Hàng ngàn người dân và du khách thập phương dự lễ vía Đức Bồ tát Quán Thế Âm năm 2024

Lễ hội Quán Thế Âm có xuất xứ từ một lễ vía thuần túy của đạo Phật nhằm tôn vinh lòng độ lượng, bao dung, từ bi, hỷ xả của Đức Phật Quán Thế Âm Bồ Tát. Hình tượng Đức Phật Quán Thế Âm Bồ Tát gắn với cộng đồng các dân tộc theo Phật trên thế giới như hiện thân của đức cứu nạn, cứu khổ. Lễ chính thức (Lễ vía Đức Bồ tát Quán Thế Âm) thu hút sự tham gia của hàng ngàn chư tôn đức tăng, ni, người dân và du khách thập phương.

MAI QUANG

Quán Thế Âm Bồ Tát hình ảnh thân thiết gần gũi đối với mọi người, nhất là người Á Đông. Ngày nay, Quán Thế Âm Bồ Tát được thờ phụng tại nhiều quốc gia dưới nhiều tên gọi khác nhau như Kannon, Kanzeon (Nhật Bản), Guan Yin, Guan Shiyin (Trung Quốc), Spyanrasgzigs (Tây Tạng), Nidubarusheckchi (Mông Cổ), người Champa và Khmer gọi là Lokesvara và Quan Âm (Việt Nam)... Hình tượng, vai trò, tín ngưỡng về Quán Thế Âm Bồ Tát trong tâm thức người dân của mỗi quốc gia cũng khác nhau.

Lễ hội hội Quán Thế Âm được tổ chức trong ba ngày, từ ngày 17, 18 và 19 tháng 2 (âm lịch), trong đó ngày 19 là ngày lễ chính thức. Lễ hội gồm hai phần: Lễ và Hội. Phần lễ là các nghi lễ tín ngưỡng Phật giáo và nghi lễ truyền thống của địa phương. Trong ba ngày diễn ra lễ hội, ngoại trừ các sự kiện đặc biệt của từng năm thì phần lớn các sự kiện thường niên tổ chức đan xen kết hợp giữa phần Lễ và phần Hội. Hai phần này hòa quyện với nhau, trong lễ có hội và ngược lại trong hội có lễ.

Tọa lạc tại ngọn Kim Sơn trong quần thể Khu Di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn, Động Quan Âm được Hòa thượng Thích Pháp Nhãn phát hiện ra có tôn tượng Quán Thế Âm Bồ Tát thiên tạo. Từ sự ứng hiện của Quán Thế Âm Bồ Tát ở động thiêng này nên Hòa thượng đã đặt tên động là động Quan Âm và trở thành nơi trụ xứ thờ tự của Ngài.