việc liên quan đến phân cấp Mua sắm thuốc theo Thông tư số 15/2019/TT-BYT ngày 11/7/201 và thực hiện Mua sắm hóa chất, vật tư y tế với thời gian thực hiện hợp đồng 24 tháng. 2. Thiếu vật tư y tế, hóa chất Theo báo cáo của các đơn vị trực thuộc Sở Y tế, một số đơn vị đang xảy ra tình trạng thiếu vật tư y tế, hoá chất ảnh hưởng đến công tác khám bệnh, chữa bệnh. Giải pháp khắc phục: Sở Y tế đã thường xuyên nhắc nhở các đơn vị tập trung nhân lực, khẩn trương thực hiện các hồ sơ đấu thầu mua sắm vật tư y tế, hoá chất đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành, tính pháp lý cho việc thanh tra, kiểm tra sau này. Đồng thời, Sở Y tế có các văn bản tham mưu cơ quan cấp trên hướng dẫn tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu thầu mua sắm vật tư y tế, hoá chất, cụ thể: Đề xuất các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn việc xây dựng giá dự toán để các đơn vị không bị lúng túng trong việc vừa đảm bảo thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đấu thầu nhưng vẫn kịp thời thực hiện đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư y tế, hóa chất, hàng hóa phục vụ công tác khám chữa bệnh; Đề xuất chỉ đạo đầu tư (ngân sách thành phố hoặc nguồn kinh phí sự nghiệp các đơn vị) mua sắm hệ thống máy xét nghiệm cho các cơ sở y tế theo chức năng, nhiệm vụ và phù hợp với yêu cầu khám chữa bệnh. Đồng thời đề xuất các cơ quan chức năng hướng dẫn cơ sở y tế việc thực hiện các nội dung liên quan đến cho, tặng, thuê, xác lập quyền sở hữu tài sản theo quy định của Luật quản lý tài sản công. - Đề xuất thành lập Trung tâm mua sắm tập trung nhằm đảm bảo công tác đấu thầu mua sắm được thực hiện đúng theo quy định và để các Sở chuyên môn tập trung thực hiện công tác quản lý ngành theo nhiệm vụ được giao; đặc biệt đối với ngành Y tế có điều kiện tập trung nâng cao trình độ chuyên môn phục vụ tốt hơn công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Trường hợp chưa thể giao cho một đơn vị chuyên nghiệp thực hiện mua sắm tập trung, đề nghị tạm thời bãi bỏ danh mục mua sắm vật tư y tế, hóa chất tập trung, giao cho các đơn vị trực thuộc Sở Y tế thực hiện công tác đấu thầu mua sắm vật tư y tế, hóa chất theo hướng ”tăng quyền tự chủ cho các cơ sở y tế trong việc mua sắm hóa chất, vật tư y tế” để tránh việc làm chậm trễ công tác đấu thầu mua sắm và để các đơn vị chủ động mua sắm kịp thời, phục vụ công tác khám chữa bệnh. Sở Y tế tập trung vào công tác quản lý nhà nước đối với các đơn vị trực thuộc (hướng dẫn việc tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện), tránh tình trạng quá tải công việc dẫn đến chậm trễ trong đấu thầu mua sắm. Trong một số tình huống phải đáp ứng yêu cầu cấp bách cho công tác phòng, chống dịch và nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người bệnh; việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, hóa chất, hàng hóa chưa thể thực hiện ngay theo quy định, đề nghị có hướng dẫn xử lý đối với nội dung này. 3. Tình trạng cán bộ y tế nghỉ việc: Nguyên nhân cán bộ y tế xin nghỉ việc: Tổng hợp từ các đơn xin nghỉ việc của cán bộ y tế, nguyên nhân chủ yếu để cán bộ y tế xin nghỉ việc là lý do cá nhân, hoàn cảnh gia đình, có con nhỏ không người chăm sóc chiếm tới 52,8% (131/248 trường hợp); 28,2% (70/248^ trường hợp) cán bộ y tế báo cáo lý do nghỉ việc là do thu nhập; các nguyên nhân về cường độ làm việc, môi trường làm việc, sức khỏe chiếm tỷ lệ thấp. Tuy nhiên, thực tế nguyên nhân sâu xa là do công việc của ngành y có nhiều tính đặc thù: công việc thực tế quá vất vả; cường độ và áp lực cao về cả khối lượng, tính chất công việc và áp lực xã hội; phải tham gia đào tạo thường xuyên, liên tục để cập nhật kiến thức và nâng cao kỹ năng nghề nghiệp; nguy cơ mắc bệnh và tai nạn nghề nghiệp cao; không có thời gian chăm sóc gia đình; chế độ tiền lương và ưu đãi chưa tương xứng. Đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh kéo dài, điều kiện sinh hoạt và thời gian nghỉ ngơi hồi phục để đảm bảo sức khỏe phục vụ lâu dài không thực sự đảm bảo; tiền lương và phụ cấp không đủ sắp xếp ổn định gia đình để tập trung tham gia thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch,...và đặc biệt là tâm lý không được bảo vệ trong khi thực hiện nhiệm vụ (cả về nhiệm vụ chuyên môn và nhiệm vụ quản lý). Biện pháp khắc phục: Trước tình hình trên, Sở Y tế đã ban hành Công văn số 2183/SYT -TCCB ngày 16/5/2022 đề nghị các đơn vị trực thuộc “Tổ chức gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với những cá nhân có nguyện vọng nghỉ việc/chuyển công tác, đặc biệt là các cán bộ y tế có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm công tác để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và kịp thời giải quyết những vướng mắc (nếu có) trên tinh thần động viên cán bộ, viên chức, lao động gắn bó với đơn vị”. Các đơn vị trực thuộc đã thực hiện các biện pháp động viên tinh thần, phối hợp với Công đoàn đơn vị tìm hiểu hoàn cảnh thực tế và chia sẻ động viên các trường hợp xin nghỉ việc; đồng thời nỗ lực thực hiện kịp thời việc thanh toán các chế độ về phòng chống dịch. Tuy nhiên, tình trạng cán bộ y tế nghỉ việc vẫn có số lượng cao. Hiện tại, Sở Y tế thành phố Đà Nẵng đang xây dựng dự thảo Đề án chính sách tổng thể về hỗ trợ đặc thù cho cán bộ y tế thành phố Đà Nẵng và dự kiến sẽ trình UBND thành phố vào cuối năm 2022 để góp phần giải quyết tình trạng nghỉ việc trên, cũng như nâng cao đời sống cho cán bộ y tế thành phố Đà Nẵng. Đồng thời, để đảm bảo nhân lực thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới, trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 mặc dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, song các đơn vị y tế trực thuộc vẫn nỗ lực tổ chức tuyển dụng viên chức và hợp đồng lao động với 712 cán bộ y tế để đào tạo và sử dụng, bù đắp vào số lượng thiếu hụt do nghỉ việc cũng như nghỉ công tác theo chế độ. Tuy nhân lực mới đa số trẻ và chưa được đào tạo thực hành bài bản nhưng đã giúp ngành Y tế Đà Nẵng từng bước vượt qua cơn khủng hoảng về nhân lực.
5064 ban hành ngày 15/09/2022